Ảnh mang tính chất minh họa
Chàm sữa là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ và thường bắt đầu từ 2 tháng tuổi. Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều bác sỹ da liễu cho biết bệnh do cơ địa của bé dễ dị ứng hoặc do di truyền từ bố mẹ có tiền sử bị các bệnh như hen suyễn, dị ứng da, dị ứng thời tiết. Chàm sữa tạo ra các mụn nước đỏ li ti gây đau rát cho trẻ. Khi bị bệnh, trẻ hay khóc quấy, cáu gắt, khó chịu, không chịu ăn uống dẫn đến sụt cân. Khi bé bị chàm sữa, ngoài giữ vệ sinh thân thể, bạn cần cho con uống nhiều nước lọc và chú ý các vấn đề dinh dưỡng khác.
THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ ĂN
Do chàm sữa là bệnh ngoài da nên chế độ ăn rất quan trọng trong quá trình điều trị cho bé. Nếu không biết cách kiêng cữ thực phẩm, bạn có thể khiến bệnh của con thêm trầm trọng. Các chuyên gia khuyến cáo, chế độ ăn của bé hay của bạn (nếu bé bú sữa mẹ) cần loại bỏ thực phẩm dễ gây mẫn cảm (không phải dị ứng) như sữa từ thực vật (đậu nành, lạc), cà chua, nho, trái cây sấy khô, cam quýt, dâu tây, kiwi, quả bơ, nước tương, nấm, mứt, các loại hải sản (tôm, cua, mực)… Bạn không nên bồi bổ cho con bằng các loại thịt gia cầm như vịt xiêm, bồ câu… vì thịt chúng dễ gây kích ứng với người bệnh về da. Ngoài ra, bạn cũng cần loại bỏ những thực phẩm chứa nhiều hóa chất như chất tạo màu, tạo mùi, chất phụ gia và chất bảo quản.
DÙNG THỰC PHẨM CHỐNG KHÔ DA
Bên cạnh việc gây ngứa ngáy, chàm sữa còn khiến da bé bị thô ráp, dễ bong tróc hoặc đóng vảy sừng. Vì thế, tốt nhất, bạn cho bé ăn những thực phẩm có lợi cho da, giúp bổ sung các tế bào đến lớp biểu bì. Một trong số đó là chất béo. Đối với bé có vấn đề về tiêu hóa chất béo hoặc không nhận đủ chất béo có lợi trong chế độ ăn hàng ngày, bạn có thể bổ sung thêm các sản phẩm như dầu hạt lanh, dầu cá hoặc cá có nhiều mỡ như cá hồi, cá mòi… Với bé dưới một tuổi, bạn nên hỏi bác sỹ về việc cho bé ăn dầu hạt lanh.
THỜI GIAN VÀ CÁCH THỨC THAY ĐỔI
Tùy thể trạng và tình trạng bệnh của trẻ, bác sỹ sẽ chỉ định thời gian điều trị phù hợp (thường từ 2 tuần đến 2 tháng hoặc hơn). Bạn bắt đầu thay đổi chế độ ăn của bé đến khi bệnh khỏi hoàn toàn. Trước tiên, bạn cho bé ăn thử từng loại thực phẩm với số lượng ít hoặc chia ra nhiều bữa để hạn chế thực phẩm có thể gây hại đến bé. Nên có một bản ghi cụ thể món ăn trong ngày để khi có biểu hiện mẫn cảm, bạn dễ loại bỏ chúng hơn.
Đặc biệt, có người xót con nên bổ sung sữa đậu nành, lạc. Thế nhưng, cách này sẽ phản tác dụng vì các loại đậu cũng dễ gây mẫn cảm. Bạn nên nhờ chuyên gia dinh dưỡng tư vấn khi muốn thay đổi thực phẩm cho con. Nếu trẻ còn bú mẹ, bạn ăn cá biển để tăng ARA, chất giúp trẻ chống lại dị ứng và hạn chế ăn trứng, mỡ, nội tạng, trứng vịt lộn… để tránh gây dị ứng cho trẻ
Mục Mẹ và con − Dinh dưỡng/Tiếp Thị Gia Đình