Chăm sóc trẻ còi xương đúng cách mẹ bé cần biết

Để có cách thức phù hợp khi chăm sóc trẻ còi xương, bạn nên tìm hiểu kĩ các các dấu hiệu, nguyên nhân và tác hại của căn bệnh này

Còi xương là một bệnh khá phổ biến ở nước ta. Mặc dù bệnh còi xương thường xảy ra ở các nước ít có ánh nắng mặt trời, tuy nhiên ở Việt Nam, mặc dù là một nước nhiệt đới nhưng tỉ lệ này vẫn còn khá cao. Còi xương không chỉ làm cơ thể trẻ gầy gò, ốm yếu mà còn khiến trí tuệ chậm phát triển. Vì thế để con mình được khỏe mạnh, các bà mẹ nên có phương pháp phù hợp để chăm sóc trẻ còi xương. Nhưng trước hết, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân của căn bệnh mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp.

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết của bệnh còi xương

Bệnh còi xương không chỉ xảy ra đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng, cơ thể gầy gò, ốm yếu mà ngay cả những trẻ em có cân nặng tốt, bụ bẫm, mập mạp vẫn có nguy cơ mắc bệnh khá cao.

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, vì đây là giai đoạn trẻ hệ xương đang phát triển và cần nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin D.

Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ can-xi và photpho từ ruột vào máu. Do vậy nếu thiếu vitamin D sẽ dẫn đến bệnh còi xương. Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ thiếu vitamin D là do:

−  Trên da trẻ em có chất tiền vitamin D, chất này dưới ánh sáng tử ngoại của mặt trời sẽ chuyển thành vitamin D. Đây là nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu. Vì thế nếu trẻ ít tắm nắng sẽ dẫn đến tình trạng còi xương.

−  Nguồn thức ăn cũng là một phần thiết yếu cung cấp vitamin cho trẻ. Trẻ sơ sinh thiếu sữa mẹ, cai sữa quá sớm; chế độ ăn nghèo nàn, thiếu chất canxi hoặc phốt pho; trẻ tập ăn bột quá sớm và ăn với số lượng nhiều, tất cả những việc trên điều sẽ gây hạn chế trong việc hấp thụ canxi.

−  Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn về đường hô hấp, đường tiêu hóa hoặc nhiễm các kí sinh như giun, sán dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài.

−  Điều kiện gia đình một số trẻ khó khăn, không đủ thực phẩm để nuôi trẻ.

−  Phụ nữ khi mang thai không được cung cấp đủ chất dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, sinh non.

Khi trẻ bị còi xương, dấu hiệu để bạn dễ dàng nhận biết là:

−  Bé không có dấu hiệu tăng cân, cơ thể ngày một ốm yếu, xanh xao, gầy gò.

−  Đối với những bé có thân hình mũm mĩm thì da dẻ nhợt nhạt, hay quấy khóc, chậm biết đi, biết nói, kém linh hoạt.

Với những trường hợp trên, để tránh xảy ra tình trạng nghiêm trọng hơn, cha mẹ các bé nên đưa trẻ đến ngay các chuyên khoa dinh dưỡng để chuẩn đoán kịp thời.

Cách chăm sóc trẻ còi xương

cham soc tre coi xuong hinh anh 1

Khi đã có kết luận chính thức, bạn nên có cách thức phù hợp để chăm sóc trẻ còi xương. Sau đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng để hạn chế bệnh còi xương ở trẻ:

√  Chế độ ăn uống phù hợp. Tốt nhất là cho trẻ bú mẹ. Trường hợp khi trẻ ăn dặm, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất đạm, mỡ, đường, vitamin và muối khoáng. Khi cai sữa vẫn phải đảm bảo mỗi ngày từ 200−400 ml sữa cho trẻ.

√  Cho trẻ tắm nắng từ 10−30 phút mỗi ngày và thời khắc ánh nắng mặt trời khá yếu như sáng sớm hoặc trời chiều gần tắt nắng.

√  Cho trẻ tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời như tập thể dục, đặc biệt vào buổi sáng để da có thể hấp thụ ánh sáng và chuyển hóa tiền chất vitamin D thành vitamin D.

√  Đối với những trẻ suy dinh dưỡng nặng: tăng cường bữa ăn, cho trẻ ăn 5-6 bữa/ngày, khẩu phần ăn nên tăng cương protein (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa) và các chất béo.

Bổ sung một số vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng) để bé nhanh chóng phục hồi tình trạng dinh dưỡng như dùng vitamin mỗi ngày, sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa tốt như Probio, Bio-acimin,… Tuy nhiên, trước khi sử dụng các thành phần dinh dưỡng này, cần có sự hướng dẫn của các chuyên gia.

Trên đây là một số thông tin về cách chăm sóc trẻ còi xương bạn có thể tham khảo. Bệnh còi xương xảy ra khá phổ biến tuy nếu biết cách chăm sóc, bệnh sẽ được điều trị dễ dàng và phòng chống hiệu quả.

Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua