Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ có những môn bắt buộc và môn tự chọn. Ảnh minh họa
Môn học cốt lõi lĩnh vực giáo dục đạo đức công dân sẽ là Giáo dục lối sống (tiểu học), Giáo dục công dân (trung học cơ sở − THCS) và Công dân với Tổ quốc (trung học phổ thông − THPT).
Lĩnh vực khoa học chỉ có một môn là Cuộc sống quanh ta ở các lớp 1, 2, 3, đến các lớp 4, 5 thì tách thành hai môn Tìm hiểu xã hội và Tìm hiểu tự nhiên, khối THCS thì học hai môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.
Ở bậc THPT, môn Khoa học xã hội cùng với các môn Lý, Hóa, Sinh sẽ dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên, còn môn Khoa học tự nhiên cùng với các môn Sử, Địa sẽ dành cho học sinh định hướng khoa học xã hội.
Các môn ở cả ba cấp học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn.
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS), các môn học bắt buộc gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Thể dục, Giáo dục lối sống/Giáo dục Công dân, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên/Khoa học tự nhiên, Tìm hiểu xã hội/Khoa học xã hội. Các môn tự chọn bao gồm: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật…
Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp (THPT), có bốn môn bắt buộc: Văn 1, Toán, Công dân với tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Các môn tự chọn bao gồm: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2, Sử, Địa, Ngữ văn 2, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Thể thao…
Theo Dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có 35 tuần thực học (gồm 32 tuần học các nội dung quy định chung cả nước và 3 tuần dành cho giáo dục của địa phương). Cấp tiểu học mỗi ngày học 2 buổi, buổi sáng học không quá 4 tiết, chiều không quá 3 tiết, mỗi tiết trung bình 35 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Cấp THCS và THPT mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết học, mỗi tiết 45 phút, giữa các tiết có thời gian nghỉ.
Tiếp Thị Gia Đình