Hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển toàn diện nên khi cho trẻ uống nước ép trái cây, bạn cần lưu ý một số điều sau để trẻ uống nước ép trái cây đúng cách nhé.
Các bác sỹ nhi khoa khuyến khích cho trẻ em dùng nước ép trái cây vì cung cấp vitamin, khoáng chất và bổ sung nước. Song, bên cạnh việc đem lại nhiều lợi ích cho trẻ, nước ép trái cây cũng tiềm ẩn những nguy cơ.
THÀNH PHẦN CỦA NƯỚC ÉP
Nước là thành phần chủ yếu của nước ép trái cây. Bên cạnh đó, nước ép còn có sucrose, fructose, glucose, một ít đường đa phân tử, một lượng nhỏ chất xơ, sorbitol, một ít protein, khoáng chất, ka-li, vitamin C, A.
Đặc biệt, vitamin C và flavonoid trong nước ép giúp giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch cho trẻ khi trưởng thành. Nước ép trái cây không chứa chất béo và cholesterol.
NHỮNG TÁC HẠI CỦA NƯỚC ÉP TRÁI CÂY
Thức uống này có chứa nhiều đường. Nước ép trái cây do bạn tự chế biến sẽ ít lượng đường hơn so với nước ép đóng hộp. Tuy nhiên, bạn cũng cần hạn chế cho trẻ dùng nước ép trái cây có vị quá ngọt vì có thể làm trẻ nhỏ lười ăn. Điều này là do khi uống nước ép, dạ dày bé căng đầy và sự ngọt lịm làm thay đổi vị giác của trẻ với món ăn. Các thức ăn sau đó đều kém ngọt nên bé cảm thấy chán và không muốn ăn.
Ngoài ra, khi trẻ dưới 1 tuổi, nhất là dưới 6 tháng tuổi, uống nhiều nước ép trái cây trong ngày có thể dẫn đến đầy hơi, tiêu chảy mãn tính và đau dạ dày. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, carbohydrate trong nước ép không được hấp thu tại ruột non sẽ lên men ở ruột già, sinh ra một số chất khí và a-xít béo không tốt cho tiêu hóa.
UỐNG NƯỚC ÉP TRÁI CÂY SAO CHO ĐÚNG?
Bạn cần cho trẻ uống nước ép trái cây đúng cách, phù hợp với lứa tuổi để cung cấp đủ dưỡng chất.
♣ Sơ sinh đến 6 tháng tuổi: Lúc này, thức ăn quan trọng nhất với trẻ vẫn là sữa. Nếu cho trẻ uống nước ép trái cây có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dẫn đến kém hấp thu chất béo, protein, vitamin và khoáng chất (sắt, can-xi), tác động đến sự phát triển thể chất của trẻ.
♣ 7 tháng – 6 tuổi: Bạn có thể cho trẻ uống 120–180ml nước ép mỗi ngày, sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn nhẹ.
♣ 7 tuổi trở lên: Trẻ nên ăn trái cây và uống nước ép để cung cấp đầy đủ vitamin lẫn chất xơ. Trẻ có thể uống 240–350ml mỗi ngày.
Bạn nên pha loãng nước trái cây với nước lọc theo tỷ lệ 1:1. Các loại quả chín thường chứa nhiều đường nên trẻ uống nước trái cây nguyên chất đồng nghĩa với việc nạp vào cơ thể một lượng đường cao. Trẻ cũng không nên uống nước ép trước khi ngủ, vì các a-xít trong trái cây sẽ làm dạ dày bé cồn cào gây khó ngủ.
CHỌN NƯỚC ÉP CHO CON
♦ Nho chứa rất ít calorie (trong 100g nho chỉ cung cấp 69 calorie). Nho còn là nguồn giàu khoáng chất và dinh dưỡng như sắt, đồng và man gan. Người ta cũng tìm thấy trong quả nho chất chống viêm và kháng khuẩn.
♦ Dưa hấu là loại quả chứa nhiều vitamin C, lycopene, chất giúp cơ thể chống lại một số độc tố gây hại. Nếu uống nước ép dưa hấu, hệ thống tiêu hóa của trẻ có thể cải thiện. Loại quả này còn giúp làm sạch hệ tiêu hóa và các độc tố tích lũy trong đó.
♦ Táo: Nghiên cứu cho thấy trẻ em được cho uống nước ép táo thường xuyên sẽ ngăn ngừa được bệnh hen suyễn, tăng chức năng phổi và hệ thống miễn dịch. Chất boron trong táo giúp ích cho việc củng cố xương của trẻ chắc khỏe.
♦ Nước ép nguyên chất đóng hộp: Bạn nên đọc kỹ nhãn với những nội dung như hạn sử dụng, thành phần chính của sản phẩm, mức năng lượng cung cấp và tỷ lệ các chất dinh dưỡng.
Hãy cho trẻ uống nước ép trái cây đúng cách để bảo đảm sức khỏe cho con, các bạn nhé!
Tiếp Thị Gia Đình