Chế độ mẫu hệ ở đảo Trobriand, nơi phụ nữ thay người yêu như chong chóng

Sở dĩ mang tên gọi Đảo Tình vì quần đảo Trobriand lạ lùng ở phía Nam Thái Bình Dương này cho phép người phụ nữ có bao nhiêu người tình cũng được và lễ cưới chỉ gói gọn trong một nồi khoai mỡ nấu chín

Cư dân đảo Trobriand sống theo chế độ mẫu hệ 

Quần đảo Trobriand xinh đẹp có diện tích 450km², nằm cách Port Moresby – thủ đô Papua New Guinea khoảng 384km đường biển. Dân số trên quần đảo này vào khoảng 12.000 người, sinh sống chủ yếu trên đảo Kiriwina và những đảo lớn khác như Kaileuna, Vakuta và Kitava. Người dân nơi đây sử dụng khoai mỡ thay cho giá trị tiền tệ và khoai mỡ là một biểu tượng của sự giàu có, thiêng liêng.

Không chút câu nệ trong chuyện yêu đương và tình dục, cư dân quần đảo Trobriand sống theo chế độ mẫu hệ, nơi mà người phụ nữ làm chủ xã hội. Theo lời kể của nhiếp ảnh gia Eric Lafforgue, người đã có dịp tiếp xúc với người phụ nữ Trobriand, những tự do trong yêu đương và tình dục cũng đem tới nhiều hệ luỵ về sức khỏe. “Sống theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ ở đây rất phóng khoáng trong chuyện tình cảm, tình dục trước hôn nhân là điều rất bình thường”, Eric giải thích: “Họ được học về các biện pháp tránh thai từ rất sớm và trinh tiết không hề có chút giá trị nào”.

Ở tuổi 12–13 tuổi, những đứa trẻ vị thành niên đã biết tìm kiếm bạn tình và còn thay đổi người yêu như chong chóng. Điều này không những bị cấm mà còn được ủng hộ, khuyến khích. Tất cả các bản làng đều có một căn lều đặc biệt có tên gọi “bukumatula”, dành riêng cho những cặp đôi còn vị thành niên, chưa cưới dùng làm chỗ “vui vẻ”.

Nếu một người phụ nữ mang thai khi chưa có chồng, gia đình cô gái sẽ nuôi giữ đứa trẻ vì theo tập tục địa phương, người đàn ông chỉ có vai trò “giúp” người phụ nữ mang thai còn người cha thật sự của bào thai là Baloma – linh hồn của những người đã khuất. Theo tập tục kì dị này, cư dân Trobriand tin rằng linh hồn người đã khuất sẽ quay về thế giới thật, đưa bào thai vào trong bụng người phụ nữ và qua đó tái sinh sang một kiếp sống mới.

Ở đây cũng không có lễ cưới, người phụ nữ Trobriand chỉ đơn giản ở lại nhà người tình thay vì về nhà mình khi mặt trời lặn. Họ ngồi cạnh nhau và đợi mẹ của cô dâu mang sang món khoai mỡ nấu chín. Khi người phụ nữ và người đàn ông ăn cùng nhau, sau đó cô gái nhận một món quà cưới từ người tình, cặp đôi ấy coi như đã thành vợ thành chồng.

Eric nói thêm: “Tuy nhiên, người phụ nữ Trobriand tuyệt đối không để mắt tới đàn ông “ngoại đạo”, họ có lòng tự hào dân tộc và huyết thống rất cao. Thêm nữa, người phụ nữ ở đây cho rằng làn da trắng nhờ nhờ và màu tóc vàng là những thứ xấu xí, thô kệch”.

Mặc dù đã được tiếp xúc với văn hóa và nền giáo dục tiên tiến từ phương Tây, quan điểm của người phụ nữ nơi đây về đời sống tình dục vẫn nguyên vẹn, khó mà thay đổi. Cách sống thoải mái này rất dễ dẫn đến sự bùng nổ của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và những bệnh lây lan qua đường tình dục khác trong cộng đồng.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua