Chỉ số các mối quan hệ 2016 do Prudential thực hiện phản ánh mức độ các mối quan hệ cá nhân được đáp ứng như thế nào so với kỳ vọng đặt ra và đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện tình trạng hiện tại. Con số này thể hiện sự khắng khít và tính bền vững của các mối quan hệ thân thiết, bao gồm gia đình, con cái, bạn đời và bạn bè. Việt Nam xếp hạng nhất trong số 10 quốc gia châu Á với số điểm 83/100. Điều này có nghĩa trung bình các mối quan hệ thân thiết đáp ứng được 83% kỳ vọng của người Việt. Bên cạnh đó, số điểm 83/100 cũng đánh giá mức độ gắn kết thân thiết của người Việt với người bạn đời khi đáp ứng được năm kỳ vọng được xem là then chốt của mối quan hệ: sống hòa thuận (77%); tạo sự vui vẻ (71%); có cùng lối sống (65%); tôn trọng sở thích cá nhân (63%) và có tính cách phù hợp (61%).
Chỉ số các mối quan hệ 2016 chỉ ra rằng người Việt tranh cãi với bạn đời của mình ít hơn bất cứ quốc gia nào khác tại châu Á. Hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực, các cặp vợ chồng ở Việt Nam thường cùng nhau giải quyết vấn đề tài chính. Các cặp vợ chồng cũng có xu hướng mở tài khoản ngân hàng đồng sở hữu cao nhất với tỷ lệ 79%.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ ở Việt Nam, bằng chứng là các cặp đôi và cả phụ huynh thường dành thời gian cho điện thoại hơn là quan tâm lẫn nhau hay trò chuyện với các thành viên trong gia đình. 32% các cặp đôi cho biết, một trong những nguyên nhân khiến họ cãi nhau chính là vì dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại và máy tính. 16% người Việt nghiện công nghệ đến mức họ không nỡ từ bỏ chiếc điện thoại để dành nhiều thời gian hơn cho người khác, dù chỉ trong một ngày. Đây cũng chính là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến mối quan hệ gần gũi nhất của họ: 28% cho biết họ thích sử dụng điện thoại hơn là dành thời gian cho những người thân của mình.
Người Việt Nam cũng có mối quan hệ gắn bó với con cái ở mức điểm 58/100, cao thứ hai tại châu Á. 52/100 là chỉ số mối quan hệ tốt đẹp của người Việt với bố mẹ, với bạn thân là 49/100. Tuy nhiên, mối quan hệ với đồng nghiệp chỉ được 25/100 điểm, mặc dù 84% người đi làm khi được khảo sát cho biết một vài đồng nghiệp của họ cũng chính là những người bạn thân nhất. 97% bậc phụ huynh tại Việt Nam cho biết họ rất thích ở cùng với con cái và nhấn mạnh nhiều lần về tầm quan trọng của việc thường xuyên trao đổi với con. Bố mẹ quan tâm nhất đến việc con cái làm cho họ thấy vui vẻ (80%), được ở gần bên con (76%) hoặc thường xuyên tiếp xúc với con (72%).
So với các nước khác trong khu vực, các bậc phụ huynh tại Việt Nam cũng ít nóng giận nhất với con cái. Chỉ 16% thừa nhận rằng họ thường tức giận với con cái nhiều hơn một lần một tháng và chỉ có 5% chia sẻ rằng chỉ nóng giận với con ít nhất một lần mỗi tuần. Mặc dù các bậc phụ huynh nghĩ rằng hiện tại con mình rất ngoan, nhưng họ vẫn lo lắng không biết điều gì sẽ xảy đến với con cái trong tương lai. Thậm chí 73% phụ huynh cho biết họ rất lo lắng về những đối tượng mà con mình kết bạn.
Ông Phương Tiến Minh, Phó Tổng Giám đốc Marketing tại Prudential Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi thấu hiểu khách hàng sử dụng Bảo hiểm Nhân thọ như một giải pháp bảo vệ những người thân yêu. Song song đó, chúng tôi cũng hiểu rằng những mối quan hệ thân thiết và bền chặt là điều thiết yếu để tạo nên một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Thông qua chỉ số các mối quan hệ 2016, chúng tôi hy vọng người dân Việt Nam sẽ thật sự thấu hiểu các mối quan hệ cá nhân và ngày càng trân quý sự gắn kết này. Kết quả nghiên cứu cho thấy những tín hiệu tích cực lẫn những điểm đáng lưu tâm. Điều đáng mừng là người Việt rất trân trọng những mối quan hệ dựa trên tình thân, tình bạn, sự tôn trọng và tình cảm chân thành. Tuy nhiên, vẫn luôn có những khoảng trống vô hình hiện diện bên cạnh sự hài lòng trong các mối quan hệ, theo đó, những lo toan cho gia đình, tài chính bấp bênh và sự bùng nổ của thiết bị công nghệ là nguyên nhân khiến cho các mối quan hệ ngày càng căng thẳng và áp lực”.
Tiếp Thị Gia Đình