Cho trẻ học bơi theo từng độ tuổi

Nhiều trường hợp đuối nước thương tâm ở trẻ em trên khắp Việt Nam là lời cảnh báo cho quý phụ huynh: hãy cho trẻ học bơi, vì an toàn tính mạng của con

Bơi lội không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất, tinh thần, trí tuệ của trẻ mà còn là kỹ năng sinh tồn đặc biệt cần thiết; giúp ích cho con trong suốt cuộc đời. Bởi vậy, bạn nên cho trẻ học bơi càng sớm càng tốt.

Sự cần thiết của việc cho trẻ học bơi

Học bơi trước hết là để ngăn ngừa đuối nước, bảo vệ an toàn cho con. Đuối nước là nguyên nguyên nhân số một gây tử vong cho trẻ dưới 14 tuổi. Cứ mùa hè đến, thời tiết nắng nóng, thông tin những vụ đuối nước thương tâm xuất hiện dồn dập trên các mặt báo.

Để bảo vệ con bạn an toàn dưới nước, bơi là kỹ năng sinh tồn nhất định trẻ phải biết và biết thành thạo. Bơi lội nên là môn thể thao đầu tiên và suốt đời trong cuộc sống của mỗi đứa trẻ.

Học bơi, tiếp xúc với nước trước hết là một hoạt động vui chơi mà mọi trẻ em đều yêu thích. Biết bơi, không chỉ giúp các bé được an toàn mà còn giúp thân thể phát triển toàn diện, cân đối, khỏe mạnh; ngăn ngừa một số bệnh tật như vẹo cột sống, kém ăn; mất ngủ, một số bệnh về tim mạch, bệnh do thiếu vận động.

Điều bạn không ngờ tới nhưng đã được kiểm chứng là bơi giúp tăng cường khả năng nhận thức. Một nghiên cứu kéo dài bốn năm với hơn 7.000 trẻ em của Đại học Griffith ở Úc cho thấy; những đứa trẻ biết bơi có sự phát triển thể chất và tinh thần vượt trội so với các bạn cùng lứa không biết bơi.

Cụ thể, những đứa trẻ 3 đến 5 tuổi biết bơi phát triển vượt 11 tháng so với trẻ không biết bơi về kỹ năng ngôn từ; dẫn trước 6 tháng về kỹ năng toán học và 2 tháng về kỹ năng đọc viết. Trẻ biết bơi cũng đi trước 17 tháng trong việc ghi nhớ và 20 tháng để hiểu các hướng dẫn người lớn đưa ra.

Bơi cũng giúp cải thiện sự tự tin cho con bạn. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ 4 tuổi học bơi vào thời điểm từ 2 tháng đến 4 tuổi thích nghi tốt hơn với những tình huống mới; tự tin và độc lập hơn những trẻ không biết bơi.

Khi nào trẻ nên học bơi?

Ở Úc, trung bình mỗi tuần có một trẻ mất vì đuối nước. Tình trạng này cũng phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Trước vấn nạn này, Liên hiệp Huấn luyện viên và Giáo viên Dạy bơi Úc khuyến khích các bậc cha mẹ có thể cho con bắt đầu học bơi từ khoảng 4 tháng tuổi.

Dưới góc nhìn của các bác sĩ, do hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu; các bác sĩ thường khuyên cha mẹ không nên cho trẻ bơi trong các hồ nước được khử trùng bằng clo cho đến khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi.

– Trẻ sơ sinh: 4–18 tháng tuổi

Cha mẹ Việt Nam thường hiếm người nghĩ đến chuyện cho con học bơi từ độ tuổi sơ sinh. Tuy nhiên, cha mẹ Tây chẳng sợ con cảm lạnh, sợ con viêm hô hấp; viêm tai hay sợ mất an toàn khi thả con vào nước như cha mẹ Việt. Trẻ Tây được cho đi học bơi từ rất, rất sớm.

Thực tế, sau 9 tháng 10 ngày bơi lội trong bụng mẹ; trẻ sơ sinh đã quen với môi trường nước. Trẻ khi sinh ra cũng được thừa hưởng hai phản xạ di truyền từ tổ tiên là khả năng khua tay; đạp chân và lặn (ngưng thở khi đầu chìm vào nước). Tính ưa nước và phản xạ bơi lội tồn tại và tiềm ẩn tới 18 tháng tuổi.

Nếu được kích hoạt sớm, trẻ không sợ nước và sẽ học bơi cực nhanh. Nếu không được kích hoạt trong khoảng thời gian này, bản năng sẽ mất đi; việc học bơi có thể sẽ khó khăn hơn. Quá trình học bơi vì vậy nên bắt đầu từ khi trẻ sinh ra. Bản năng bơi lội sẵn có cùng khả năng tiếp thu thông tin mới cực nhanh sẽ giúp trẻ bơi lội thật dễ dàng.

Nếu bạn bắt đầu từ lúc này, bạn không cần đưa con đến các hồ bơi. Trẻ chỉ cần học bơi trong… phòng tắm ở nhà. Bạn nên chuẩn bị một chậu lớn nước ấm; để bé nằm ngửa thoải mái trong chậu nước ấm, rồi từ từ dội nước ấm từ trên đầu xuống để trẻ dần quen với việc đầu, mặt, mắt, mũi tiếp xúc với nước. Những buổi tắm hàng ngày chính là những buổi học bơi không chính thức đầu tiên của bé.

Nếu bạn cho con tâp quen với nước từ sơ sinh; đến khi trẻ được khoảng 5 tháng, trẻ sẽ có phản xạ đạp nước và lặn rất tốt. Khi bạn nhấn đầu bé xuống nước, bé sẽ biết nín thở và chỉ thở lại khi nhô đầu khỏi mặt nước. Đây là hai phản xạ vàng giúp việc bơi lội thành công.

Trẻ phải đứng nước tối thiểu 1 phút, bơi liên tục tối thiểu 25m thì mới được xem là biết bơi.

– Trẻ mới biết đi: 18 tháng – 3 tuổi

Trong độ tuổi này, nhiều bé đã biết bơi độc lập ở khoảng cách ngắn. Tuy nhiên, bạn đừng ỷ y con biết bơi mà lơ là cảnh giác. Sức khỏe và sự linh hoạt của bé chưa đủ để tự bảo vệ mình. Bé cũng không biết được những nguy hiểm đang chờ mình trong làn nước.

Bởi vậy, nếu đến hồ bơi hay bơi ở nhà; trẻ phải có sự giám sát của cha và mẹ trong từng giây, từng phút. Đừng bao giờ cho bé bơi cách xa bạn quá 2 sải tay. Thời gian cho bé bơi cũng không nên quá lâu. 30-35 phút là thời gian đủ để bé học, vui mà không quá mệt hay dẫn đến cảm lạnh.

– Trẻ mẫu giáo: Từ 3–5 tuổi

Tương tự như nhóm trẻ mới biết đi, trẻ trong độ tuổi mẫu giáo luôn phải được bảo vệ từng giây; từng phút khi ra hồ bơi. Bạn có thể gửi con cho huấn luyện viên nhưng phải chắc chắn rằng; mỗi buổi học bơi luôn có sự giám sát chặt chẽ của chính bạn. 3 tuổi thường là độ tuổi phổ biến nhất mà các trung tâm dạy bơi “chiêu mộ” học trò. Từ 4 tuổi, kỹ năng vận động tinh của trẻ phát triển hơn, khả năng kiểm soát chuyển động cơ thể tốt hơn nên trẻ có thể thực hiện chính xác các kỹ năng bơi lội.

– Trẻ từ 6 tuổi trở lên

6 tuổi là độ tuổi phổ biến nhất mà các cha mẹ lấy làm cột mốc đưa trẻ đến hồ bơi. Điều này rất hợp lý vì lúc này sức đề kháng của trẻ tốt hơn, cơ bắp khỏe mạnh thêm; khả năng lắng nghe, làm theo hướng dẫn tốt hơn nên việc học bơi đảm bảo đem lại hiệu quả.

Theo nhiều huấn luyện viên, độ tuổi học bơi thích hợp nhất là từ 6 tuổi trở lên. Lúc này, trẻ đã có sự nghiêm túc trong việc tiếp thu bài học; không xem bơi là chuyện vui chơi. Để khuyến khích trẻ đến lớp học bơi, bạn hãy giải thích với con về sự cần thiết của bơi lội; cho con xem những hiểm họa khôn lường có thể xảy ra nếu con không có kỹ năng bơi.

Cuối cùng, dù ở độ tuổi nào, bí quyết học bơi thành công là học như chơi: Để bé vui vẻ học bơi, bạn nên trang bị cho bé những đồ chơi bé thích. Đừng quên chọn giáo viên có khả năng thân thiện với trẻ!

Bài: XOA NGUYỄN

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua