Người đàn ông với một bên chân khuyết đang ngồi trên giường giữa mớ chăn màn rách nát. Chung quanh nhà là những vật dụng cũ kỹ, dường như được tích trữ từ hàng chục năm rồi, tất cả đã đổi màu theo thời gian. Trong cảnh ấy, tôi có cảm giác họ không phải đang sống ở thế giới hiện đại này.
NHỮNG CON NGƯỜI CÙNG KHỔ
Đó là ông Bùi Mạnh Huân trên phố Minh Khai và ngôi nhà dựng tạm với mái là những tấm ni-lông chắp vá. Có lẽ, thứ quý giá nhất trong nhà là tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Bùi Văn Hanh treo trang trọng trên tường. Ông Huân là con trai của liệt sỹ Bùi Văn Hanh. Trong một lần gặp tai nạn giao thông, ông buộc phải cắt mất một chân. Từ đó, sức khỏe ông yếu dần nên quanh năm luôn đau ốm. Số tiền mất sức lao động ít ỏi chẳng đủ thuốc men, cuộc sống của gia đình lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Trong khi đó, vợ ông bị thần kinh và đứa con út cũng bị tâm thần. Ông phải thường xuyên ở nhà chăm lo cho hai người.
Ông Huân kể, năm 1972, gia đình ông sơ tán từ khu Đống Đa sang gần nghĩa trang Hợp Thiện để tránh bom. Thuở ấy, xung quanh khu vực ông ở là đất của nghĩa trang, mạnh ai nấy ở nên tất cả chỉ là những căn lều dựng tạm. Đến năm 1976, chính quyền đồng ý cho các gia đình nhập khẩu và sống đến nay. Xã hội phát triển, các gia đình xung quanh xây nhà cao cửa rộng, riêng gia đình ông vì khó khăn, công việc bấp bênh nên mấy chục năm qua vẫn cứ sống trong căn lều tạm bợ.
Căn nhà ấy giờ cột gỗ đã mục nát, mái lợp hư hỏng nặng được chắp vá bằng nilông, tường xây tạm năm xưa lún sụt nặng, chỉ chực chờ đổ ập xuống bất cứ lúc nào. “Sau mỗi mùa mưa qua, cả nhà tôi chỉ hạnh phúc vì vẫn còn được nhìn thấy nhau”, ông Huân nói với giọng đượm buồn.
LÁ LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH
Ông Huân chia sẻ: “Tôi từng nghĩ, làm đàn ông thì không nên để vợ con khổ, nhưng cho đến giờ chẳng thể làm gì được”. Nói rồi ông ngước nhìn vợ đang đứng trong bếp, mon men đến nồi cơm nguội xúc ăn ngon lành. Lúc nhìn lên, đôi mắt bà đờ đẫn, ngây dại.
Những người hàng xóm bảo, gặp ai bà Hòa, vợ ông Huân, cũng cười cười như thế, chẳng quan tâm đến chuyện gì. Sáng thức giấc bà đi ra ngõ ngồi, trưa về nhà ăn cơm với chồng con và chiều lại đi chơi. Trong nhà, ông Huân là người tỉnh táo nhất nên hàng tháng, ông lại chống nạng đi nhận số tiền mất sức lao động ít ỏi về trang trải chi phí.
Ông Huân còn người con gái và con trai sống ở hai phần phía trước của căn nhà. Tuy nhiên, hai người con của ông còn gia đình riêng, cũng nghèo khó, vất vả, chẳng thể giúp đỡ được bố mẹ và đứa em tâm thần.
Rời căn nhà, ánh mắt u buồn của ông Huân cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Ánh mắt bất lực của người đàn ông không thể làm gì cho vợ con đỡ khổ. Mùa mưa đang đến, liệu căn nhà có đủ che chắn cho những con người qua cơn giông bão?
Thông tin thêm: Ông Bùi Mạnh Huân, 80 tuổi, hiện sống ở số 7 ngõ 349 Minh Khai, P. Vĩnh Tuy, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội. Căn nhà số 7 gồm 3 hộ gia đình tách biệt mỗi hộ khoảng 28–30m2, hai nhà phía ngoài là của con gái và con trai ông Huân. Vợ chồng ông và cậu con trai út ở phần trong cùng. Rất mong những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc gần xa cùng chung tay giúp đỡ để ông có thể trang trải tiền thuốc men và sửa chữa lại căn nhà mục nát của mình.
Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình