Câu chuyện của cô giáo nhiễm chất độc da cam

“Mặc dù cả tuổi thơ bệnh tật, nhưng chưa bao giờ tôi bi quan. Tôi chiến thắng số phận, sống hạnh phúc cho đến giờ phút này là nhờ có mẹ”, cô giáo Đồng Thị Nga chia sẻ

Tôi là đứa con duy nhất may mắn sống sót của mẹ, khiến mẹ khóc nhiều nhất và cũng hạnh phúc nhất. Đôi lúc tôi tự hỏi, nếu tôi không phải là con của mẹ, thì tôi có được như ngày hôm nay hay không?

Mệnh lệnh của trái tim

Di chứng chất độc da cam của bố truyền lại khiến mẹ tôi hứng chịu nỗi đau mất con chồng chất. Lần thứ hai là mang thai tôi, mẹ lo âu rất nhiều và rồi mẹ bật khóc khi thấy hài nhi trên tay mình mặc dù lành lặn nhưng quắt queo, đầu trọc, da đen đúa và sần sùi như vảy cá.

Với hy vọng trời thương cho một đứa con lành lặn, khi tôi lên 3 tuổi, bố mẹ tôi sinh thêm hai em nữa. Nhưng trò đùa của số phận vẫn kéo dài mãi, hai đứa em nhiễm chất độc da cam lại bỏ bố mẹ mà ra đi. Không chịu nổi áp lực từ miệng lưỡi của người đời, bố tôi – người chiến sĩ năm xưa đã từ bỏ mẹ con tôi. Một mình mẹ nuôi nấng tôi, đứa con với biệt danh Nga “vảy cá”.

Da dẻ toàn thân tôi nứt toác ra, ngứa ngáy và máu mủ ri rỉ chảy, đặc biệt phát bệnh nặng vào những hôm trời nắng nóng. Mẹ bồng tôi đi khắp nơi để tìm ra bệnh và thuốc chữa trị, nhưng thầy thuốc nào cũng phải bó tay. Không chịu bỏ cuộc, mẹ đã tự mày mò đọc sách, tìm đủ cách giúp bệnh tình tôi thuyên giảm. Ngày ngày, mẹ đi làm kế toán tít tận huyện Thủy Nguyên bằng chiếc xe đạp cọc cạch, cả đi lẫn về ngót nghét 60 cây số, sau lưng mẹ chở 50 cân gạo, giỏ xe đằng trước chở than để giao trên đường đi. Tối về mẹ nuôi lợn, làm kem và đi bắt cóc làm ruốc cho tôi ăn.

Có cảm giác, bao nhiêu nỗi khổ thế gian cứ chồng chất lên tấm vai gầy của mẹ. Nhưng chẳng bao giờ mẹ nặng lời hay trút mệt mỏi, bực dọc của thể xác lẫn tinh thần vào đứa con “vảy cá”. Mẹ cứ làm tất cả mọi thứ theo mệnh lệnh của trái tim chan chứa yêu thương, bởi theo mẹ, đứa con thiệt thòi nhất là đứa cần được ưu ái nhất.

Những ân nhân trên đường đời

Sóng gió nổi lên khi tôi bước vào tuổi đến trường. Không phụ huynh nào chấp nhận cho con họ học chung với tôi. Cô hiệu trưởng trường cấp 1 khăng khăng: “Con chị bệnh tật đầy mình, chẳng ra người ngượm thì làm nên trò trống gì. Thôi, chị cho cháu nó về đi”. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ quỳ sụp xuống chân cô hiệu trưởng, nói trong nước mắt: “Cháu đã thế này, cháu rất thiệt thòi. Xin cô cho cháu vào học, tôi muốn cháu đi học để sau này tôi chết đi, cháu có thể tự nuôi sống bản thân mình”. Chứng kiến cảnh tượng đó, cô giáo chủ nhiệm đã đứng ra bảo lãnh cho tôi. Cô ân cần nói mẹ tôi cứ về đi, mọi chuyện cô sẽ lo.

Cấp 1, cấp 2 rồi lên THPT chuyên Trần Phú, mặc dù bạn bè xa lánh vì tôi nhiễm chất độc da cam nhưng cuộc đời luôn cho tôi gặp những thầy cô giáo ân nhân như thế! Tôi đậu 2 trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Công đoàn. Khi đó mẹ sợ tôi lên Hà Nội không ai chăm sóc. Để mẹ con được gần nhau, tôi đánh liều mang giấy báo trúng tuyển về trường Đại học Dân lập Hải Phòng xin được nhập học. Và may sao, số phận lại một lần nữa mỉm cười với tôi. Giáo sư Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường đã đặc cách nhận tôi vào học.

Người thầy giáo ân nhân ấy đã cho tôi những bước ngoặt lớn trên đường đời. Đó là cảm giác ấm áp, an tâm khi được hòa nhập với bạn bè. Đó là cơ hội học đại học 4 năm miễn phí và sau khi tốt nghiệp, tôi được trường giữ lại làm giảng viên, cử đi học thạc sỹ tại Malaysia. Sau tất cả, cuộc đời này vẫn đang mỉm cười với tôi!

Thông tin thêm

cau chuyen cua co giao nhiem chat doc mau gia cam hinh anh 1

• Cô giáo Đồng Thị Nga sinh ngày 8–8–1980, hiện là giảng viên trường Đại học Dân lập Hải Phòng.

• Nhờ sự chăm sóc tỉ mỉ, kỹ lưỡng của gia đình, hiện bệnh tình cô giáo Nga đã thuyên giảm rất nhiều. Để duy trì sức khỏe, chị thường thoa kem dưỡng ẩm, ăn đồ mát, hạn chế ra nắng và khám sức khỏe định kỳ.

• Cô giáo Nga đã tìm thấy người đàn ông của đời mình và đã có một đời sống hôn nhân viên mãn với hai con gái.

THU HÀ 

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua