Chuột rút bắp chân khi ngủ, cơn ác mộng của nhiều người

Nếu bị chuột rút bắp chân khi ngủ, cơn đau có thể đánh thức bạn dậy. Muốn biết nguyên nhân bị chuột rút và cách xử lý, bạn hãy tham khảo bài viết này nhé

Chuột rút bắp chân khi ngủ rất đau và thật sự là cơn ác mộng của nhiều người. Tình trạng chuột rút xảy ra đột ngột, co rút cơ bắp chân, cơ bàn chân vào ban đêm hoặc khi nằm nghỉ. Tại vị trí bị chuột rút, bạn có thể cảm nhận một cục cứng trong mô cơ, chỉ xảy ra từ vài giây đến vài phút. Sau đó, dù cơn đau dữ dội mất đi, nhưng cơ bắp vẫn còn đau nhức trong một khoảng thời gian. Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng này, dưới đây là một số lý do chủ yếu.

Tại sao bị chuột rút bắp chân khi ngủ?

1. MẤT NƯỚC 

Uống đủ nước giúp cơ thể, tinh thần khỏe mạnh và ảnh hưởng tốt đến cơ bắp. Nước chiếm 75% các mô cơ bắp và giúp chúng co giãn dễ dàng. Vì vậy, khi không uống nước đủ, bạn có thể bị chuột rút vào ban đêm.

Nước cũng giúp các chất dinh dưỡng lưu thông bình thường trong cơ thể. Nếu không có nước, cơ bắp sẽ không có đủ chất dinh dưỡng quan trọng, dẫn đến sự mất cân bằng điện giải.

2. THIẾU DINH DƯỠNG 

Khi mất cân bằng điện giải muối khoáng như na-tri, ka-li, can-xi và ma-giê trong cơ thể, bạn dễ bị chuột rút. Các khoáng chất này chịu trách nhiệm sinh ra các xung thần kinh, co thắt cơ bắp, giữ cho cơ bắp làm việc thuận lợi hơn. Trong đó, na-tri là một ion mang điện tích dương giúp duy trì sự cân bằng dịch cơ thể, sinh ra xung thần kinh và sự co cơ. Với ka-li, đây là một chất điện phân có trong tất cả các tế bào của cơ thể, kể cả tế bào cơ và dây thần kinh. Nó hoạt động cùng với na-tri và clorua tạo ra các xung điện trong các dây thần kinh và cơ.

Còn can-xi liên quan đến sự co cơ và sinh ra các xung thần kinh. Ma-giê chịu trách nhiệm trong việc ổn định adenosine triphosphate (ATP), nguồn năng lượng cho sự co cơ và là một chất điện phân trong dịch cơ thể. Nếu thiếu bất kỳ khoáng chất nào cũng có thể dẫn đến chuột rút và các vấn đề liên quan đến cơ. Ngoài ra, vitamin B, đặc biệt là vitamin B12, cũng ảnh hưởng đến chức năng của cơ.

3. ĐỨNG QUÁ LÂU 

Đứng quá lâu và mang giày cao gót hoặc giày không phù hợp với chân có thể gây mỏi cơ, dẫn đến chuột rút bắp chân khi ngủ. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy đứng lâu tại nơi làm việc có thể gây giãn tĩnh mạch và chuột rút vào ban đêm ở cả nam và nữ. Các chuyên gia trong nghiên cứu khuyên bạn nên giảm đứng lâu để ngăn chặn những vấn đề này. Ngồi không đúng cách hoặc đặt chân ở tư thế không thoải mái khi ngủ cũng có thể bị chuột rút.

4. MANG THAI 

chuot rut bap chan khi ngu hinh anh 1

Vào ba tháng đầu, thai phụ hay bị ốm nghén, nôn ói và không ăn uống được khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng, mất nước, mất cân bằng điện giải… dẫn đến chứng co cứng cơ.

Với thai phụ bị chuột rút từ ba tháng giữa thai kỳ cho đến hết thai kỳ, nguyên nhân có thể do áp lực của tử cung đè lên các dây thần kinh hoặc giảm lưu thông ở chân do áp lực của em bé đè lên mạch máu. Một nguyên nhân phổ biến khác khiến thai phụ bị chuột rút là do thiếu can-xi. Trong thai kỳ, nếu thường xuyên bị chuột rút ở chân vào ban ngày hoặc đêm, bạn cần trao đổi với bác sỹ.

5. TUYẾN GIÁP GIẢM HOẠT ĐỘNG 

Hormone tuyến giáp ở mức thấp có thể gián tiếp gây yếu cơ cũng như bị chuột rút vào ban đêm. Nguyên nhân là hormone tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ và sử dụng can-xi. Hormone này giảm làm giảm lượng can-xi. Tình trạng thiếu can-xi lại liên quan đến yếu cơ, tê, đau và chuột rút. Ngoài ra, lượng hormone tuyến giáp thấp cũng làm tăng tình trạng viêm, góp phần gây chuột rút.

6. TIỂU ĐƯỜNG KHÔNG KIỂM SOÁT 

Chuột rút là một triệu chứng của bệnh thần kinh do tiểu đường (biến chứng của tiểu đường không kiểm soát). Bên cạnh cơn đau nhói ở bắp chân, bệnh nhân còn bị ngứa ran và tê. Đường huyết cao cũng gây đi tiểu quá mức và mất nước dẫn đến chuột rút.

7. NGHIỆN RƯỢU 

Uống rượu quá nhiều khiến dây thần kinh ngoại biên bị tổn hại gây nên bệnh thần kinh do rượu có triệu chứng là chân đau và chuột rút. Hơn nữa, uống quá nhiều rượu còn gây mất nước do rượu có tác dụng lợi tiểu và gây thiếu hụt ma-giê, làm tăng lượng a-xít lactic trong cơ thể dẫn đến chuột rút hoặc đau cơ.

8. DÙNG THUỐC

Một số loại thuốc giúp giảm cholesterol, thuốc lợi tiểu làm mất nước và chất điện giải dẫn đến chuột rút bắp chân khi ngủ. Các loại thuốc khác như thuốc chống loạn thần, thuốc ngừa thai, steroid cũng có thể gây chuột rút. Nếu chuột rút xảy ra đột ngột sau khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới, bạn hãy thông báo với ​​bác sỹ điều trị.

Khắc phục và ngăn ngừa chuột rút bắp chân

♦ Ngay khi bị chuột rút, bạn tự xoa bóp hoặc nhờ người thân xoa bóp bắp chân, chỗ bị chuột rút 10 – 15 phút, sau đó nâng cao chân lên, đi lòng vòng hoặc rung chân. Nếu cần, có thể chườm nóng ở chỗ chuột rút.

♦ Uống nhiều nước và thức uống tốt khác để tránh mất nước.

♦ Dùng nước uống thể thao (sport drink) có chất điện giải giúp ngăn ngừa chuột rút.

♦ Tránh xa đồ uống có cồn, cà-phê và soda vì các thức uống này làm cơ thể mất nước, tăng nguy cơ bị chuột rút.

♦ Căng cơ bắp chân trước khi đi ngủ giúp giảm căng thẳng cho cơ bắp.

♦ Đạp trên máy tập xe đạp khoảng 10 phút trước khi đi ngủ.

♦ Đảm bảo khẩu phần ăn của bạn có đủ ka-li (có nhiều trong chuối, chà là, mơ, nho, bắp cải, bông cải xanh, cam, bưởi, cá, thịt lợn và thịt cừu), ma-giê (các loại hạt). Thai phụ nên tham khảo ý kiến ​​bác sỹ về việc uống bổ sung ma-giê.

Bài: Vi Cao

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua