Chống nóng cho ngôi nhà khi hè sang có khó không?

Hè sang, nhiều người ví nhà mình như... cái lò vì quá nóng. Giải pháp chống nóng không thiếu và cũng không khó để áp dụng. Hãy thực hành ngay các hướng dẫn trong bài viết này!

chống nóng cho ngôi nhà

Mùa hè là mùa cao điểm nắng nóng và nó luôn tạo cảm giác oi bức khiến mọi người khó tập trung làm việc (Ảnh: Shutterstock)

Dịch Covid-19 bùng phát buộc nhiều công ty phải cho nhân viên làm việc tại nhà từ cuối tháng 3. Tuy nhiên, đây là thời điểm bước vào mùa hè. Mùa cao điểm nắng nóng. Cảm giác oi bức khiến mọi người khó tập trung làm việc. Sao bạn không thử áp dụng các cách sau đây để chống nóng cho ngôi nhà và không gian làm việc của mình hạ nhiệt khi hè đến?

Chống nóng cho ngôi nhà

Nguyên nhân chính khiến ngôi nhà trở nên nóng bức là nhiệt độ nắng nóng từ bên ngoài; sự ngột ngạt của bên trong và sự tỏa nhiệt của các thiết bị điện. Vì thế, trước hết bạn phải che rèm kín các cửa có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Sau đó, mở toang tất cả cửa không có nắng rọi vào để giúp lưu thông không khí bên trong, giảm ngột ngạt.

Sử dụng điện hợp lý vừa là cách giảm nhiệt hiệu quả. Vừa tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường. Vậy nên, bạn hãy tắt điện ở những khu vực không có người. Khi làm việc tại nhà, bạn chỉ cần một cây đèn bàn led là đủ. Sẽ lý tưởng hơn nếu bàn làm việc của bạn nhận đủ ánh sáng tự nhiên. Dĩ nhiên là không bị ánh nắng trực tiếp rọi vào. Bạn không nên mở máy lạnh 24/24.

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo nên hạn chế sử dụng máy lạnh để phòng dịch. Vì vậy, hãy thay thế bằng quạt. Khi dùng quạt, bạn nên tránh để quạt dừng một chỗ. Bởi điều này sẽ khiến không khí không được lưu thông tốt, vô tình làm bạn thêm bức bối.

Sử dụng máy làm mát không khí (quạt điều hòa) cũng là một giải pháp chống nóng cho ngôi nhà. Chúng sẽ làm mát nhà hiệu quả, tiết kiệm điện và đặc biệt thích hợp ở không gian mở. Trong khu vực bếp, bạn hãy cân nhắc chuyển sang bếp từ. Loại bếp này vừa tiết kiệm điện vừa không sinh nhiệt ra môi trường.

Mở toang tất cả cửa không có nắng rọi vào để giúp lưu thông không khí bên trong, giảm ngột ngạt. (Ảnh: Shutterstock)

Tạo mảng xanh ngăn nắng

Những chậu cây cảnh, bụi cây hay các loại cây dây leo đều có tác dụng giảm nhiệt và làm mát cho không gian sống. Không chỉ làm giảm các tia nắng trực tiếp, chúng còn cung cấp nhiều oxy. Đặc biệt, màu xanh tươi mát của hàng cây trước nhà sẽ mang lại cảm giác thư thái. Bạn hãy ưu tiên trồng cây ở hướng Đông và hướng Tây để giảm thiểu nắng nóng chiếu vào nhà. Ngoài ra, bạn có thể trồng thêm dây leo phủ kín tường. Mảng tường xanh này sẽ làm giảm sức nóng hiệu quả và khiến ngôi nhà thêm xinh.

Ở khu vực phòng khách và bàn làm việc, bạn hãy đặt các loại cây ưa bóng râm như lưỡi hổ, trầu bà, lan ý,… Những chậu cây xanh trong nhà dù nhỏ bé nhưng cũng có tác dụng tựa như một chiếc máy thanh lọc không khí. Giúp bạn chống nóng cho ngôi nhà. Và khiến nhà dễ thở hơn nhiều trong những ngày hè nóng bức. Một giải pháp khác cũng thường được các gia chủ áp dụng chính là lắp máy phun sương ở trước sân. Bằng cách phóng các tia nước nhỏ, mịn qua đầu phun, hơi nước sẽ giảm nhiệt độ xuống 5-10°C. Đồng thời, chúng cũng tạo độ ẩm và gia tăng cảm giác mát mẻ.

Chưng cây trong nhà cũng là một cách giúp bạn dễ thở hơn trong những ngày hè nóng bức (Ảnh: Shutterstock)

Thay áo mới khi hè sang

Bạn cũng có thể xua tan cơn nóng thông qua cách thay màu áo mới cho đồ nội thất. Những gam màu mát mẻ, gần gũi với thiên nhiên như xanh da trời hoặc xanh rêu. Các màu sắc khác như xanh ngọc, cốm, trắng xanh cũng nhẹ nhàng và tăng tính thư giãn. Bên cạnh màu sắc, bạn nên ưu tiên chọn các loại vải nhẹ, mát và mịn. Như satin, viscose thay vì gấm, nhung hay vải bông. Những loại vải này sẽ tránh bám bụi và tạo sự bí bách cho ngôi nhà.

Chất liệu rèm cửa phù hợp không chỉ chống nắng mà còn chống nóng cho ngôi nhà. Hãy ưu tiên chọn rèm chất liệu cotton dày có tông màu tối. Chúng sẽ ngăn triệt để ánh sáng trực tiếp từ bên ngoài. Một giải pháp thú vị khác là dùng những chiếc rèm cửa bằng nứa, tre, trúc. Theo các kiến trúc sư, chất liệu tự nhiên này có thể giảm được khoảng 60% nhiệt lượng từ ánh nắng. Vào những ngày nắng nóng cực độ, bạn có thể xịt nước cho rèm để nhà được mát hơn. Tuy nhiên, phải đảm bảo rèm được hút bụi thường xuyên. Ẩm và bụi là môi trường dễ khiến vi khuẩn sinh sôi.

Rèm cửa bằng nứa, tre, trúc có thể giảm được khoảng 60% nhiệt lượng từ ánh nắng mặt trời (Ảnh: Shutterstock)

Tục ngữ có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Vì thế, sắp xếp đồ nội thất thật gọn gàng. Lau dọn sạch sẽ thường xuyên cũng khiến phòng ốc được thông thoáng. Những vật dụng không cần thiết nên được loại bỏ. Khi bài trí, hãy tránh dùng những đồ vật có thiết kế rườm rà và thô kệch. Chúng vừa tốn diện tích, vừa gây ra sự bức bí, khó chịu mà ít đem lại giá trị thẩm mỹ.

Thông tin thêm:

Khi có kế hoạch xây hoặc sửa nhà vào thời điểm này. Bạn có thể áp dụng các giải pháp lâu dài như sau để chống nóng cho ngôi nhà:

  • Xây nhà bằng các vật liệu cách nhiệt.
  • Sử dụng tấm phim cách nhiệt cho các khu vực cửa kính để chống nóng và chống tia cực tím.
  • Bố trí các cửa ra vào hợp lý để tạo ra luồng khí đối lưu giúp không gian sống luôn thông thoáng. Khi đó, các căn phòng có thể tự điều hòa không khí dễ dàng.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua