Nếu ai từng có tuổi thơ gắn liền với miền quê, hẳn sẽ rất quen thuộc với cây cỏ hôi. Đây là loài cây dại mọc hoang mà bất cứ ai cũng đã từng nhìn qua một lần.
Cỏ hôi còn gọi là cỏ bù xích, thuộc họ cúc – Asteraceae. Khi làm thuốc, người ta thường dùng phần thân cây trên mặt đất, bỏ rễ, dùng tươi hoặc phơi khô.
Cây cỏ hôi chứa tinh dầu (0,16%). Hoa và lá chứa 0,02% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là g-cadinene, caryophyllene, ageratocromen, demethoxyageratocromen và một số chất khác. Lá cỏ hôi chứa quercetin, kaempferol, a-xít fumaric, a-xít caffeic. Cây cỏ hôi ở Việt Nam chứa khoảng 0,7–2% tinh dầu, carotenoid, một ít phytosterol, tannin, đường khử, saponin, hợp chất uronic. Thân và lá cỏ hôi có hàm lượng saponin thô là 4,7%.
TÍNH VỊ
Cây cỏ hôi có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu và tiêu sưng. Cành lá khi vò có mùi hôi gây nôn.
CÔNG DỤNG TRỊ BỆNH CỦA CÂY CỎ HÔI
Công dụng chữa bệnh của cây cỏ hôi bao gồm: thường được dùng làm thuốc chống viêm, chống dị ứng, chống phù nề trong các trường hợp như sổ mũi, viêm xoang mũi. Ngoài ra, cây cỏ hôi cũng được dùng để cầm máu ngoài do chấn thương, bị thương sưng đau, chữa mụn nhọt, ngứa lở và chàm.
Loại cây này còn chữa rong huyết sau khi sinh, dùng phối hợp với bồ kết nấu nước gội đầu cho thơm và sạch gầu, trơn tóc. Có nơi ở châu Á, người ta dùng nước ép rễ cây để chữa bệnh sỏi thận. Lá làm thuốc săn da, chữa các vết đứt, vết thương và dùng đắp chữa sốt rét.
Các nghiên cứu cũng đã cho rằng chiết xuất của toàn bộ cây cỏ hôi có thể chống lại kháng khuẩn staphylococcus aureus, bacillus subtilis, eschericichia coli và pseudomonas aeruginosa. Một số nghiên cứu trên động vật đã chứng minh cỏ hôi có thể giúp giảm đau hiệu quả và được xác nhận sử dụng trên bệnh nhân thấp khớp.
Tại Brazil, chiết xuất từ cây cỏ hôi dùng để chữa viêm khớp; 66% bệnh nhân cho biết đã giảm đau và viêm, 24% cho biết có tiến triển sau một tuần điều trị mà không có tác dụng phụ. Nhiều nhà nghiên cứu ở châu Phi khẳng định có thể dùng cỏ hôi để chữa lành vết thương trong các nghiên cứu thực hiện năm 2003.
Nghiên cứu khác ở Ấn Độ báo cáo rằng cỏ hôi bảo vệ chuột khỏi bị tác hại của bức xạ và ngăn chặn các vết loét ở chuột. Điều này là do trong cỏ hôi có chứa chất chống ô-xy hóa. Người dân các nước châu Phi còn dùng cỏ hôi để trị đau bụng, khó tiêu, nôn, một số vấn đề về mắt, khó ngủ, giang mai…
BÀI THUỐC VỚI CÂY CỎ HÔI
♣ Chữa viêm xoang dị ứng hay viêm tai: Dùng lá, hoa tươi giã vắt lấy nước, tẩm bông bôi vào mũi bên đau hoặc ngoáy trong lỗ tai. Cũng có thể dùng cành lá khô sắc nước xông mũi và uống.
♣ Chữa phụ nữ rong kinh sau khi sinh: Dùng 30–50g lá cỏ hôi tươi giã nhuyễn, thêm nước, vắt lấy nước cốt uống trong ngày. Uống khoảng vài ngày.
♣Sạch đầu, làm mượt tóc: Nấu cây cỏ hôi cùng với bồ kết để lấy nước gội đầu.
Mục Sức khỏe − Tiếp Thị Gia Đình