Chiếm hữu khi yêu, viên đạn bọc đường

Khi quá yêu một người thì sự chiếm hữu ban đầu có thể làm cho đối phương cảm động, song về sau chiếm hữu khi yêu lại có nhiều hệ lụy

Nói đến Hương, bạn bè và người thân đều cho rằng cô là người phụ nữ hạnh phúc nhất quả đất. Cô được chồng yêu thương, nâng niu, bảo bọc như một nàng công chúa. Ngay từ khi cưới nhau, chồng cô đã yêu cầu cô cứ ở nhà, đẻ con, nuôi con, còn việc kiếm tiền để anh lo. Và quả thật là anh dù không phải đại gia nhưng anh đã chăm chỉ làm việc, kiếm tiền để có thể chu cấp cho vợ con đầy đủ suốt sáu năm đầu cuộc hôn nhân. Hơn thế nữa, anh không chơi bời, không cờ bạc hút xách. Hết giờ làm việc là anh về nhà, mang cả việc về làm thêm. Lễ Tết anh cũng chỉ quẩn quanh với vợ con. Anh tuyên bố đời anh chỉ cần vợ và con là đủ, không cần gì nữa hết.

chiem huu khi yeu hinh anh 1

Như cá chậu, chim lồng

Thế nhưng sau sáu năm chung sống, Hương khăng khăng đòi đi làm và nếu không cho cô đi làm thì cô sẽ ly hôn. Người ít hiểu chuyện thì bảo cô “Sướng quá hóa rồ”, nhưng bạn bè thân thiết và cả gia đình thì đều ủng hộ cuộc đấu tranh của Hương. Bởi sáu năm được chồng nuôi đó, Hương trở thành một kẻ hoàn toàn mất tự do. Chồng Hương không muốn cô đi ra ngoài, giao tiếp với ai, kể cả chị em gái ruột thịt của mình. Bạn bè thì càng cấm tiệt. Anh bảo phụ nữ chơi với nhau chỉ tổ nói xấu chồng và bày cho nhau cách để ngoại tình hay đua đòi, mua sắm, chơi bời.

Lần đầu tiên Hương đi ra ngoài khi chồng đi vắng, cô nhắn tin cho chồng rằng cô đi cà-phê với bạn gái, anh tức tốc tới tận nơi, vào tận bàn, tươi cười xin phép bạn rằng nhà anh có việc nên anh ghé đón vợ về. Dù không vui, ấm ức trong lòng, nhưng nghe chồng giải thích vì sao anh không thích cô gặp bạn bè, Hương chỉ bật cười. Cô cho rằng chồng bị định kiến bởi chuyện nhà người khác. Cô nghĩ từ từ anh sẽ hiểu mình và vì thế cô cố gắng nhường nhịn một chút, cho chồng thời gian và cơ hội. Song về sau này, cô mới nhận ra mình sai lầm. Những nhường nhịn của cô lót đường cho chồng hình thành những quy định nghiêm ngặt. Cuộc sống của Hương ngày càng mất tự do.

Sáu năm sau hôn nhân, Hương mới nhận ra cách anh đối xử cũng là một hình thức bạo hành tâm lý. Nhiều nghiên cứu cho thấy đây có thể là tiền thân của bạo hành thể xác. Khi một trong hai vợ chồng giành quyền lực hoặc kiểm soát dù chỉ bằng những lời nói và cử chỉ giận dữ, công kích mang tính nguy hiểm, xúc phạm cũng để lại những tổn thương tâm lý vô cùng đau đớn cho bạn đời.

Cảnh giác với kẻ thù âm thầm

Theo một nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (Mỹ), gần một nửa phụ nữ trên đất Mỹ (48,8%) đã từng bị bạn đời gây chấn thương tâm lý như thế.

Một nhà tư vấn tâm lý của Mỹ nói: “Trong hai thập kỷ giúp đỡ rất nhiều nhóm phụ nữ hồi phục sau những chấn thương tâm lý do bạn đời gây ra, tôi đã lắng nghe hàng nghìn phụ nữ bộc lộ sợ hãi đối với những chấn động tâm lý đó”.

Song bạn cũng đừng quên rằng, số lượng những nạn nhân nữ đã và đang phải trải qua vấn đề này chiếm phần lớn, song các ông chồng cũng có thể là một trong những nạn nhân kể trên. Đó là trường hợp những đấng mày râu phải chịu đựng sự kể lể, đay nghiến của những bà vợ “chẳng biết điều”.

Mặc dù mỗi phụ nữ đều trải qua những hình thức bạo hành tâm lý riêng, song đặc điểm chung của kiểu yêu tưởng chừng ngọt ngào nhưng có sức sát thương tâm lý mạnh mẽ này là diễn ra chậm rãi, âm thầm với những trạng thái cưỡng bức vô hình, trói buộc họ trong mối quan hệ này, thậm chí nạn nhân cũng không nhận ra.

Nút thắt đáng sợ nhất trong vấn đề này đó là sự quan tâm của bạn đời lại thành kềm kẹp, lấy mất tự do của người còn lại. Đó có thể là các biểu hiện: áp bức hoặc thuyết phục bạn phải đồng ý theo suy nghĩ của họ hay thường xuyên buông lời xúc phạm, mỉa mai như: “Cô thật vô dụng” hay “Cô điên rồi”. Ngoài ra, đó còn có thể là những cử chỉ dọa nạt, kiểm soát, cô lập bạn với gia đình và bạn bè. Nếu anh ấy có những đặc điểm này, bạn hãy tỉnh táo, đối thoại và tự chủ lấy cuộc đời của mình.

Nhiều nghiên cứu về bạo hành tâm lý cho thấy nạn nhân của hình thức này rất dễ bị trầm cảm, thiếu tự tin, suy nghĩ thường xuyên về việc tự sát, mù quáng trước mọi chuyện.

Một chuyên gia tâm lý đã nói rằng chị cảm thấy vô cùng kinh ngạc khi một nạn nhân nói rằng: “Giá như anh ấy (chồng) cứ đánh tôi đi, vì tôi sẽ hiểu được chuyện gì không đúng đang xảy ra và tôi có thể làm được một điều gì đó. Nhưng anh ấy luôn kềm chế, chỉ ghen tuông, thậm chí đau khổ, nài xin, cấm đoán. Và tôi thấy mình thật tồi tệ khi khiến anh ấy bị khủng hoảng như vậy”. Tình yêu của anh ấy có thể quá ngọt ngào. Và đôi khi anh ấy cho rằng sự kềm kẹp, việc giới hạn sự giao tiếp của bạn là do anh quá yêu bạn. Ngay cả chính bạn cũng cho rằng đúng như thế và tặc lưỡi cho qua. Song hãy cảnh giác, đó chính là liều thuốc độc giết chết tình yêu của bạn. Hãy để ý đến cảm xúc của bản thân cũng như ý thức những gì đang xảy ra trong chính gia đình mình.

Bài: Song Văn

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua