Tình trạng tiêu chảy là đi cầu phân lỏng hoặc tóe nước trên ba lần trong ngày. Các triệu chứng tiêu chảy thường bắt đầu bằng đau quặn bụng, sau đó tiêu chảy. Nhiễm trùng gây tiêu chảy có thể có các triệu chứng khác như sốt, ăn mất ngon, buồn nôn, nôn, giảm cân, mất nước. Tuy tiêu chảy không kéo dài quá lâu nhưng bạn cũng cần biết cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà và phòng ngừa tình trạng này xảy ra.
NGUYÊN NHÂN GÂY TIÊU CHẢY
Các trường hợp tiêu chảy có thể lây lan qua tay bẩn, thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, vật nuôi, tiếp xúc trực tiếp với phân (từ tã bẩn, nhà vệ sinh). Trẻ có thể nhiễm bệnh khi chạm vào bề mặt bị ô nhiễm, sau đó đặt tay vào miệng.
Những tác nhân gây tiêu chảy gồm có:
Virus: Rotavirus là nguyên nhân thường gặp của viêm dạ dày ruột do virus ở trẻ em. Hiện có vắc-xin dùng cho trẻ sơ sinh giúp ngăn ngừa khoảng 75% trường hợp nhiễm rotavirus và 98% trường hợp nặng phải điều trị. Một nhóm virus khác có thể gây tiêu chảy, đặc biệt trong mùa hè là enterovirus (virus coxsackie).
Vi khuẩn và ký sinh trùng: Nhiều loại vi khuẩn và ký sinh trùng có thể gây bệnh đường tiêu hóa là vi khuẩn E.coli (có trong thực phẩm hoặc nước nhiễm khuẩn); vi khuẩn Salmonella enteritidis (có trong thịt gà và trứng tươi); vi khuẩn Campylobacter (trong thịt gà sống và chưa nấu chín); vi khuẩn Shigella; ký sinh trùng Giardia (công viên nước, hồ bơi, hồ cá, viện bảo tàng, suối, hồ bị ô nhiễm); ký sinh trùng Cryptosporidium (trong nước uống tại trường học và nơi công cộng).
Tiêu chảy kéo dài vài tuần hoặc lâu hơn có thể là triệu chứng của dị ứng thực phẩm, không dung nạp lactose hoặc các bệnh về đường tiêu hóa như nhạy cảm với gluten, viêm đường ruột…
CÁCH CHĂM SÓC TRẺ BỊ TIÊU CHẢY TẠI NHÀ
Trường hợp nhẹ: Trẻ bị tiêu chảy nhưng vẫn hoạt động bình thường, không bị mất nước hoặc nôn, bạn chỉ cần cho bé ăn đủ và uống nhiều nước, trong đó có sữa mẹ hoặc sữa bột pha. Tiêu chảy nhẹ thường chỉ kéo dài vài ngày, có thể hồi phục hoàn toàn với việc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà.
Trường hợp nặng: Bạn nên đưa trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy đến bệnh viện để khám khi tiêu chảy kéo dài, sốt cao (hơn 38°C), nôn nhiều lần hoặc từ chối uống nước, đau bụng dữ dội, phân có máu hoặc chất nhầy. Trẻ bị tiêu chảy và có dấu hiệu mất nước như miệng khô, ít hoặc không có nước mắt khi khóc, mắt trũng sâu, thóp đầu hõm xuống, tiểu ít hay ít ướt tã trong 6 – 8 giờ, nước tiểu màu vàng đậm (trẻ sơ sinh), tiểu ít trong 12 giờ (trẻ lớn hơn), da khô, thờ ơ hoặc dễ cáu kỉnh, mệt mỏi hoặc chóng mặt cũng cần đưa đi khám.
Để xác định tiêu chảy do virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng, bác sỹ có thể yêu cầu cho trẻ xét nghiệm phân. Bạn không tự mua thuốc chống tiêu chảy cho trẻ uống mà chỉ uống thuốc do bác sỹ kê toa.
Khi điều trị tiêu chảy, chú ý bổ sung nước và chất điện giải (muối và khoáng chất) bị mất do tiêu chảy, nôn mửa và sốt. Không cho trẻ uống nước ngọt, nước gừng, trà, nước ép trái cây, nước dùng gà… Các loại nước này không được pha theo tỷ lê đường và muối đúng nên có thể làm tiêu chảy nặng hơn.
Bác sỹ sẽ kê toa cho trẻ uống dung dịch bù nước thích hợp (ví dụ như Oresol), uống bao nhiêu và trong thời gian bao lâu tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi tác, cân nặng và các triệu chứng của con bạn. Không nên tự pha dung dịch bù nước khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà, trừ khi đó là công thức của bác sỹ. Trong một số trường hợp, trẻ bị tiêu chảy nặng có thể truyền dịch tại bệnh viện để chống lại tình trạng mất nước.
PHÒNG NGỪA TRẺ BỊ TIÊU CHẢY
Dù khó ngăn chặn trẻ bị nhiễm khuẩn gây tiêu chảy, nhưng bạn có thể giảm bớt khả năng xảy ra bằng cách:
• Cho trẻ rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
• Giữ phòng tắm sạch sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh truyền nhiễm.
• Rửa trái cây và rau quả thật sạch trước khi ăn.
• Rửa dụng cụ nấu ăn kỹ lưỡng sau khi dùng chế biến thịt sống, đặc biệt là gia cầm.
• Đông lạnh thịt càng sớm càng tốt sau khi mua về và nấu cho đến khi thịt không còn màu hồng. Sau bữa ăn, cất thức ăn thừa vào tủ lạnh càng sớm càng tốt.
• Không uống nước ở sông suối, ao hồ trừ khi cơ quan y tế địa phương đã xác nhận nguồn nước an toàn và không uống từ vòi nước. Ngoài ra, thận trọng khi mua thực phẩm ở lề đường.
• Không rửa lồng nuôi thú cưng trong bồn rửa bát.
• Nên tách biệt khu vực cho thú cưng ăn với khu vực ăn của gia đình.
Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình