Bệnh nhân số 17 nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam
Tối ngày 6/3, UBND thành phố Hà Nội thông báo một trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Nữ bệnh nhân 26 tuổi là quản lý khách sạn ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Cô phát hiện bị nhiễm SARS-CoV-2 sau chuyến du lịch châu Âu từ ngày 15/2 – 2/3.
Lịch sử di chuyển của bệnh nhân khá phức tạp. Ngày 15/2, cô xuất cảnh ở sân bay Nội Bài đi thăm người nhà ở Luân Đôn, Anh. Đến ngày 18/2, cô cùng chị gái bay sang thành phố Milan, vùng Lombardy, Ý để du lịch. Thời điểm này tỉnh Lombardy chưa ghi nhận dịch bùng phát.
Đến chiều ngày 2/3, cô có biểu hiện sốt nhẹ. Ngày 5/3 cô xuất hiện sốt liên tục (38 độ C), kèm ho nhiều, có đờm, mệt mỏi. Cô đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc được chẩn đoán viêm phổi. Do có tiền sử đi từ nước ngoài về nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. 21h30 ngày 6/3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Gây nhiều tranh cãi
Sau khi thông tin về bệnh nhân số 17 được đưa ra, danh tính và hình ảnh của cô đã tràn ngập trên các trang mạng xã hội. Ngay cả hình ảnh đời sống cá nhân, danh tính người thân của bệnh nhân cũng bị cộng đồng mạng “truy cùng đuổi tận”. Ngọn lửa giận dữ bùng lên khi bệnh nhân này đã không khai báo y tế trung thực. Hành động của cô đã làm xáo trộn cuộc sống của hàng chục, hàng trăm hộ gia đình. Ảnh hưởng đến quyết định kinh tế ở nhiều nơi, khiến đội ngũ y tế và các cơ quan chức năng phải cật lực truy tìm những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân này để kịp thời cách ly.
Muốn chiến thắng dịch Covid-19, cần vượt qua được cơn giận và nỗi sợ
Việc cộng đồng thể hiện sự phẫn nộ đối với bệnh nhân số 17 là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những lời chửi rủa, chà đạp nhân phẩm, thoá mạ nữ giới, xúc phạm đến cả gia đình, dòng họ của nữ bệnh nhân này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Những hành động đáp trả có chủ đích này chẳng khác nào biến chúng ta thành một “kẻ ác” khác. Và không hề giúp ích được gì trong việc phòng chống để chiến thắng dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đổ xô ra siêu thị mua hàng hoá để tích trữ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Đồng thời còn tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan hơn. Theo các chuyên gia tâm lý học trên thế giới, chúng ta đang lo sợ nhiều hơn mức cần thiết đối với dịch Covid-19 này.
Để chiến thắng dịch Covid-19, chúng ta cần chiến thắng được cơn giận và nỗi sợ đang lan rộng. Điều chúng ta cần làm bây giờ chính là tuân thủ những hướng dẫn của Bộ Y tế và những nguồn tin chính thống. Hạn chế đến nơi đông người, giữ vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên, tăng sức đề kháng. Và quan trọng nhất là cần có ý thức tự giác, bảo vệ sức khoẻ bản thân lẫn cộng đồng. Bằng cách khai báo y tế nếu có triệu chứng bất thường liên quan đến dịch Covid-19.
Tiếp Thị Gia Đình