Câu lạc bộ Khởi nghiệp Gia đình đã có buổi sinh hoạt đầu tiên rộn ràng, tưng bừng không khí khởi nghiệp.
Tham dự buổi thảo luận Câu lạc bộ Khởi nghiệp Gia đình có những người đang và muốn khởi nghiệp và còn có sự xuất hiện của ba doanh nhân thành đạt: chị Đường Thu Hương, Tổng giám đốc Forbes Vietnam, Giám đốc Đối ngoại Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam; chị Lê Thị Quỳnh Trang, Tổng Giám đốc Công ty Multimedia, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty BeU Model; chị Đoàn Thu Thủy, chủ nhà hàng Bếp nhà xứ Quảng; tác giả cuốn Cô Ba và hành trình món Việt.
Ý kiến, cảm xúc của người tham gia
Thứ Bảy, dù là ngày nghỉ nhưng khán phòng tổ chức Câu lạc bộ Khởi nghiệp Gia Đình vẫn nhộn nhịp từ sớm. Đến tham dự câu lạc bộ không chỉ có những bạn trẻ vừa ra trường, các bạn đang muốn khởi nghiệp mà còn có cả những doanh nhân đã khởi nghiệp, muốn được truyền cảm hứng để có thêm động lực.
Dù sức khỏe không tốt nhưng chị Thủy Thương, nhà ở Q. 9, TP. HCM, đã thức đến 1 giờ sáng tự tay làm cả trăm chiếc bánh quy để mời toàn thể câu lạc bộ dùng thử. Sự chu đáo cùng câu chuyện cảm động về ước mơ khởi nghiệp của chị khiến cả khán phòng xúc động.
Chị Song Hà, sinh năm 1980, lại là một trường hợp khác. Sau mấy lần khởi nghiệp thất bại, hiện chị là CEO của một doanh nghiệp nhỏ. Chị cho biết: “Các diễn giả hôm nay đều tài giỏi, giàu kinh nghiệm. Tiếp xúc với các chị, tôi cảm thấy hừng hực khí thế để vượt qua những thách thức mà bản thân đang gặp phải. Những chia sẻ của các chị hôm nay vô cùng giá trị đối với tôi”.
Là người đi truyền cảm hứng nhưng doanh nhân Lê Thị Quỳnh Trang chia sẻ rằng, chính chị lại “bị truyền cảm hứng mạnh mẽ từ chính những câu chuyện rất xúc động của hai nữ doanh nhân rất giỏi giang là chị Đường Thu Hương và chị Đoàn Thu Thủy và từ những người có ý tưởng thành lập nên CLB Khởi nghiệp Gia đình”. Theo chị, câu lạc bộ có giá trị và ý nghĩa nhân văn đối với chị em phụ nữ, giúp họ có định hướng để có thể tự mình khởi nghiệp và độc lập về tài chính, bởi lẽ phụ nữ chỉ thực sự hạnh phúc khi độc lập về tài chính.
Dưới sự dẫn dắt vui nhộn và duyên dáng của anh David Duy Hân, Giám đốc tài chính Công ty Mỹ phẩm Canmake Tokyo, suốt gần 3 tiếng (bạn có thể xem video tại https://youtu.be/nKxD7d9fJyY), các thành viên CLB Khởi nghiệp Gia đình và khách mời đã có những chia sẻ, tương tác thiết thực và gần gũi. Bằng câu chuyện cùng những trải nghiệm thực tế, 3 doanh nhân thành đạt đã giúp các thành viên có được bài học quý để chinh phục con đường mình chọn.
Doanh nhân Lê Thị Quỳnh Trang
♠ Bài học 1: Làm lĩnh vực bạn yêu thích: Tôi học tài chính kế toán nhưng hiện nay, tôi lại kinh doanh trong lĩnh vực thời trang với việc sản xuất thành công các chương trình như Vietnam’s Next Top Model, Project Runway, Vietnam International Fashion Week. Tôi bắt đầu lập nghiệp khi thất nghiệp. Do yêu thích công việc sản xuất chương trình truyền hình nên thay vì đi kiếm công việc, tôi quyết định tự tạo cơ hội bằng việc mở công ty riêng.
♠ Bài học 2: Học những người đã thành công hoặc đọc sách: Tôi vẫn không biết bắt đầu từ đâu vì tôi tự thấy mình còn thiếu quá nhiều kỹ năng để trở thành một doanh nhân như kỹ năng bán hàng, quản trị… Tôi đã mất ngủ nhiều đêm, rồi chợt nảy ra ý nghĩ: Tại sao mình không xem những người thành công thường làm thế nào? Ngay hôm sau, tôi mua một series sách tên là Vì sao họ thành công? Cuốn sách này đã truyền cảm hứng để tôi bắt tay khởi nghiệp. Với số vốn ban đầu vỏn vẹn chỉ có 100 triệu đồng vay từ bố mẹ cùng chút tiền tiết kiệm, tôi bắt đầu bằng việc mình am hiểu nhất, đó là phân phối bản quyền truyền hình. Lúc còn ít vốn, tôi chỉ mua các phim trong nước và bán cho các đài truyền hình nhỏ. Khi nhiều vốn, tôi mới mua bản quyền phim nước ngoài, trong đó có chương trình America’s Next Top Model.
♠ Bài học 3: Trong khó khăn, luôn có cách giải quyết: Lúc đầu, việc đưa Next Top Model từ Mỹ về Việt Nam của tôi đầy khó khăn, công ty Multimedia còn rất nhỏ bé, CBS đã từ chối. Tôi cứ tiếp tục theo đuổi. Sau ba năm, Multimedia đã được JSC chọn làm đối tác. Có lẽ họ đã nhìn thấy tâm huyết của tôi.
Năm 2010, có được bản quyền nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu vì tôi không biết gì về ngành thời trang. Sau năm tháng, CBS đến Việt Nam khảo sát quá trình chuẩn bị, họ yêu cầu dừng hợp đồng vì nhìn thấy với sự chuẩn bị sơ sài của chúng tôi, Vietnam’s Next Top Model sẽ không thể thành công.
Lúc này, tôi phải tìm cách giải quyết, không biết thì học hỏi. Ngay lập tức, tôi lên đường sang Mỹ xem họ tổ chức sản xuất America’s Next Top Model mùa thứ 15. Khi trở về, tôi đã hình dung rất rõ ràng về cách tổ chức sản xuất cho chương trình của mình. Phải rất vất vả tôi mới tuyển được đội ngũ nhân viên nhưng họ lại cho tôi một kịch bản không giống với những gì tôi mong đợi. Tôi quyết định tự cứu mình bằng việc xem hết các tập trong chương trình của Mỹ và các nước. Sau một tuần, tôi đã mường tượng ra những gì phải làm. Rồi mùa đầu tiên cũng lên sóng. Đến thời điểm này, tôi có thể nói mình đã thành công. Những chương trình này đã thay đổi cuộc đời của rất nhiều người và tôi đã được đi khắp thế giới, sống cuộc đời mình muốn.
Doanh nhân Đoàn Thu Thủy
♠ Bài học 1: Bạn phải có mục tiêu để làm việc không biết mệt mỏi. Ngành ẩm thực rất khó để thành công. Bởi thế, khi bắt tay vào làm nhà hàng từ hơn năm trước, tôi đã phải chuẩn bị trước đó rất lâu, từ việc ra mắt sách, tới việc đi thi Vua đầu bếp 2014, làm các video clip về nấu ăn phát trên YouTube…
Tôi ở nông thôn, dắt theo con gái vào Sài Gòn lập nghiệp khi đã 30 tuổi, tay trắng, đi ở nhà thuê. Tôi phải bắt đầu làm trong lĩnh vực tàu bè, san lấp mặt bằng, vốn toàn đàn ông, làm ngày làm đêm, với ước mơ cháy bỏng: “Phải có tiền, có nhà, có xe để con được sung sướng”.
Những ngày làm quên mình đó, đam mê nấu nướng vẫn ở trong lòng tôi. Tôi nghĩ mình phải có nhà hàng để chia sẻ món ăn ngon cho mọi người. Cuối cùng, sau bao nỗ lực, tôi đã mở nhà hàng đầu tiên Bếp nhà xứ Quảng và được khá nhiều người biết đến. Tôi nghĩ khi mình đam mê điều gì đó, mình sẽ làm mọi cách để đạt được điều mình muốn.
♠ Bài học 2: Không phụ thuộc vào nhân sự của bạn. Trong ngành nhà hàng, cái khổ tâm nhất là nhân sự. Có hai phần: phần bếp và phần phục vụ. Nếu bạn là chủ nhà hàng, bạn cần có kinh nghiệm bếp núc. Tôi có thế mạnh phần bếp, nên chỉ tuyển đầu bếp vào, hướng dẫn họ nấu theo món ăn của tôi chứ không phụ thuộc vào món họ mang về. Bởi thế, nếu các bạn ấy có làm eo làm sách, tôi sẵn sàng để các bạn ra đi thoải mái, lại tuyển người khác và đào tạo lại. Nhiều nhà hàng không trụ được là bởi họ phụ thuộc hoàn toàn vào đầu bếp.
Phần phục vụ rất phức tạp vì lao động trong bộ phận này chủ yếu là sinh viên, lao động thời vụ, ít có ai gắn bó lâu dài. Cái quan trọng là bạn cần tìm được người quản lý tốt. Thêm vào đó, ở nhà hàng của tôi, khi làm hợp đồng, ngoài mức lương, trách nhiệm, nghĩa vụ, tôi còn quy định, nghỉ việc phải báo trước 30 ngày, nếu không lương tháng đó sẽ không được trả. Đánh vào đồng tiền của họ nên dù nghỉ, họ cũng báo trước để mình có thời gian tìm nhân sự mới.
Doanh nhân Đường Thu Hương: Kiềng 3 chân để thu hút vốn đầu tư
♠ Bài học 1: Để thu hút vốn đầu tư để khởi nghiệp, bạn cần có một chiếc kiềng 3 chân:
Chân thứ nhất: Bạn phải tin vào chính mình, rằng mình làm được. Khi đó, bạn sẽ rất dễ thuyết phục những người khác, huy động sự hỗ trợ từ những người xung quanh.
Chân thứ hai: Có ý tưởng và đi đến cùng với ý tưởng đó. Mỗi ngày, quỹ đầu tư của tôi nhận được khoảng 200 kế hoạch. Ý tưởng nhiều, nhưng người nào cố gắng đi đến cùng ý tưởng đó mới thu hút được sự quan tâm. Khi bạn đi đến cùng, dù bạn có không đạt được kết quả, bạn cũng hiểu vì sao mình thất bại. Ông chủ Uber phải 15 lần thất bại mới thành công đấy thôi!
Chân thứ ba: Là tiền. Nếu bạn có được hai yếu tố kể trên, tiền là chuyện nhỏ vì các quỹ đầu tư sẽ tự tìm đến bạn. Thậm chí, chẳng cần các quỹ đầu tư, các bạn cũng sẽ có các thiên thần khác giúp đỡ, là những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, bạn của bạn bè bạn… vì bạn khiến họ tin vào bạn.
♠ Bài học 2: Kế hoạch khởi nghiệp của bạn phải gần gũi, thiết thực.
Điều khiến tôi chú ý đầu tiên là kế hoạch đó phải phù hợp với người Việt Nam. Có nhiều ý tưởng đã có mấy chục năm ở nước ngoài nhưng đem về Việt Nam vẫn nổi tiếng vì nó thực tế, gần gũi, với văn hóa Việt Nam. Thứ hai là độ bền vững của ý tưởng. Ý tưởng có dễ bị đánh cắp không, bạn làm gì nếu ý tưởng bị đánh cắp? Cuối cùng là khả năng nhân rộng ý tưởng đó thế nào. Chúng tôi không cần ý tưởng quá cao xa, đôi khi nó là những ý tưởng rất đời thường nhưng phải bền vững.
Phụ nữ khởi nghiệp thường gặp rắc rối nào?
♠ Vướng mắc 1:
Bạn Trinh: Người quá thành công về sự nghiệp thường gặp khó khăn về gia đình. Làm sao có thể cân bằng được 2 yếu tố rất quan trọng này?
Doanh nhân Thu Thủy: Đừng sợ. Bạn cứ yêu hết lòng, cứ lấy chồng. Tôi ly dị khi còn tay trắng sau đó mới gầy dựng sự nghiệp chứ không phải do tôi thành công rồi mới thấy chồng mình thế này, thế kia và ly hôn. Tình yêu là món quà của thượng đế. Hãy lấy một người mà bạn nghĩ có thể sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì anh ấy. Người đó thường cũng sẽ ủng hộ bạn đi hết con đường mà bạn chọn.
Doanh nhân Đường Thu Hương: Chắc là Trinh coi nhiều phim Hàn Quốc của chị Trang nhập về rồi đúng không (cười lớn)? Vậy thì Hương sẽ kéo Trinh về thực tại. Trinh và các bạn thử nghĩ đi! Giữa một người phụ nữ thất bại về tình cảm lại nghèo, không biết gì và một phụ nữ thất bại về tình cảm nhưng họ rất giàu, thích thì đi shopping, làm điều mình thích, bạn chọn ai? Nói để thấy, phụ nữ có cái gì đó cho riêng thì không ai làm được gì mình cả.
Doanh nhân Quỳnh Trang: Điều quan trọng nhất là bạn phải biết bạn thực sự muốn gì. Nếu không biết bạn muốn gì, bạn chỉ sống như tầm gửi. Biết mình muốn gì, thì mỗi giai đoạn bạn sẽ tự biết cách sắp xếp, đặt ưu tiên để thực hiện chúng, gồm cả công việc và gia đình.
♠ Vướng mắc 2:
Bạn Song Hà: Tôi khởi nghiệp trong lĩnh vực của đàn ông và khó được đàn ông tin tưởng sẽ làm tốt. Làm sao để vượt định kiến này?
Doanh nhân Quỳnh Trang: Nếu bạn chỉ nói, người ta không tin đâu. Bạn cứ làm, thành quả sẽ chứng minh tất cả. Chúng ta phải tin vào chính mình. Tôi đã trải qua cảnh suốt ngày phải hứng chịu scandal. Mùa đầu tiên làm Vietnam’s Next Top Model, tôi bị coi thường nhất. Mỗi ý kiến đóng góp của tôi chẳng có giá trị gì vì trong mắt họ tôi chỉ là cái cô Trang mua chương trình về, không biết gì cả. Nhưng tôi biết mình muốn gì, kiên định làm đến cùng. Mùa đầu tiên tôi thay cả dàn giám khảo 2 lần liền. Ngày đó, nếu tôi cứ nghe người này nói xấu, sợ người khác coi thường, có lẽ đã không được như hôm nay.
Doanh nhân Thu Thủy: Tôi đồng ý với chị Trang: Hãy trả lời bằng thành quả. Khi tôi làm trong ngành cầu đường, vốn toàn đàn ông, rất nhiều người đã nghi ngờ tôi. Nhưng giờ, tôi đã thành công vì tôi biết mình muốn gì và làm mọi cách để đạt được những điều tôi muốn. Cứ phớt lờ những bàn tán đó, kiên định đi theo con đường mình muốn. Khi bạn thành công, không ai dám nghi ngờ bạn nữa.
Doanh nhân Thu Hương: Được người khác nói xấu là tốt đấy bạn ạ (cười). Điều đó có nghĩa là người ta còn chú ý đến mình. Đến ngày nào người ta không nói đến bạn nghĩa là bạn chẳng còn là ai nữa! Trên đường phấn đấu, bạn có chứng tỏ bao nhiêu thì xung quanh vẫn có sự hiềm khích, ghen ghét rất nhiều. Hãy chọn lọc những gì đáng nghe, không đáng nghe và cứ nỗ lực hết sức mình.
♠ Vướng mắc 3:
Bạn Thủy Thương: Đến với CLB Khởi nghiệp Gia đình, em muốn khởi nghiệp gia đình nhưng lại bị các công việc gia đình kéo đi, làm sao để có thời gian cho riêng mình?
Doanh nhân Quỳnh Trang: Đó là kỹ năng quản lý thời gian bạn ạ. Bạn hãy lên Google tìm hiểu mô hình đặt vị trí ưu tiên nhé. Hãy sắp xếp công việc ưu tiên theo mức độ quan trọng.
Doanh nhân Thu Hương: Biết nhờ cậy những người xung quanh như bố, mẹ, bạn bè vô cùng quan trọng, bạn sẽ có thời gian làm việc mình cần làm. Muốn nhờ cậy được, bạn phải biết chấp nhận những sai sót của người khác.
BÀI: XOA XOA
Tiếp Thị Gia Đình
Form đăng ký CLB Khởi nghiệp Gia đình