Người mẹ dắt cậu con trai 14 tuổi vào cổng trường. Giọng chị run run: “Cô ơi, con tôi ở trường cháu khá ngoan, nhưng…”. Hai tay người mẹ xoắn vào nhau, lúng túng. Tôi mỉm cười: “Không sao đâu, em nhận cháu”. Chỉ nghe đến đó, người mẹ khóc òa lên, rồi chị kể về quãng thời gian tìm trường trị liệu, chữa bệnh tự kỷ cho con.
Tôi lặng im lắng nghe và nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của chị. Con trai tôi bằng tuổi cậu bé kia. Hơn mười năm trước, tôi cũng giống chị, chạy đôn đáo khắp nơi. Hễ nghe chỗ nào có cách trị liệu cho trẻ tự kỷ là tôi tìm đến. Tôi hiểu, chị đã chẳng còn chốn nào để đi nữa rồi.
KHOẢNH KHẮC MẸ HIỂU CON
Tôi nhớ như in ngày cả hội đồng bác sỹ tại Hà Lan kết luận con bị tự kỷ. Đó là năm con lên bốn. Một thời gian dài tôi chìm trong bế tắc. Niềm tin chỉ lóe lên khi tôi bắt gặp khoảnh khắc con hứng từng giọt nắng bên cửa sổ. Con nở nụ cười mãn nguyện, đưa bàn tay đầy nắng lên mũi ngửi, như thể đang ngửi một đóa hoa. Tôi giật mình: “Biết đâu nắng có mùi mà mình không biết? Lẽ nào chỉ có tâm hồn của trẻ tự kỷ mới nhận ra điều đó?”.
Hóa ra trong khi tôi tìm mọi cách thay đổi con thì con hạnh phúc với những điều bình dị con cảm nhận được. Vì không hiểu con nên tôi cứ ra sức gò ép con theo ý mình. Tôi nghiệm ra, mình không thể chữa bệnh tự kỷ cho con nếu chính mình đang mang “tâm bệnh”. Trong thời gian chăm sóc con, tôi tình cờ gặp Gonçalo Cabrito, một người Bồ Đào Nha. Anh có một người em họ bị bệnh Down và thấu hiểu những khó khăn mà mẹ con tôi phải đối mặt. Anh chủ động cùng tôi chăm sóc con.
Trong quá trình trị liệu cho con, tôi nhận ra con khó biểu đạt cảm xúc, nhưng có thể nghe những giai điệu nhẹ nhàng, du dương. Nghe đúng loại âm nhạc thì tâm trạng con bình yên hơn và đó là liều thuốc tốt giúp con hồi phục. Tôi dùng âm nhạc để chữa bệnh tự kỷ cho con. Phép màu đã xuất hiện, con đã có thể tự phục vụ bản thân và tới trường.
Cha tôi đã 86 tuổi, cha cần tôi ở bên ông nhiều hơn. Vì thế, tôi cùng Gonçalo Cabrito trở về Việt Nam. Tôi và những người bạn lập nhóm tứ tấu Apaixonado biểu diễn nhạc cổ điển. Tuy nhiên, chương trình dành cho trẻ tự kỷ “Bình minh cho em” đã đưa tôi sang lối khác.
Tôi tự hỏi sao mình không mở lớp dạy nhạc cho trẻ tự kỷ, giúp các em bằng kinh nghiệm bản thân? Thế là, ngày 6–6–2015, SforA – trường dùng nghệ thuật và vận động để chữa bệnh tự kỷ ra đời. SforA được phụ huynh đón nhận nhưng cũng vấp phải không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là quan niệm của phụ huynh về trẻ tự kỷ. Tôi gặp nhiều đứa trẻ đến trường với ánh mắt sợ hãi, lấm lét, chỉ cần có người đến gần là giơ tay chống đỡ.
CON THÔNG MINH THEO CÁCH KHÁC
Trò chuyện với phụ huynh, tôi chỉ muốn họ thay đổi cách nhìn nhận về con của mình. Họ muốn con được giải phóng khỏi cái “án” tự kỷ thì trước tiên chính họ phải nghĩ khác về con. Trẻ tự kỷ có kết nối não bộ khác so với trẻ bình thường, một số vùng kết nối kém hoặc ngủ yên, nhưng có những vùng kết nối mạnh hơn. Nếu kiên nhẫn khai phá vùng kết nối mạnh bằng phương pháp thích hợp, trẻ không những hồi phục mà còn làm được nhiều hơn thế.
Ở SforA, tôi dành 50% thời gian để trị liệu tâm hồn cho các con bằng âm nhạc và vận động. Âm nhạc sẽ kích hoạt hầu hết các vùng não bộ. Sau khi trị liệu, trẻ sẽ được học các môn văn hóa cơ bản, kỹ năng sống, tiếng Anh… Nếu trẻ chưa chịu nói, cô sẽ dạy trẻ hát. Nếu trẻ không hát, cô sẽ hát và đọc thơ cho trẻ nghe. Bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn, tôi tin chúng sẽ bộc lộ khả năng theo cách của riêng mình. Đó là phương pháp chữa bệnh tự kỷ cho trẻ của tôi.
THÔNG TIN THÊM
• Nghệ sỹ viola quốc tế Nguyễn Nguyệt Thu, sinh năm 1973 hiện là Hiệu trưởng Trung tâm Giáo dục Sunrise For Arts (SforA School), trực thuộc Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á. Chức năng chính của trung tâm là nghiên cứu, ứng dụng đào tạo và hỗ trợ chữa bệnh tự kỷ cho trẻ em ở các độ tuổi.
• Ước mơ lớn nhất của chị là mô hình SforA có thể nhân rộng nhiều nơi, để trẻ tự kỷ có cơ hội được đến trường, hồi phục và làm chủ cuộc sống.
Địa chỉ: Lô E18, khu 3ha, P. Phúc Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội, điện thoại (04) 3200 0792.
THU HÀ (ghi)
Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình