Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu protein, năng lượng. Nguyên nhân do trẻ không được nuôi đúng cách và mắc bệnh nhiễm khuẩn (ho gà, lỵ, sởi, lao, tiêu chảy, viêm phổi). Nhiễm khuẩn làm cơ thể suy yếu, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa kéo dài rồi dẫn đến suy dinh dưỡng. Nếu con trong tình trạng này, bạn cần chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng như sau:
Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng: Những điều mẹ cần lưu ý
SUY DINH DƯỠNG NẶNG
Khi chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng nặng, các bạn hãy cho trẻ bú sữa mẹ, ăn nhiều bữa từ 10–12 lần trong ngày, kể cả đêm. Khi cho trẻ ăn, bạn phải hâm nóng thức ăn, không nên dùng thức ăn lạnh và cho trẻ ăn với lượng tăng dần. Bên cạnh đó, bạn cần đề phòng các biến chứng sau:
Phòng hạ đường máu: Trẻ suy dinh dưỡng nặng đều có hạ đường máu. Cho trẻ uống 1 thìa cà-phê đường pha với 3,5 thìa súp nước và cho trẻ ăn mỗi 30 phút trong 2 giờ. Sau đó, cho trẻ ăn mỗi 2 giờ, cả ngày lẫn đêm.
Phòng hạ thân nhiệt: Đặt trẻ nằm cạnh bạn trong phòng ấm, nhiệt độ từ 26–28°C. Việc đặt trẻ nằm gần để bạn dễ chăm sóc trẻ ăn 2 giờ/lần và giữ cho trẻ ấm bằng thân nhiệt của mình. Khi vừa thay quần áo cũ, bạn chêm vào quần áo mới, thay đến đâu lận quần áo mới đến đó.
Bạn cặp nhiệt độ 3 giờ/lần (ở nách và hậu môn) cho trẻ. Nếu dưới 35°C, bạn ủ ấm cho trẻ bằng cách đắp nhiều chăn hoặc dùng túi, chai nước ấm 40–45°C vào nách, mạng sườn trẻ (dùng vải bọc để tránh làm bỏng trẻ).
Phòng các bệnh nhiễm trùng: Tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm, lau kỹ cổ, nách, bẹn. Khi có lở loét ngoài da, bạn lau khô và chấm bằng thuốc xanh methylen. Thay tã lót thường xuyên cho trẻ. Rửa miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9%. Theo dõi sát nhiệt độ, mạch, nhịp thở, tính chất phân và tím tái.
Phòng thiếu vitamin A: Đưa trẻ đi khám mắt, khi phát hiện trẻ thiếu vitamin A, bác sỹ sẽ cho trẻ uống bổ sung với liều như sau: Trẻ dưới 1 tuổi uống 100.000IU vào ngày đầu, ngày hai và sau hai tuần. Trẻ 1–2 tuổi uống 200.000IU vào ngày đầu, ngày hai và sau hai tuần.
SUY DINH DƯỠNG NHẸ VÀ VỪA
Nếu bé không được bú đủ sữa mẹ, bạn cho bé bú thêm sữa bò, kéo dài đến 18 tháng. Cho trẻ ăn bổ sung từ tháng thứ sáu với thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh, trái cây, dầu mỡ và ăn nhiều bữa.
Nếu trẻ biếng ăn, bạn phải kiên trì cho trẻ ăn mỗi ngày. Nấu nhừ thức ăn dễ tiêu và giàu chất bổ. Thành phần thức ăn phải cân đối và đủ chất bột đường, đạm, béo, vitamin và muối khoáng.
Khi trẻ bị tiêu chảy, cho trẻ uống Oresol ngay khi tiêu chảy lần đầu và vẫn cho bú mẹ, ăn uống bình thường, ăn nhiều bữa trong ngày để đề phòng suy dinh dưỡng nặng thêm.
Nếu trẻ có dị tật như tim bẩm sinh hoặc sứt môi hở hàm ếch, cần phải tiến hành phẫu thuật ngay. Bạn chú ý phát hiện kịp thời các bệnh nhiễm khuẩn như viêm nhiễm đường hô hấp, sởi, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa… để đưa trẻ nhập viện điều trị. Hơn nữa, bạn đưa trẻ đi chích ngừa theo lịch tiêm phòng quốc gia. Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, bạn theo dõi cân nặng hàng tuần, hàng tháng của trẻ.
Để phòng trẻ bị suy dinh dưỡng
x Chăm sóc trẻ từ trong bụng mẹ: Từ khi có thai đến lúc sinh con, bạn phải có chế độ ăn uống đặc biệt để tăng cân từ 10—12kg, khám thai và theo dõi cân nặng 3 tháng/lần, để bổ sung thức ăn kịp thời tránh cho trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai.
x Nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung: Cho trẻ bú ngay sau chào đời, kéo dài 18—24 tháng. Trẻ từ sáu tháng trở lên phải cho ăn giặm thêm.
x Tiêm chủng đầy đủ: Thực hiện tiêm chủng đầy đủ và theo đúng lịch. Điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng.
x Theo dõi cân nặng để phát hiện sớm bệnh suy dinh dưỡng: Trẻ dưới 1 tuổi: Mỗi tháng cân 1 lần. Trẻ từ 2—5 tuổi: 2 tháng cân một lần. Nếu cân nặng không tăng hoặc giảm là báo hiệu suy dinh dưỡng.
Tiếp Thị Gia Đình