Thông thường, hàm lượng đường trong máu thai phụ sẽ tăng trong thời gian thai nghén, thường là bắt đầu từ tuần thứ 24. Triệu chứng này được gọi là tiểu đường thai kỳ, hay tiểu đường tuýp 3.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Đại học Oakland, Canada tiến hành nghiên cứu hàm lượng đường trong máu ở các bà mẹ cho con bú. Kết quả cho thấy nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 của họ giảm đáng kể so với các bà mẹ nuôi con bằng sữa công thức.
Kết luận trên dựa vào kết quả khảo sát tiến hành trong giai đoạn 2008−2011, theo dõi sức khỏe trên 1.035 phụ nữ có triệu chứng tiểu đường thai kỳ, và nuôi con bằng sữa mẹ sau sinh.
Kết quả, trong vòng hai năm sau khi sinh con, chỉ có 12% các bà mẹ có triệu chứng tiểu đường tuýp 2. Đối với các bà mẹ cho con bú trong ít nhất hai tháng sau sinh, nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 giảm đến 35−37%.
Theo các nhà khoa học, nguy cơ này sẽ giảm dần theo cường độ và thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Điều đó có nghĩa, các bà mẹ cho con bú càng nhiều, nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 càng giảm.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ đối với cả bà mẹ và trẻ em. Việc cho con bú không chỉ giúp bé có sức khỏe tốt và phát triển tốt hơn, mà còn có tác dụng tích cực đối với sức khỏe của bà mẹ.
Hơn nữa, nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp các bà mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh và tạo sự gắn kết giữa mẹ và bé. Vì vậy, nếu có điều kiện, bạn nên cho bé bú sữa mẹ trong vòng ít nhất hai tháng sau sinh.
Tiếp Thị Gia Đình