Ăn chay kiểu nào tốt nhất?

Về bản chất, con người là loài động vật ăn thực vật. Nếu bạn không chịu nổi việc ăn chay ròng, vẫn còn nhiều chế độ ăn chay thú vị khác mà bạn dễ dàng theo đuổi

Từ thời tiền sử, khi chưa tìm ra lửa, nguồn sống của tổ tiên chúng ta chính là các loại thực vật. Có thể nói, bản chất con người chúng ta là động vật ăn thực vật. Bởi vậy, dù bạn mê ăn thịt, nếu quyết tâm; bạn vẫn có thể chuyển sang chế độ ăn chay dễ dàng. Một chế độ ăn chay phù hợp không chỉ giúp bạn bảo vệ sức khỏe; thỏa mãn nhu cầu mà còn tránh sát sinh; bảo vệ hành tinh mình đang sống.

1. Thuần chay – Vegan

Người ăn chay thuần sẽ chỉ ăn rau, trái cây, ngũ cốc; tuyệt đối không ăn thịt động vật hoặc các sản phẩm có chút “dính dáng” đến động vật. Họ kiêng ăn các sản phẩm từ động vật như sữa, phô-mai, trứng; mật ong, bột gelatin (bột gelatin thường được chiết xuất từ collagen có trong da, xương của động vật) rennet (một enzyme có trong dạ dày động vật); hoặc albumin (một protein có nhiều trong máu động vật). Có những người kỹ đến nỗi không ăn cả các sản phẩm đã được thử nghiệm trên động vật.

Ưu điểm:

“Một trong những kết quả ngay lập tức của chế độ ăn thuần chay là giảm cân”, Reed Mangels, chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên dinh dưỡng tại Đại học Massachusetts Amherst, cho biết. Nguyên nhân vì việc loại bỏ thịt, sữa có hàm lượng chất béo cao ra khỏi bữa ăn khiến năng lượng bạn nạp vào cơ thể thấp hơn. Chuyên gia dinh dưỡng Jackie Keller thì cho rằng; thuần chay chống lại tăng huyết áp, tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và có thể giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng người ăn chay thuần có thể giữ mạng cho khoảng 200 con vật mỗi năm. Ăn chay cũng có tác động tích cực đến môi trường vì nó giúp tiết kiệm nước (sản xuất 0,45kg protein động vật cần nhiều nước hơn 100 lần so với sản xuất 0,45kg protein từ hạt), giảm suy thoái đất đai, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhược điểm:

Tuy nhiên, bạn rất dễ thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng. Giáo sư dinh dưỡng Nancy Rodriguez, Đại học Connecticut cho hay; canxi, axit béo omega-3, vitamin B12 và folate – tất cả đều có trong thịt và sữa – là chất dinh dưỡng quan trọng mà chế độ ăn thuần chay có thể thiếu. Theo thời gian, việc thiếu các chất này có thể dẫn đến các vấn đề như loãng xương; mất cơ bắp. Thiếu vitamin B12 bạn có thể cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi, táo bón và chán ăn…

2. Ovo vegetarianism – Ăn chay có trứng

Bạn không ăn thịt đỏ, cá, thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa; nhưng được phép ăn trứng và các sản phẩm làm từ trứng gia cầm.

Ưu điểm:

Người ăn chay kiểu Ovo Vegetarianism có lợi thế về sức khỏe từ việc ăn một chế độ ăn không thịt; nhưng vẫn có được dinh dưỡng quan trọng từ trứng. Lượng khí thải carbon liên quan đến việc nuôi gà lấy trứng cũng ít hơn so với việc chăn nuôi gia súc nên đem lại những tác động tích cực với động vật và môi trường.

Nhược điểm:

Trứng là nguồn protein giúp bạn cảm thấy no đủ nhưng mỗi quả trứng cũng chứa 186 mg cholesterol. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị hạn chế lượng cholesterol trong khẩu phần ăn của bạn dưới 300 miligam mỗi ngày để giúp ngăn ngừa cholesterol trong máu cao và bệnh tim. Để giảm cholesterol, chỉ nên ăn lòng trắng trứng thôi bạn nhé.

3. Lacto Vegetarian – Ăn chay có sữa

Tín đồ của Lacto Vegetarian không ăn thịt đỏ, thịt trắng, cá, gia cầm, trứng, nhưng họ sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô-mai, sữa tươi, bơ, kem như bình thường.

Ưu điểm:

Một người ăn chay lacto có thể gặt hái những lợi ích sức khỏe từ chế độ ăn không thịt. Bằng cách không tiêu thụ động vật, bạn giúp giảm được số động vật bị giết mỗi năm và các tác động xấu đến môi trường, dù cống hiến của bạn ít hơn so với người ăn thuần chay.

Nhược điểm:

Vì dùng sữa và các sản phẩm từ sữa, bạn vẫn đang dung nạp cholesterol. Do đó, bạn không thể “thích uống bao nhiêu thì uống” mà cần dùng điều độ để kiểm soát tốt lượng cholesterol trong cơ thể.

4. Lacto-ovo Vegetarian – Ăn chay có trứng và sữa

Đây là chế độ ăn dễ áp dụng và được nhiều người thực hành nhất. Người ăn chay sẽ kiêng các loại thịt nhưng sẽ ăn cả trứng và sữa.

Ưu điểm:

Người ăn chay lacto-ovo nhận được nhiều lợi ích sức khỏe từ việc cắt bỏ thịt, nhờ vậy có đóng góp đáng kể cho môi trường tự nhiên.

Nhược điểm:

Bạn đang nhận cộng gộp nhược điểm của cả hai phương pháp ăn chay Lacto Vegetarian và Ovo Vegetarian. Nếu không kiểm soát tốt lượng trứng và sữa, bạn cũng đặt mình vào nguy cơ cholesterol cao.

5. Pollotarian – Ăn chay có thịt gia cầm

Người ăn chay này không ăn tất cả các loại thịt như thịt đỏ, cá, hải sản, các sản phẩm từ sữa và trứng nhưng ăn thịt gia cầm. Một số người chuyển sang chế độ ăn uống Pollotarian tạm thời trước khi trở thành người ăn chay. Những người khác chỉ muốn bỏ thịt đỏ để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và giảm cholesterol.

Ưu điểm: Cứ không ăn thịt đỏ, bạn đã đem lại lợi ích cho sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tim và cholesterol cao. Nhờ có thịt gia cầm, bạn đảm bảo đủ chất cho cơ thể, đặc biệt là protein.

Nhược điểm: Dù được phân loại vào ăn chay nhưng phong cách này đã nhận nhiều chì trích vì cho rằng, đã ăn thịt thì làm sao gọi là “chay”.

6. Pescatarian – Ăn chay có cá và hải sản

Đây là một hình thức ăn chay bán phần. Người ăn chay không ăn thịt đỏ, gia cầm và các loại thịt, chỉ ăn cá và hải sản.

Ưu điểm:

Cũng như Pollotarian, chế độ ăn không thịt đỏ rất tốt cho sức khỏe của bạn, có ít nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe mãn tính như tim mạch.

Nhược điểm:

Ăn quá nhiều cá có thể dẫn đến nhiễm các chất ô nhiễm trong cá nuôi như kháng sinh, thủy ngân, đồng thời thúc đẩy ngành đánh bắt cá gây hại cho môi trường, cân bằng sinh thái.

7. Flexitarian – Ăn chay linh hoạt

Bạn ăn chủ yếu là thực vật, nhưng thỉnh thoảng được phép ăn thịt.

Ưu điểm:

Chỉ cần giảm được thịt một bữa một tuần, bạn cũng đã có được lợi ích sức khỏe và môi trường, cũng như giảm được số động vật bị giết mổ mỗi năm.

Nhược điểm:

Flexitarian thường không được xem là ăn chay. Nhiều người thực hành Flexitarian vì bảo vệ sức khỏe. Giữa rất nhiều chế độ ăn chay, bạn chọn chế độ nào? Hãy lắng nghe cơ thể, sức khỏe và niềm tin của mình vì chỉ bạn mới đưa ra lựa chọn ăn chay tốt nhất cho mình.

Bài: XOA NGUYỄN

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua