Tế bào gốc đang được xem là xu hướng điều trị bệnh mới thay cho thuốc. Cùng với một vài phương pháp được chấp nhận; cũng có rất nhiều liệu pháp chưa có minh chứng khoa học vẫn được sử dụng rộng khắp trên thế giới. Thực hư hiệu quả của phương pháp chữa bệnh bằng tế bào gốc này đến đâu?
Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là những tế bào tiền thân của cơ thể. Đây là các tế bào có khả năng tự tăng sinh; biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, cơ quan khác nhau trong cơ thể. Trong điều kiện thích hợp của cơ thể hoặc phòng thí nghiệm; các tế bào gốc sẽ phân chia để tạo thành nhiều tế bào gọi là tế bào con; nhằm thay thế cho các tế bào bị mất đi do già, chết tự nhiên hoặc do bệnh lý. Người ta gọi tế bào gốc là “thuốc tái tạo” mà mỗi người đều có cơ hội sở hữu.
Nhờ khả năng hóa thân thành bất cứ tế bào nào của cơ thể; tế bào gốc đã khiến các nhà khoa học đổ xô vào nghiên cứu và khai sinh ra liệu pháp tế bào gốc (còn gọi là y học tái tạo); trong điều trị bệnh. Khi áp dụng liệu pháp này, người ta sẽ tiêm một lượng tế bào gốc vào trong cơ thể người bệnh. Tế bào gốc được tiêm vào sẽ biệt hóa thành những tế bào mới ở các cơ quan bị bệnh giúp nâng cao chức năng của các cơ quan này.
Chữa bệnh bằng tế bào gốc: Không có giới hạn điều trị?
Thời gian qua nhiều thông tin về tế bào gốc được quảng cáo sai lệch. Chẳng hạn, nhiều người vẫn tin rằng, tế bào gốc có thể tiêu diệt tế bào ung thư, trị bách bệnh. Thực tế, theo PGS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; Đại học quốc gia TP. HCM; cho rằng: tế bào gốc sẽ hỗ trợ tối đa trong điều trị bệnh hiểm nghèo. Nhưng chúng không có khả năng diệt tế bào ung thư. Trong ung thư, tế bào gốc chỉ có thể giúp tái tạo tế bào, mô bị tiêu diệt trong quá trình hóa, xạ trị.
Về lý thuyết, phạm vi điều trị của liệu pháp chữa bệnh bằng tế bào gốc vô cùng rộng rãi. Tế bào gốc kỳ vọng có thể phát huy hiệu quả với các loại bệnh mà cả thế giới đang phải gồng lưng chống đỡ như thoái hóa cột sống và khớp; thoái hóa xương, viêm cột sống dính khớp; bệnh lý tim mạch, tiểu đường týp 1 và 2; đột quỵ, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, bại não và cả ung thư.
Các thử nghiệm lâm sàng cho các liệu pháp tế bào gốc phôi đã bắt đầu trong những năm gần đây. Mặc dù hiện nay có khoảng 10 liệu pháp tế bào gốc đã được phê duyệt trên toàn thế giới; kể từ tháng 1 năm 2016. Nhưng liệu pháp dựa trên tế bào gốc duy nhất được sử dụng rộng rãi là ghép tủy xương. Kỹ thuật này đã giúp hàng ngàn người trên toàn thế giới bị ung thư máu; chẳng hạn như bệnh bạch cầu.
Ngoài việc sử dụng hiện tại trong điều trị ung thư; nghiên cứu cho thấy rằng cấy ghép tủy xương sẽ hữu ích trong điều trị các bệnh tự miễn và giúp mọi người dung nạp các bộ phận cấy ghép.
Vậy khi nào các liệu pháp dựa trên tế bào gốc phôi sẽ được sử dụng phổ biến? Không có ai dự đoán trước được vì con đường từ thử nghiệm đến sử dụng rộng rãi phải trải qua ít nhất một thập kỷ.
Khung thời gian dài đó với hàng loạt bước kiểm chứng mới đủ để cho thấy tính hiệu quả và quan trọng là an toàn. Chỉ khi có đầy đủ minh chứng rõ ràng; FDA mới chấp thuận đưa liệu pháp ấy vào sử dụng rộng rãi. Tiến sĩ Orly Lacham-Kaplan, Phòng thí nghiệm tế bào gốc và miễn dịch học Monash, Australia, cũng đồng ý rằng; tối thiểu cũng cần khoảng mười năm trước khi biết được liệu tế bào gốc có thể áp dụng an toàn với con người.
Các phương pháp điều trị khác dựa trên tế bào gốc trưởng thành hiện đang được thử nghiệm lâm sàng. Phải chờ đến khi những thử nghiệm hoàn tất; chúng ta mới biết tế bào gốc hiệu quả thế nào trong việc điều trị các bệnh khác nhau.
Còn nhiều tranh cãi
Trong khi nhiều nhà khoa học coi tế bào gốc là thành tựu khoa học xuất sắc nhất của nhân loại. Nhưng cũng có không ít các nhà khoa học minh chứng rằng; kỳ vọng của chúng ta về tế bào gốc đã “lạc quan thái quá”. Một số nghiên cứu cho thấy, chính tế bào gốc là thủ phạm sinh ra đủ loại ung thư. Điển hình, các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia, Mỹ, phát hiện; tế bào tuỷ sống khuyết tật không chỉ làm phát sinh bệnh ung thư máu mà còn cả ung thư dạ dày.
Bên cạnh đó là sự xâm nhập của việc sử dụng tế bào lạ. Những bệnh nhân sử dụng tế bào lạ của người khác cũng nhận phần hệ miễn dịch. Đây là nhân tố thay vì góp phần điều trị người nhận lại có thể tấn công tế bào thân chủ. Người ta cũng thấy, người được cấy ghép tế bào máu gốc thường hay bị các biến chứng như rối loạn tính dục và cứng cơ sườn. Các nhà khoa học chưa giải thích được và cũng chưa ai dám tiên đoán hậu quả của việc sử dụng tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Tóm lại, nhiều liệu pháp tế bào gốc chưa được chứng minh là một xu hướng chăm sóc sức khỏe mới. Sự phát triển của cơ thể con người chịu tác động của nhiều yếu tố mà khoa học vẫn chưa hề biết đến. Nhân loại cần môt hành trình dài để khám phá. Chưa biết rõ hiệu quả và an toàn, bạn có nên bỏ ra thật nhiều tiền để biến mình thành chuột bạch không?
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình