Chim khướu ở Úc biết giao tiếp như con người

Không chỉ con người mới biết tạo ngôn ngữ để giao tiếp. Loài chim khướu có mào màu nâu hạt dẻ ở Úc cũng biết thành lập những tổ hợp âm thanh riêng biệt để truyền đạt thông tin cho nhau

Loài chim khướu có màu màu nâu hạt dẻ ở Úc

Một nghiên cứu của tiến sỹ Sabrina Engesser đến từ Đại học Zurich, Thụy Sỹ và tiến sỹ Andy Russell đến từ Đại học Exeter ở Anh tiết lộ rằng loài chim khướu có mào màu nâu hạt dẻ ở Úc có khả năng tạo ra từ mới bằng cách kết hợp những hợp âm vô nghĩa trong tiếng kêu của mình để giao tiếp với nhau. Cách thức thành lập từ này cũng giống như cách thức mà con người tạo nên những từ ngữ đầy ý nghĩa.

Tiến sỹ Andy Russell cho biết: Đây là bằng chứng đầu tiên bên ngoài con người cho thấy rằng loài vật có thể sắp xếp những âm thanh vô nghĩa lại theo các trật tự khác nhau để tạo ra nghĩa mới.

Theo nghiên cứu của hai tiến sỹ trên, loài chim khướu có mào màu nâu hạt dẻ này tạo nên những nhóm hai âm thanh riêng biệt, tạm gọi là A và B. Dường như những kết hợp của A và B theo các trật tự khác nhau sẽ thể hiện những khái niệm mà các thành viên khác trong loài có thể hiểu được.

Ví dụ, khi đang bay, chúng sử dụng kết cấu “A-B” này để tạo nên những địa danh được xác định. Khi cảnh báo cho chim con về thức ăn, chúng kết hợp những âm thanh khác để tạo nên kết hợp “B-A-B”.

Dường như những con chim hiểu được ý nghĩa của những tiếng gọi này. Cụ thể, khi tiếng gọi cho ăn được phát ra, chúng sẽ nhìn vào tổ. Trong khi đó, khi nghe âm thanh gọi bay, chúng sẽ nhìn lên bầu trời.

Chim khướu có mào màu nâu hạt dẻ (danh pháp khoa học là Pomatostomus ruficeps) là một loài chim nhỏ sống tập trung ở Úc. Theo các nhà nghiên cứu, tiếng kêu và tiếng gọi của chúng về cơ bản khác với các loài chim khác.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua