Chứng bệnh loãng xương và những điều cần biết

Khi tuổi càng cao, người ta càng quan tâm đến chứng bệnh loãng xương. Bạn đã biết rõ về căn bệnh này chưa? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Chứng bệnh loãng xương làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy, xảy ra khi việc tạo xương mới không theo kịp với loại bỏ xương cũ. Gãy xương do loãng xương xảy ra phổ biến ở hông, cổ tay hoặc cột sống. Nếu bị loãng xương và dẫn đến gãy xương, chi phí điều trị sẽ rất cao.

Tốt nhất, bạn nên phòng bệnh ngay từ bây giờ bằng cách ăn uống lành mạnh với đầy đủ các chất như đạm, can-xi, vitamin D, tập thể dục để giữ thân hình cân đối…

Hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để bổ sung kiến thức cho mình nhé! 

Bài trắc nghiệm kiến thức sức khỏe về chứng bệnh loãng xương

1. Bạn có thể cảm nhận rõ ràng khi xương ngày càng yếu đi?

  A. Đúng

  B. Sai

2. Khi không nạp đủ lượng can-xi cần thiết, cơ thể sẽ lấy can-xi từ xương?

  A. Đúng

  B. Sai

3. Xương bắt đầu suy yếu khi bạn bước vào độ tuổi:

  A. Độ tuổi 30 tuổi

  B. Độ tuổi 40 tuổi

  C. Độ tuổi 50 tuổi

4. Khi đã trên 50 tuổi, tập thể dục sẽ không giúp ích được gì cho sức khỏe của xương?

  A. Đúng

  B. Sai

5. Người nào có khả năng mắc chứng bệnh loãng xương nhất?

  A. Nam giới

  B. Phụ nữ

  C. Thanh thiếu niên

6. Môn thể thao nào tốt cho xương?

  A. Bơi lội

  B. Đi bộ

  C. Đạp xe

7. Để nạp đủ can-xi trong một ngày, bạn cần:

  A. Uống 2 ly sữa

  B. Ăn một hộp sữa chua và một bát cải xoăn

  C. Cả A và B

8. Nếu mẹ của bạn bị loãng xương, bạn cũng có thể bị?

  A. Đúng

  B. Sai

chung benh loang xuong hinh anh 1

ĐÁP ÁN

1B. Ở giai đoạn đầu của loãng xương, không có triệu chứng nào báo hiệu cho bạn biết xương đang yếu cho đến khi có những sự cố xảy ra như đau lưng do gãy xương cột sống, thấp hơn so với trước, có dấu hiệu khòm lưng…

2A. Cơ thể cần can-xi để thực hiện các chức năng. Khi không có đủ can-xi, cơ thể sẽ rút can-xi từ xương, dẫn đến loãng xương hoặc xương dễ gãy.

3A. Đến độ tuổi 30, cơ thể xây dựng mô xương nhanh hơn việc mất xương. Sau tuổi 35, quá trình này bắt đầu đảo ngược, dẫn đến loãng xương.

4B. Tập thể dục không giúp xây dựng xương mới nhưng có thể giúp làm chậm sự mất xương và có thể xây dựng hoặc duy trì cơ. Nếu bị loãng xương, hãy cố gắng tập thể dục 30 phút/ngày.

5B. Khoảng 80% người mắc chứng bệnh loãng xương là phụ nữ. Xương của phụ nữ nhỏ hơn và mỏng hơn nam giới. Hơn nữa, hormone estrogen giúp bảo vệ xương sẽ giảm đi khi phụ nữ đến thời kỳ mãn kinh.

6B. Bất kỳ môn thể thao nào có chân chạm đất, buộc xương phải hỗ trợ cơ thể đều giúp ích cho xương. Đi bộ, chạy bộ, đi bộ đường dài, leo núi, thể dục nhịp điệu, quần vợt, nâng tạ… đều là môn thể thao tốt cho xương, nhưng bạn hãy nhờ bác sỹ tư vấn trước khi tập.

7C. Người lớn cần ít nhất 1.000mg can-xi mỗi ngày. Trẻ từ 10 – 20 tuổi cần ít nhất 1.300mg can-xi/ngày. Sữa và rau xanh như cải xoăn, cải thìa… là nguồn thực phẩm giàu can-xi.

8A. Tiền sử gia đình, tuổi tác và giới tính là những nguy cơ cao gây loãng xương. Tuy nhiên, có nhiều cách để bảo vệ xương và giữ xương khỏe mạnh như uống sữa, ăn thực phẩm giàu can-xi và vitamin D, trái cây, rau củ, tập thể dục…

Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua