Tiểu đêm nhiều chưa chắc vì thận yếu

Nhiều người vẫn nghĩ tiểu đêm nhiều là do bệnh lý ở thận. Dân gian hay gọi là thận yếu. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy!

chứng tiểu đêm

Chứng tiểu đêm khiến giấc ngủ không đảm bảo. Ảnh: Shutterstock

Theo Hội Niệu học quốc tế, bàng quang tăng hoạt (overactive bladder – OAB) là nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn tiểu tiện ở mọi lứa tuổi. Đây là tình trạng bàng quang hoạt động quá mức, thường xuyên bị kích thích và co bóp ngay cả khi chưa đầy nước tiểu, dẫn tới biểu hiện tiểu gấp, tiểu lắc nhắc, tiểu đêm và són tiểu.

Tiểu đêm khá phổ biến khi bạn có tuổi

Theo nghiên cứu lâm sàng, cứ ba người lớn trên 30 tuổi thì có một người cần đi vệ sinh ít nhất hai lần vào ban đêm. Hầu hết mọi người có thể ngủ liền mạch từ 6 đến 8 tiếng. Tuy nhiên, nếu mắc chứng tiểu đêm, bạn sẽ thức giấc nhiều hơn một lần mỗi đêm. Điều này làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ bình thường, có thể gây thiếu ngủ cùng các rối loạn khác.

Nguyên nhân của chứng tiểu đêm

Tiểu đêm có thể do OAB gây ra, nhưng nó cũng có thể là kết quả của các bệnh lý khác. Ví dụ như tiểu đường týp 1 hoặc 2, suy tim, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang. Ngoài ra, một số thuốc có thể là “thủ phạm” như thuốc gylcosid trợ tim, kháng sinh demeclocycline, thuốc chống loạn thần lithium, thuốc gây mê đường hô hấp methoxyflurane, thuốc kiểm soát động kinh phenytoin…

Việc dùng quá nhiều vitamin D hoặc uống thuốc lợi tiểu cũng có thể khiến bạn thức giấc nửa đêm để… “xả nước”.

Thay đổi lối sống để cải thiện tiểu đêm

Phương pháp điều trị đầu tiên cho chứng tiểu đêm là thay đổi lối sống. Bạn cần hạn chế uống nước trước khi đi ngủ, thậm chí ngừng uống bất cứ gì vài giờ trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đảm bảo đã nạp đủ lượng nước trong ngày.

Duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp giảm và ngăn ngừa chứng tiểu đêm. Trọng lượng dư thừa có thể gây áp lực lên bàng quang.

Chọn thời điểm dùng thuốc lợi tiểu để không ảnh hưởng đến việc sản xuất nước tiểu vào ban đêm.

Trước khi đi ngủ,bạn nên đi tiểu và không nên nhịn tiểu. Ngoài ra, không nên đi ngủ với không khí phòng quá lạnh hoặc quạt xoáy vào người. Không khí lạnh sẽ gây co mạch ngoại biên, làm tăng máu đi qua thận. Từ đó khiến lượng nước tiểu tăng nhanh hơn.

Điều trị y tế cho chứng tiểu đêm

Bên cạnh thay đổi thói quen sinh hoạt, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn. Trong đó có thuốc kháng cholinergic dùng điều trị các triệu chứng của OAB.

Song song đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc lợi tiểu. Bản thân thuốc này có thể gây ra chứng tiểu đêm. Nhưng nếu uống đủ sớm trong ngày, nó giúp bạn loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa khi đang thức.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể áp dụng điều trị kích thích thần kinh xâm lấn hoặc không xâm lấn.

Phương pháp điều trị xâm lấn là cấy một thiết bị nhỏ gửi các xung động được điều chỉnh đến bàng quang gần xương cụt. Theo nghiên cứu, đây là phương pháp điều trị an toàn, lâu dài và hiệu quả đối với các triệu chứng của OAB nói chung và chứng tiểu đêm nói riêng. Phương pháp không xâm lấn là dùng dòng điện kích thích hệ thần kinh. Phương pháp này vẫn còn trong quá trình nghiên cứu sâu hơn về hiệu quả lâu dài.

Trong trường hợp phòng ngừa và thuốc không có tác dụng, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật mở rộng bàng quang hoặc đặt ống dẫn nước tiểu ra ngoài.

Bài: NOU
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua