Kỳ sinh hoạt lần 5 của Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình với chủ đề Chiến lược Truyền thông Thương hiệu diễn ra sôi nổi vào 9h sáng thứ 7 tại Én Tea House, 308 Điện Biên Phủ, Q. 3, TP. HCM. Như mọi buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình, các thành viên đều đến sớm, trao đổi chính kiến về những vấn đề xoay quanh khởi nghiệp, thương hiệu, tiếp cận khách hàng. Tuy mới sinh hoạt được 4 buổi nhưng uy tín và sức lan tỏa của Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình đã ngày càng thu hút hơn những người trẻ đã và đang hoặc chuẩn bị start up. Chủ đề Chiến lược Truyền thông Thương hiệu trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình lần thứ 5 đề cập đến chính xác nỗi trăn trở của các thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình.
Thời đại của chúng ta ngày nay đã rất khác một vài năm trước đây. Trong bối cảnh nền kinh tế cuộn xoáy dữ dội với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Người cũ lâu năm có thể sẽ phá sản, người mới mà có một ý tưởng độc đáo có thể trở thành tỷ phú dẫn dắt thị trường. Thế giới đang xoay quanh những cú lệnh trên Internet và chúng ta làm thế nào để truyền thông thương hiệu một cách hiệu quả là câu hỏi có nhiều đáp án.
Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình bắt đầu với sự giới thiệu của Chuyên gia tài chính David Duy Hân trong vai trò host của chương trình. Khách mời lần này là hai nhân vật nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong truyền thông thương hiệu. Đó là doanh nhân Phạm Việt Anh, Nhà sáng lập Công ty Ý tưởng Thương hiệu và Thiết kế Chiến lược Left Brain Connectors. Đây là một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về ý tưởng thương hiệu.
Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình kỳ này còn hân hạnh đón tiếp doanh nhân Nguyễn Lệ Thu, Giám đốc Tiếp thị và Phát triển Kinh doanh Bệnh viện FV. Vị thuyền phó nổi tiếng của FV từ lâu đã là biểu tượng cho mẫu phụ nữ thành công, trí tuệ, sắc bén, biết tận hưởng cuộc sống và theo kịp thời đại trên mọi phương diện.
Hiểu đúng về truyền thông thương hiệu
Host chương trình Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình, doanh nhân Duy Hân cho rằng chiến lược truyền thông thương hiệu luôn là điều tốn kém thời gian và tài chính, vì cần lên kế hoạch bài bản và đội ngũ có chuyên môn cao. Do đó để hiệu quả và không tốn kém, truyền thông thương hiệu luôn là vấn đề mà người khởi nghiệp quan tâm.
Để xây dựng được giá trị thương hiệu tích cực và bền vững, doanh nghiệp cần chuyển tải thông điệp truyền thông một cách nhất quán trên tất cả các kênh truyền thông có liên đới. Bạn luôn phải duy trì kiểm soát và phân tích thông điệp để đảm bảo các thông điệp không bị chệch khỏi định hướng của doanh nghiệp. Doanh nhân Phạm Việt Anh, với kinh nghiệm thiết kế chiến lược truyền thông thương hiệu cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng tại Việt Nam, trả lời những thắc mắc của các thành viên.
Theo ông, thương hiệu chỉ có giá trị cho những ai coi trọng giá trị thương hiệu. Bạn phải tìm cách để khách hàng yêu thương hiệu của mình. Chỉ có nghiên cứu phát triển mới có thể tạo nên thế mạnh cạnh tranh. Mỗi sản phẩm thương hiệu lại có những đặc thù và chúng có những công thức khác nhau. Khi kiến tạo được chiến lược thì phải tìm cách truyền tải được giá trị, lời hứa của thương hiệu và chứng minh được lời hứa của bạn là có thực.
Đừng hiểu lầm lời hứa thương hiệu là slogan. Không chỉ là vậy. Nó là giá trị thực, mang lại giá trị và giải pháp thiết thực, hữu ích cho khách hàng.
Gói gọn lại những chia sẻ của ông, truyền thông thương hiệu có những bước cụ thể rõ ràng. Bạn đừng mong có một công thức chung áp dụng cho tất cả. Phải nghiên cứu và nỗ lực sáng tạo ra những chiến lược ấn tượng để thương hiệu phát triển bền vững.
1. Ý tưởng thương hiệu:
Là hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm và xây dựng những liên tưởng về thương hiệu có thể tồn tại trong trí nhớ của người tiêu dùng. Cung cấp những lý do thuyết phục cho người tiêu dùng lựa chọn thương hiệu của bạn thay vì những thương hiệu khác. Khái niệm đó được giữ nguyên trong suốt quá trình sống của thương hiệu dù định vị thương hiệu có thể thay đổi trong suốt vòng đời của nó. Tất cả mọi công việc sáng tạo, thiết kế sau này sẽ bắt đầu từ Ý tưởng thương hiệu.
2. Kiến trúc thương hiệu:
Một doanh nghiệp thành công phải sở hữu mô hình kinh doanh hiệu quả. Do vậy, mỗi mô hình kinh doanh cần tổ chức khoa học và hợp lý cho hệ thống thương hiệu của mình. Nói cách khác, kiến trúc thương hiệu là cách thức một công ty cấu trúc, quản lý, thiết lập mối quan hệ chiến lược của những thương hiệu của công ty. Các thương hiệu liên quan lẫn nhau thế nào trong danh mục sản phẩm của công ty và cách tung một thương hiệu ra thị trường. Kiến trúc thương hiệu phản ánh toàn diện việc quản trị thương hiệu và chiến lược định vị thương hiệu nhằm hỗ trợ mục tiêu kinh doanh của công ty.
3. Định vị thương hiệu:
Một sự tập trung chuyên biệt giúp thương hiệu của bạn khác hẳn đối thủ cạnh tranh. Bạn phải có vị trí khác biệt rõ ràng trong môi trường cạnh tranh. Định vị thương hiệu là một phần của nhận diện thương hiệu mà cấp quản lý quyết định cho truyền thông một cách chủ động trên thị trường. Nó phải được thể hiện trên tất cả các yếu tố của tiếp thị hỗn hợp. Định vị thương hiệu là một phần lời hứa của thương hiệu, liên quan đến các yếu tố: chất lượng, sự đổi mới, nhận thức, giá trị, uy tín, trách nhiệm xã hội, công nghệ ưu việt, độ tin cậy… Điều này sẽ được ghi nhận trong tâm trí của người tiêu dùng về sản phẩm/thương hiệu.
4. Thiết kế thương hiệu:
Để xây dựng và duy trì những giá trị và hình ảnh của thương hiệu trong nhận thức của khách hàng, chúng ta cần phải xây dựng thương hiệu thông qua các hoạt động truyền thông và quảng bá. Do đó, vai trò của thiết kế thương hiệu sẽ trở nên cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này – xây dựng thương hiệu. Một thiết kế thương hiệu được hiểu là có hiệu quả khi bản thiết kế đó lột tả được những nền tảng thương hiệu (tính cách, giá trị, định vị, kiến trúc, ý tưởng…).
Thương hiệu là bộ mặt của chiến lược kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc hình ảnh thiết kế phải có tính kết nối với chiến lược. Để làm được điều này, tính kết nối phải được thực hiện hàng ngày: sự dẫn dắt của chiến lược trong thiết kế hay thiết kế có định hướng chiến lược.
5. Chiến lược truyền thông thương hiệu:
Là bước kế tiếp quan trọng của việc hiện thực hóa ý tưởng chiến lược thương hiệu vào cuộc sống. Truyền thông thương hiệu tích hợp là sự hợp nhất kế hoạch sáng tạo và triển khai có tính định hướng cho tất cả hoạt động như quan hệ công chúng, quảng cáo, quan hệ cổ đông, truyền thông nội bộ, huấn luyện thương hiệu nội bộ…
Mục đích duy nhất là tối ưu hóa giá trị thương hiệu. Khác với hoạt động truyền thông tiếp thị tích hợp truyền thống, chiến lược truyền thông thương hiệu luôn được bắt đầu bằng việc thấu hiểu vai trò của thương hiệu trong mô hình kinh doanh, kiến trúc thương hiệu, chiến lược định vị để từ đó xác định sứ mệnh: Làm cách nào thương hiệu sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh bền vững?
Kỷ nguyên kỹ thuật số đã khiến cho truyền thông thương hiệu trở nên vừa dễ hơn và cũng phức tạp hơn vô cùng. Không ít trường hợp truyền thông chính thống tổng hợp từ các thảo luận xã hội, còn mạng xã hội cũng chia sẻ và phát triển chủ đề từ kênh chính thống. Kết quả là việc quản lý uy tín thương hiệu của các doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Hiện nay, người tiêu dùng đón nhận thông tin từ nhiều nguồn và ranh giới giữa truyền thông chính thống với mạng xã hội bị lu mờ đối với các doanh nghiệp. Khách hàng không hề biết đến cái gọi là “chiến lược truyền thông chính thống” hay “chiến lược truyền thông xã hội”, họ chỉ biết thương hiệu của bạn. Khi không có sự thống nhất giữa các thông điệp, thương hiệu của bạn sẽ gặp nguy hiểm. Khách hàng sẽ cảm nhận thương hiệu thiếu sự kết nối (với họ) và dường như doanh nghiệp của bạn đang cố che giấu điều gì đó.
Doanh nhân Lệ Thu cho rằng, lời hứa thương hiệu rất quan trọng, nó hấp dẫn khách hàng và giúp định vị thương hiệu. Chúng ta phải nghĩ đến việc hầu hết mọi người không biết thương hiệu của bạn. Bạn phải tìm cách khiến cho họ tò mò, gây chú ý hoặc đưa đến cho họ những giá trị khác biệt. Như với bệnh viện FV, chị đã nhất quán từ đầu là tầm nhìn quan trọng về chất lượng điều trị còn cao hơn cả kỳ vọng của bệnh nhân. Thương hiệu là lời hứa và cốt lõi là thực hiện được lời hứa, khiến cho lời hứa không ngừng sinh động. Bệnh viện FV đã trở thành một không gian thân thiện với cây xanh, âm nhạc, sự tận tình… những giá trị mà người Việt Nam chưa được tận hưởng từ dịch vụ y tế.
Một vấn đề rất quan trọng, người chủ doanh nghiệp phải là linh hồn, là gốc rễ để lan tỏa giá trị mà bạn theo đuổi. Chúng ta không thể hứa những thứ mình không có. Hãy bắt đầu truyền thông từ con người, thương hiệu cá nhân trước. Vì sản phẩm đều đi ra từ chính con người bạn, đó là quá trình rất dài và tốn kém. Có những thương hiệu thậm chí nửa thế kỷ sau mới nổi tiếng.
Báo chí cũng là một kênh kinh doanh. Họ quảng bá nếu bạn chi tiền. Và báo chí cũng phức tạp như chính đời người. Có tờ lá cải, có tờ nghiêm túc đến khắt khe. Bạn phải quảng cáo thế nào cho hiệu quả. Thương hiệu không thể dùng scandal để nổi tiếng như nghệ sĩ. Báo chí không thể chỉ khen một chiều là bạn sẽ thành công. Sản phẩm của bạn phải đủ hấp dẫn để giữ chân khách hàng sau khi họ biết đến bạn mới là quan trọng.
Hầu hết hai chuyên gia đều đồng ý rằng đa dạng hóa các hình thức truyền thông có lợi ích to lớn đối với việc đồng nhất chiến dịch truyền thông. Đó không đơn thuần là một nguồn phát ngôn chuyển đi cùng một nội dung mà còn liên kết với người có tầm ảnh hưởng, tạo ra content hub (thường là kênh truyền thông riêng của chính doanh nghiệp chứa đựng toàn bộ nội dung), tất cả tạo nên tính nhất quán tổng thể cho thương hiệu.
Kinh doanh – người lớn và con trẻ
Chị Trần Nguyễn Thiên Hương, đại diện Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình của tạo chí Tiếp Thị Gia Đình chia sẻ: Một bạn đã hỏi rất hay: “Hãy kể về kinh nghiệm khi thất bại trong kinh doanh của các anh chị”. Tôi đã kể cho bạn nghe hai kinh nghiệm đau đớn của mình trong quá khứ, phải trả giá bằng những thiệt hại tài chính rất lớn.
Trong cuộc đời kinh doanh của chúng ta, nếu tổng kết lại, thất bại nhiều hơn thành công. Trong 10 thương vụ đầu tư, thắng được một, hai đã là nhiều. Vì thế, nếu bạn chọn con đường kinh doanh, hãy xác định là 5 ăn, 5 thua. Bạn phải nghiên cứu thị trường để xác định chắc chắn nhu cầu dành cho hàng hoá, dịch vụ của bạn là rất cao. Hãy cân nhắc các cơ hội và rủi ro. Khi thấy tỷ lệ “thắng” cao hơn “thua”, lúc đó hãy quyết định đầu tư.
Nhưng ngay cả khi đã tin chắc 100% vào khả năng thắng, chúng ta vẫn có thể rủi ro thua. Khi đó, hãy mỉm cười và bảo: “Tôi đã cố gắng, nhưng tiếc rằng tôi thất bại”. Dù tiếc rẻ đến mấy số tiền đầu tư đã mất, chúng ta chỉ có một cách: Học bài học lớn để không sa thêm vào sai lầm tương tự nữa. Hãy đứng lên và đi tiếp. Đừng khóc lóc, than vãn, đừng kiếm người để đổ lỗi. Những sai lầm của hôm nay sẽ giúp chúng ta chiến thắng, và thắng lớn vào ngày mai.
Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam hay chiều chuộng con trẻ khi nhỏ. Chúng đòi gì cũng được. Và khi chúng lựa chọn sai lầm, bước hụt và bị đau, cha mẹ… đổ lỗi cho ông Trời và cho một tỷ thứ khác, thay vì dạy con kiên cường và dũng cảm đương đầu với khó khăn. Hậu quả là có nhiều đứa trẻ lớn lên ươn hèn, hoặc đòi hỏi, muốn mọi thứ trên đời phải theo ý mình. Khi không được, chúng dằn hắt, đập phá, đổ lỗi cho người khác, chứ không chấp nhận sai lầm của chính mình.
Vì thế, hỡi những bạn trẻ đang tìm cơ hội khởi nghiệp, đầu tư luôn có rủi ro cao. Hãy tính cho kỹ. Làm một nhân viên giỏi còn hơn ông chủ tồi. Và hãy nhớ, dù thành công hay thất bại, bạn, đúng thế, chỉ bạn mà thôi, phải chịu trách nhiệm về những quyết định của chính mình”.
Đăng ký tham dự Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình kỳ 6
Kỳ 6 của Câu lạc bộ khởi nghiệp gia đình với chủ đề Tăng doanh thu bán hàng sẽ diễn ra vào lúc 9h thứ 7 ngày 22–7–2017, tại khách sạn The Myst Đồng Khởi, 6–8 Hồ Huấn Nghiệp, Q. 1, TP. HCM. Khách mời của Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình kỳ 6: doanh nhân Lê Thị Thanh Xuân và doanh nhân Đinh Bá Dự.
Để tham gia kỳ 6 Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình và các kỳ tiếp theo, mời bạn đăng ký qua email: clbkhoinghiep@sunflowermedia.vn. Bạn cũng có thể đăng ký tham gia Câu lạc bộ Khởi nghiệp gia đình bằng cách điền form thông tin bên dưới.
Bài: N.H
Tiếp Thị Gia Đình