Cháo canh Ba Đồn: Thức quà tuổi thơ nơi miền quê Quảng Bình

Không chỉ đơn thuần là một món ăn, cháo canh Ba Đồn còn gói ghém trong đó biết bao kỷ niệm thật đẹp về nơi “chôn nhau cắt rốn” và nuôi dưỡng tôi nên người.

Cháo canh Ba Đồn thơm ngon. Ảnh: NVCC

Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Ba Đồn (Quảng Bình) đầy nắng và gió. Tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng xanh ngát, những buổi chiều chăn trâu nắng cháy da và mùa mưa lũ nước ngập trắng xóa. Trong những mảnh ghép đơn sơ về quê hương yêu dấu, món cháo canh chính là một phần ký ức mà tôi vẫn luôn hoài niệm dù đã xa quê hơn chục năm rồi.

Cháo canh – món ăn dân dã

Cháo canh hay một số nơi ở còn gọi là bánh canh, có nguyên liệu chính gồm sợi được làm từ bột mì, bột năng hoặc bột gạo nấu cùng nước hầm xương, ăn kèm với thịt băm xào và ram chiên giòn. Món ăn tuy dân dã nhưng đem theo nỗi nhớ thương của biết bao người con Ba Đồn xa xứ. Dù đã được đi nhiều nơi, thử qua không ít “sơn hào hải vị” nhưng đối với tôi, cháo canh có hương vị vô cùng đặc biệt mà không một thức quà xa xỉ nào trên đời có thể sánh được.

Tôi nhớ ngày thơ bé, ở quê còn nghèo nên chưa có máy làm bột hiện đại như bây giờ. Sợi cháo canh khi ấy làm thủ công hoàn toàn bằng tay từ bột xay nhuyễn. Bột được nhào với nước ấm thành khối dẻo mịn, sau đó cắt ra thành từng khúc rồi cán mỏng tầm 0,5cm. Từng miếng bột xếp chồng lên nhau rồi dùng dao cắt thành sợi nhỏ, phủ thêm ít bột khô để không bị dính chùm.

Nước dùng của món cháo canh cũng không có gì cầu kỳ. Xương ống heo chặt thành miếng vừa ăn, đem chần qua nước sôi cho hết chất bẩn và mùi hôi. Sau đó vớt xương ra, rửa lại với nước sạch, ướp với gia vị và hành khô rồi hầm. Sau 2-3 tiếng, xương tiết ra vị ngọt thì nêm nếm lại nước dùng cho đậm đà, đợi nước sôi lớn thì nhanh tay thả sợi bánh vào nồi nước dùng.

Để cháo canh đúng vị, sợi bột sống phải được nấu trực tiếp với nước hầm xương

Để cháo canh đúng vị, sợi bột sống phải được nấu trực tiếp với nước hầm xương chứ không phải luộc sợi bột chín rồi mới thả vào. Chính vì thế món cháo canh nấu xong sẽ có độ sệt, không loãng như nước dùng của bún hay phở mà cũng không đặc như khi nấu cháo. Sợi bột đạt yêu cầu sẽ có độ mềm nhưng không nát. Người nấu cần kiên nhẫn, đun với lửa nhỏ để sợi bột chín đều từ trong ra ngoài. Đặc biệt là không đậy vung để tránh nước trào ra bếp.

Ăn kèm với cháo canh là ram chiên giòn thì mới chuẩn vị. Nhân trong ram gồm thịt heo bằm, mộc nhĩ và tiêu xay. Thoạt nhìn ram Ba Đồn có vẻ giống với chả giò của miền Bắc nhưng thực chất nó được cuốn bằng bánh tráng dày hơn và chiên ngập dầu. Khi ăn, người ta sẽ cắt nhỏ cho vào tô cháo canh. Cây ram nhỏ, chỉ dài bằng ngón tay trỏ, có màu vàng, cắn vào giòn tan. Nếu người Bắc hay ăn bún, phở kèm với quẩy thì cháo canh của người Ba Đồn phải có ram. Cháo canh mà thiếu ram thì chẳng khác nào đánh mất 50% độ ngon.

Thành phẩm món cháo canh được dọn kèm với đĩa ram chiên và chén nước mắm ớt, thêm vài thìa thịt bằm xào, rắc lên hành lá và tiêu xay. Cháo canh có vị đậm đà, ngọt thanh nhờ nước hầm xương và sợi bột, đặc biệt phải có vị cay của ớt và tiêu thì mới đúng chất ẩm thực Quảng Bình.

Món ăn nhắc nhớ về tuổi thơ

Cuộc sống ngày càng phát triển, món cháo canh cũng được biến tấu thành nhiều loại như cháo canh ghẹ, tôm, chân giò… Một tô cháo canh bây giờ đầy ắp “topping” bổ dưỡng. Thế nên ở Sài Gòn, dù cũng có nơi bán món này, nhưng để tìm lại phiên bản ngày xưa quả thật không dễ dàng.

Mỗi lần thèm một tô cháo canh Ba Đồn chuẩn vị, tôi không ngại chạy loanh quanh phố xá cả chục cây số để tìm đến quán quen do người đồng hương mở bán. Nhìn tô cháo canh nóng hổi, nghi ngút hương ăn kèm cây ram giòn tan, bao nhiêu nỗi nhớ quê hương cứ thế mà ùa về. Bên tai tôi lại nghe văng vẳng đâu đây lời gọi của mẹ hồi ấy: “Ra trải chiếu dọn mâm cho mạ con ơi!”.

Tác giả: Thu Quyên

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua