Ảnh mang tính chất minh họa
Chị Thu Hoài, TP. HCM, chia sẻ với Tiếp Thị Gia Đình: “Khi đưa con trai hai tuổi đi khám, bác sỹ bảo con tôi bị viêm amidan, cho thuốc uống và dặn chờ bé khỏi ốm tôi nên dẫn con đi cắt amidan vì amidan của con to. Tôi nghe nói cắt amidan không tốt cho trẻ, liệu tôi có nên đưa con đi cắt không?”.
Để trả lời cho chị Hoài và bạn đọc quan tâm đến vấn đề này, Tiếp Thị Gia Đình có cuộc phỏng vấn TS–BS. Hoàng Lương, Giám đốc Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Sài Gòn.
Tiếp Thị Gia Đình: Thưa tiến sỹ, vì sao trẻ hỏ lại là đối tượng hay bị viêm amidan?
TS–BS. HOÀNG LƯƠNG: Amidan là tổ chức lympho, nằm ở hai bên vùng họng, giúp chống lại vi khuẩn qua đường mũi họng, không cho chúng thâm nhập vào cơ thể. Bên cạnh amidan còn cơ thể. Bên cạnh amidan còn có VA (nằm ở trần vòm họng) cũng có chức năng tương tự.
Do nằm ở vị trí cửa ngõ đường tiêu hóa và hô hấp, phải chống chọi với vi khuẩn nên amidan thường bị viêm nhiễm, đặc biệt là với trẻ nhỏ vì khả năng đề kháng kém. Khi bị viêm amidan cấp tính, bé bị đau họng, khó nuốt, sốt nhẹ, hơi thở hôi… Nếu viêm tái đi tái lại sẽ trở thành viêm mãn tính và lúc này amidan không còn chức năng bảo vệ nữa.
Tiếp Thị Gia Đình: Rất nhiều bác sỹ khám bệnh thấy amidan to là cho chỉ định cắt bỏ. Như thế có đúng không vì cắt bỏ amidan chẳng khác nào loại bỏ bức tường thành bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn, thưa bác sỹ?
TS–BS. HOÀNG LƯƠNG: Trẻ chỉ nên cắt amidan khi:
− Trẻ hay bị viêm amidan, trên 5 lần/năm.
− Nếu số lần viêm ít hơn nhưng lại gây biến chứng viêm khớp, tim mạch hay viêm thận thì cần phải cắt.
− Không nên cắt amidan khi viêm dưới bốn lần mỗi năm, amidan to nhưng không gây khó thở. Tuy nhiên, với các cháu dưới 10 tuổi, nên hạn chế tối đa việc cắt bỏ amidan để giữ lại hàng rào bảo vệ cơ thể.
Tiếp Thị Gia Đình: Có ý kiến cho rằng cắt amidan khiến trẻ khàn giọng. Amidan là thịt dư, cắt đi trẻ mới ăn mau chóng lớn hay cắt amidan, nó có thể mọc lại. Tiến sỹ giải đáp giúp những quan điểm này.
TS–BS: HOÀNG LƯƠNG: Đây là những quan niệm sai. Chỉ những bé bị viêm amidan mãn tính kéo dài mới dẫn đến viêm thanh quản gây khàn tiếng. Cắt amidan không gây khàn tiếng hay thay đổi giọng của trẻ. Bên cạnh đó, amidan không phải thịt dư. Khi cắt amidan, trẻ ít bị bệnh nên giúp bé phát triển tốt. Hơn nữa, amidan là một phần của cơ thể, đã cắt là mất, không thể mọc lại được.
Tiếp Thị Gia Đình: Phương pháp cắt amidan an toàn và tốt nhất hiện nay là gì?
TS–BS. HOÀNG LƯƠNG: Hiện có bốn phương pháp cắt amidan là cắt bằng dao, kéo và thòng lọng, dao điện đơn cực hoặc lưỡng cực và sóng radio cao tần Coblator. Đến nay, cắt bằng sóng radio cao tần là tốt nhất, vì không chảy máu, ít tổn thương mô lành, ít đau, sưng, mau lành, bé có thể nói chuyện ngay và xuất viện vào buổi chiều. Tuy nhiên, giá thành đầu Coblator cao, trên 6 triệu đồng/đầu. Sau cắt amidan, bạn cho bé ăn thức ăn mềm, nguội và ngậm nước muối loãng.
Tiếp Thị Gia Đình: Xin cảm ơn tiến sỹ.
Bạn có thể đưa bé đến khoa tai mũi họng tại các bệnh viện để khám hoặc đến địa chỉ sau:
• Bệnh viện Tai – Mũi – Họng trung ương, 78 Giải phóng, Q. Đống Đa, Hà Nội.
• Bệnh Viện Tai – Mũi – Họng Sài Gòn, số 1–3 Trịnh Văn Cấn, Q. 1, TP. HCM.
Mục Sức khỏe/Tiếp Thị Gia Đình