10 thói quen cần được điều chỉnh khi sử dụng chảo không dính

Chảo không dính là vật dụng quen thuộc trong mọi gian bếp. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ cách sử dụng chúng một cách an toàn và bền lâu!

Chảo không dính

Chảo không dính và 10 thói quen sử dụng sai cách. Ảnh: Shutterstock

Chảo không dính xài được trong bao lâu?

Chảo không dính khó “trường tồn” như chảo gang, chảo thép chính bởi lớp chống dính trên bề mặt. Sau thời gian dài sử dụng, lớp chống dính không còn tốt như mới mua. Chưa kể vật liệu chống dính kém chất lượng rất dễ sinh ra độc tố trong khi sử dụng. Vì thế, bạn cần thay mới khi lòng chảo bị trầy xước. Dù có bảo quản tốt đến mấy, bạn cũng cần thay mới sau 2-3 năm.

Chảo không dính có thể nấu mọi thứ?

Chảo không dính nên được sử dụng cho các loại thực phẩm nấu chín nhanh, như trứng, rau củ và cá. Ngoài ra, nó cũng rất tốt để làm bánh crepe, pancake hoặc hâm nóng thức ăn thừa.

Làm thế nào để sử dụng chảo không dính đúng cách?

Để tận dụng tối đa khả năng chống dính của chảo, điều đầu tiên là không nấu ở nhiệt độ quá cao. Bởi khi gặp nhiệt độ cao, chất keo gắn kết lớp chống dính sẽ bắt đầu bị phân hủy và gây nguy hại cho sức khỏe. Tùy vào chất liệu và chất lượng chảo mà khi sử dụng, bạn cần lưu ý điều chỉnh mức nhiệt hợp lý. Tốt nhất chỉ để lửa cháy ở trung tâm đáy chảo, không cháy lan lên thành chảo.

Sử dụng ở mức nhiệt trung bình và thấp sẽ đảm bảo tốt nhất cho tuổi thọ của chảo không dính. Điều này có nghĩa là bạn không nên làm các món nướng, chiên hay kho.

Dụng cụ bằng kim loại dễ gây trầy xước lòng chảo hơn. Vì vậy, hãy chọn chất liệu gỗ hoặc silicone khi nấu nướng trên chảo không dính. Khi cất chảo, bạn không được xếp chảo chồng lên nhau. Nếu buộc phải làm vậy, hãy sử dụng khăn giấy hoặc thứ gì đó tương tự giữa các chảo.

Ngoài ra, không cọ rửa chảo bằng miếng cước. Bạn có thể thay bằng xơ mướp, hoặc miếng bọt biển, khăn mềm để bảo vệ lớp chống dính của chảo được bền lâu.

Có nên làm nóng chảo trước rồi cho dầu ăn vào sau như chảo thông thường?

Làm nóng chảo gang trước khi cho dầu ăn vào là việc nên làm. Tuy nhiên, không nên áp dụng cho chảo không dính. Đây là sai lầm phổ biến nhất làm giảm tuổi thọ của chảo. Bạn nên cho dầu ăn vào chảo ngay từ khi đặt chảo lên bếp. Để chảo nóng lâu mà không có nguyên liệu bên trong, chúng sẽ bắt đầu bốc khói và tỏa khí độc. Sau thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến lớp chống dính và sức khỏe của bạn.

Chất liệu Teflon có nguy hiểm không?

Teflon (còn được gọi là polytetrafluoroethylene hay PTFE) là chất liệu chống dính được ứng dụng phổ biến trên thị trường. Chất này được phát minh tình cờ vào năm 1938 nhưng ban đầu chỉ được dùng trong quân sự.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, không có nguy cơ nào được chứng minh đối với con người khi sử dụng dụng cụ nấu nướng được phủ Teflon. Ngay cả khi lớp này bị bong tróc, chúng ta ăn phải những mảnh Teflon nhỏ thì nó cũng sẽ được đào thải ra ngoài qua phân.

Vấn đề xảy ra khi chảo quá nóng. Lúc này, các phân tử Teflon bị phá vỡ và giải phóng một loạt các khí độc hại ra ngoài môi trường. Trong một số ít trường hợp, hít phải những khói này có thể gây ra “sốt khói polyme”. Lúc này cơ thể có các triệu chứng như sốt cao, khó thở, nhức mỏi cơ bắp, suy nhược và mất sức. Những loại khí độc này cũng khiến các loài động vật như gia cầm, chim chóc bị ngộ độc và chết nhanh chóng.

Có nên sử dụng thêm nước xịt chống dính?

Không nên sử dụng quá nhiều chất chống dính bổ sung trên chảo không dính. Sau một thời gian, chảo sẽ hình thành những mảng bám do bị tình trạng cô đặc không bị đốt cháy trong quá trình nấu. Điều này thường xảy ra xung quanh bề mặt chảo. Loại bỏ lớp màng này không dễ dàng và thường ảnh hưởng cấu trúc chống dính. Vì thế, nên sử dụng dầu hoặc bơ thay vì chất chống dính dạng xịt.

Có nên làm vệ sinh chảo ngay khi vừa nấu xong?

Với những chiếc chảo khác thì nên, còn riêng chảo không dính, điều này hoàn toàn không nên. Khi một chiếc chảo đang thật nóng trên bếp lửa gặp phải dòng nước lạnh, nó có thể bị biến dạng, cong vênh, từ đó dễ làm lớp chống dính bong tróc ra. Tốt nhất là bạn nên để chảo bớt nóng hoặc nguội hẳn rồi tiến hành cọ rửa. Lưu ý, bạn phải luôn nhẹ tay với chúng!

Dùng máy rửa chén cho chảo không dính có vấn đề gì không?

Sự thực là nhiều chảo không dính dán nhãn an toàn khi sử dụng với máy rửa chén. Song nước nóng và chất tẩy rửa mạnh lại cực kỳ không tốt cho lớp phủ chống dính. Qua nhiều lần tẩy rửa bằng máy rửa chén, lớp phủ chống dính sẽ bị hư hại nhanh hơn nhiều so với rửa bằng tay.

Có thể cắt thực phẩm trong chảo không dính không?

Dùng dao để cắt đồ trên chảo chống dính là một trong những thói quen nấu ăn không tốt mà bạn cần phải dừng lại ngay lập tức. Nó sẽ làm hỏng bề mặt chống dính. Bạn cần sử dụng thớt riêng cho việc cắt thực phẩm.

Loại chống dính nào tốt nhất hiện nay?

Chảo Teflon và Whitford với giá thành rẻ được ứng dụng phổ biến nhất trên thị trường. Khi có dấu hiệu trầy xước, bạn đừng tiếc mà tiếp tục sử dụng. Hãy thay mới ngay để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Chảo tráng men an toàn với sức khỏe nhưng không bền, dễ bong tróc. Đá hoa cương là chất liệu có khả năng chịu nhiệt và dẫn nhiệt tốt, khó trầy, trọng lượng nhẹ. Tuy nhiên, giá thành khá cao.

Bài: Nou
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua