Viêm phổi là nguyên nhân lây nhiễm lớn nhất gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính viêm phổi đã giết chết 922.000 trẻ dưới 5 tuổi vào năm 2015, chiếm 15% các ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi. Để ngăn chặn bệnh viêm phổi bạn nên biết cách phòng ngừa và chăm sóc trẻ bị viêm phổi đúng cách.
Nguyên nhân
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có thể do bị nhiễm khuẩn khi còn trong bụng mẹ hay khi sinh, bé hít phải nước ối đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của mẹ. Cũng có thể bé bị nhiễm khuẩn từ dụng cụ, môi trường và người chăm sóc.
Vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp nhất là phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae), Haemophilus influenzae týp b (Hib), tụ cầu, liên cầu, E. coli, klebsiella pneumoniae… Trường hợp bé sinh non, bị trào ngược thực quản dạ dày, khi bú mẹ có thể hít sữa vào phổi gây khả năng viêm phổi.
Ngoài ra, trẻ bị viêm phổi còn do suy dinh dưỡng, môi trường nhiều khói bụi, trong nhà có người hút thuốc lá, thời tiết, trẻ hít sặc thức ăn, dị vật, dầu hôi…
Dấu hiệu nhận biết
Trẻ vị vêm phổi có triệu chứng sốt, ho và thở nhanh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi và rất dễ phát hiện.
Để đánh giá nhịp thở của trẻ, bạn vén áo quan sát nhịp di động của lồng ngực hoặc bụng trong 1 phút lúc trẻ nằm yên hoặc ngủ. Trẻ được xem là thở nhanh khi bạn đếm được:
√ Hơn 60 lần/phút (trẻ dưới 2 tháng tuổi).
√ Hơn 50 lần/phút (trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi).
√ Hơn 40 lần/phút (trẻ 1 đến 5 tuổi).
√ Hơn 30 lần/phút (trẻ trên 5 tuổi).
Ngoài ra, trẻ còn có dấu hiệu thở phát ra tiếng kêu bất thường như khò khè, rên rỉ, thường co rút lồng ngực.
Cách chăm sóc trẻ viêm phổi tại nhà
Khi trẻ có các dấu hiệu viêm phổi, bạn cần đưa con đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị ngay đừng để bé chuyển sang biến chứng nặng như ngủ li bì, khó thở, rút lõm lồng ngừng, tím tái… vì có thể gây tử vong. Trường hợp trẻ bệnh nhẹ và sức khỏe tốt, bạn có thể được hướng dẫn điều trị và chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà.
♦ Bên cạnh việc cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh (amoxicillin) theo đúng chỉ định của bác sỹ, bạn chú ý cho trẻ ăn uống đủ dưỡng chất, ăn thức ăn loãng, ăn ít và chia làm nhiều bữa, nên cẩn thận không để bé sặc. Khi bé ho, bạn nên tạm dừng cho ăn để tránh gây ngạt thở.
♦ Dùng dụng cụ hút mũi và nước muối sinh lý để vệ sinh mũi trước khi cho bé ăn hoặc bú.
♦ Cho bé nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, ít ánh sáng, sạch sẽ, thoáng mát. Có thể cho bé gối đầu cao một chút hoặc nằm nửa ngồi, thường xuyên trở mình đổi tư thế nằm hoặc bế bé dậy để giảm ứ máu phổi.
♦ Cố gắng giữ ấm cho bé nhưng đừng bọc quá kỹ. Chăn đệm nên vệ sinh thường xuyên vì trong chăn đệm có rất nhiều vi khuẩn ảnh hưởng không tốt đến đường thở của bé.
♦ Trong thời kỳ hồi phục, bạn có thể cho bé tham gia hoạt động ngoài trời vừa phải.
♦ Trong quá trình chăm sóc, bạn cần lưu ý những dấu hiệu nặng. Nếu có, bạn đưa trẻ đến bệnh viện tái khám ngay.
♦ Nếu là người trực tiếp chăm sóc trẻ bị viêm phổi, bạn cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước và sau khi vệ sinh, chăm sóc hay cho trẻ ăn uống. Hạn chế cho trẻ bị bệnh tiếp xúc với những trẻ khác.
Phòng ngừa trẻ bị viêm phổi
♠ Khi có thai, bạn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và khám thai đầy đủ để theo dõi và xử lý kịp thời những tai biến, giảm khả năng sinh non, sinh nhẹ cân.
♠ Khi bé chào đời, bạn bảo đảm giữ ấm cho bé. Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
♠ Người chăm sóc phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bé để bé không bị lây nhiễm vi khuẩn. Dụng cụ để chăm sóc bé như cốc, thìa, chăn, áo, tã… phải sạch, khô, vô trùng, tránh không cho tiếp xúc với các nguồn lây bệnh.
♠ Tiêm chủng phòng bệnh viêm phổi cho trẻ đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng (vắc-xin Pentaxim). Tham khảo ý kiến bác sỹ để tiêm chủng cho trẻ vắc-xin phòng bệnh viêm phổi theo tuổi như virus cúm, thủy đậu, Haemophilus influenzae týp b (Hib), não mô cầu, phế cầu.
♠ Giải quyết các yếu tố ô nhiễm không khí trong nhà như dùng bếp gas, điện ít gây ra khói bụi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là gia đình đông đúc.
Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình