Tạo ra môi trường “độc quyền” cho mình chính là mục tiêu của chiến lược Đại dương xanh. Thuật ngữ chiến lược Đại dương xanh bắt nguồn từ cuốn sách Blue Ocean Strategy (Chiến dịch Đại dương xanh), một ấn phẩm do Đại học Harvard xuất bản năm 2015. Nó mô tả cách thức các công ty truyền thống làm việc ở “biển đỏ”, nơi họ phải cạnh tranh để chia phần thị trường. Thay vì chui vào biển đỏ, chiến dịch Đại dương xanh lại giúp các công ty tìm kiếm thị trường không có đối thủ cạnh tranh.
CHIẾN LƯỢC ĐẠI DƯƠNG XANH
Để giải thích thêm về lý thuyết này, tác giả, tiến sỹ Sarah Layton, kể rằng chồng cô và cô đi nghỉ ở Tahiti, xem người ta lặn xuống nước cho cá mập ăn. Thật ngạc nhiên khi nhìn thấy cá mập điên cuồng tấn công đồng loại và cắn xé nhau dữ dội vì từng miếng mồi. Cảnh tượng đó có giống với sự cạnh tranh khốc liệt ta đang chứng kiến trong nền công nghiệp của mình? Thuật ngữ “Đại dương đỏ” ra đời chính từ đây. Mặt khác, đại dương xanh lại phẳng lặng với nguồn thức ăn dồi dào và có rất ít hay không có sự cạnh tranh. Đây là nơi mà mọi người đều muốn đặt chân đến và an cư lập nghiệp. Trong kinh doanh, Đại dương xanh là những thị trường còn trống, chưa được khai phá, đầy giá trị tiềm năng, còn rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp phát triển, hứa hẹn lợi nhuận cao.
Vì thế, nếu chọn được môi trường đại dương này, sự cạnh tranh chưa xuất hiện, doanh nghiệp của bạn sẽ dễ tồn tại và phát triển hơn. Làm sao để xác định được một Đại dương xanh lý tưởng?
TÌM ĐẠI DƯƠNG XANH
Trước khi đi tìm, tạo ra một Đại dương xanh, bạn cần nhận biết môi trường này có các đặc điểm sau:
√ Không cạnh tranh trong khoảng thị trường đang tồn tại. Chiến lược xanh tạo ra một thị trường không có cạnh tranh.
√ Không đánh bại đối thủ cạnh tranh mà làm cho cạnh tranh không còn hoặc trở nên không cần thiết.
√ Không chú trọng khai thác các nhu cầu hiện có, tập trung vào việc tạo ra và giành lấy các nhu cầu mới.
√ Không cố gắng để cân bằng giá trị/chi phí mà chuyển hướng sang phá vỡ cân bằng giá trị/chi phí.
√ Không đặt toàn bộ hoạt động của công ty trong việc theo đuổi sự khác biệt hoặc theo đuổi chi phí thấp. Chiến lược xanh đặt toàn bộ hoạt động của công ty trong chiến lược: vừa theo đuổi sự khác biệt, đồng thời vừa theo đuổi chi phí thấp.
Để tạo ra môi trường như thế, bạn cần đặc biệt chú trọng các hoạt động sau đây.
1. Nâng cao: Lĩnh vực bạn có ý định đầu tư đang cung cấp những nhu cầu gì? Đâu là những yếu tố được nâng cao để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đó?
2. Loại bỏ: Đâu là những yếu tố đã được cạnh tranh rất lâu, bạn không nên tập trung đầu tư nữa?
3. Giảm: Những yếu tố nào cần được giảm xuống dưới mức tiêu chuẩn?
4. Tạo mới: Bạn sẽ cung cấp những giá trị mới mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa đáp ứng?
Chiến lược này chủ yếu giúp các doanh nghiệp xác định được lối đi tốt nhất trên thị trường hiện có. Nó khuyến khích các công ty bớt tập trung vào đối thủ cạnh tranh mà chú ý tìm các giải pháp, lựa chọn thay thế khác, đồng thời tập trung nhiều vào các khách hàng tiềm năng, bớt tập trung vào khách hàng số đông. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã làm nên tên tuổi với chiến lược Đại dương xanh này.
NHỮNG ĐẠI DIỆN ĐIỂN HÌNH CỦA CHIẾN LƯỢC ĐẠI DƯƠNG XANH
1. Nintendo Wii
Ví dụ đầu tiên của chiến lược Đại dương xanh đến từ công ty về các trò chơi khổng lồ Nintendo. Nintendo Wii ra mắt vào năm 2006 với mục tiêu là đổi mới giá trị, hạ thấp chi phí, tạo ra nhiều khác biệt. Đây là nguyên tắc quan trọng trong Chiến lược Đại dương xanh.
Để giảm chi phí, Nintendo đã “thủ tiêu” chiếc đĩa cứng và DVD, một dạng lưu trữ mà hầu hết các trò chơi game đang sử dụng nhưng làm giảm chất lượng xử lý và đồ họa. Đồng thời, Nintendo giới thiệu một điều khiển không dây từ xa, hoàn toàn mới trên thị trường. Điều này giúp công ty cung cấp một loạt các tính năng mới và có được những lợi ích chưa từng thấy trong thế giới game trước đây như khả năng sử dụng một giao diện điều khiển trò chơi hay cùng chơi trong một nhóm.
Bằng cách theo đuổi sự đổi mới, Nintendo có thể vượt qua khỏi sự cạnh tranh với những cái tên như PlayStation, X-box trong một đại dương đỏ đông đúc và cạnh tranh khốc liệt. Thay vào đó, Nintendo mở ra một thị trường hoàn toàn mới cho mình với tính năng mới, sáng tạo, giá cả phải chăng và mở rộng thị trường khi mà người già, người trẻ, cha mẹ có thể cùng chơi với con nhỏ.
2. Yellow Tail
Sự phát triển của Yellow Tail, một thương hiệu rượu từ Casella Wines là một ví dụ khác cho chiến lược Đại dương xanh. Trong vòng ba năm gia nhập thị trường, Yellow Tail trở thành một thương hiệu rượu vang phát triển nhanh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Yellow Tail nhận ra hầu hết các thương hiệu rượu vang hoạt động cạnh tranh khốc liệt trong đại dương đỏ. Doanh nghiệp này quyết định giảm và loại bỏ các yếu tố cạnh tranh đang có và tạo sự khác biệt cho chính mình để tạo ra một đại dương xanh và thu hút một lượng khách hàng mới.
Yellow Tail từ bỏ việc lấy nguyên liệu theo cách truyền thống và ở những vườn nho có tên tuổi. Doanh nghiệp này cũng bỏ bớt sự phức tạp trên nhãn chai rượu truyền thống, những chữ có thể khiến khách hàng tiềm năng cảm thấy e dè. Yellow Tail tạo ra một loại thức uống đủ ngọt để lấy lòng đa số khách hàng và cả những người chỉ thích bia hay rượu mạnh. Và họ đã khiến khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm với chỉ hai loại: Rượu đỏ và rượu trắng. Chỉ vậy thôi, họ đã tạo ra lịch sử.
Thương trường là mặt biển dậy sóng và chúng ta phải lướt đi trên những con sóng chứ đừng để nó nhận chìm. Đã biết về Đại dương xanh, bạn hãy bơi ra đó, chứ đừng chui vào biển đỏ.
BÀI: Chuyên gia kinh tế Tiếp Thị Gia Đình
Tiếp Thị Gia Đình
Form đăng ký tham gia CLB Khởi nghiệp Gia đình