Chiều 30−11, anh Phạm Hồng Thái (sinh năm 1981, ngụ ở Đồng Nai) bị rắn lục cắn vào cánh tay trái khi đang làm vườn. Tuy nhiên, thay vì đến cơ sở y tế để được điều trị, anh Thái lại nhờ một thầy lang ở địa phương băng bó vết thương bằng thuốc Nam.
Đến sáng 1−12, toàn bộ tay trái của Thái bị phù to, sưng, tím tái. Người nhà đã đưa anh đến Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán (Đồng Nai) để điều trị, sau đó chuyển đến bệnh viện đa khoa Thống Nhất do tình trạng ngộ độc rắn cắn quá nặng.
Sau khi được các bác sỹ tích cực điều trị, chiều 3−12, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Người bệnh đã có thể nói chuyện được.
Bác sỹ Võ Thanh Tâm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực − Chống độc (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất), cho biết: Tình trạng ngộ độc dẫn đến biến chứng của bệnh nhân là do dùng thuốc Nam điều trị rắn lục cắn. Khi vào viện, bệnh nhân bị đau nhức toàn thân, các vết thương hở xuất huyết do rối loạn đông máu. Sau khi được truyền nhiều huyết thanh, cánh tay, ngực và vai trái của bệnh nhân đã bớt sưng, các vết thâm tím dần biến mất. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần được theo dõi và điều trị tích cực.
Thời gian qua, một số trường hợp bị rắn lục cắn nhưng tự điều trị bằng cách bó thuốc Nam dẫn đến ngộ độc rắn cắn, gây biến chứng hoại tử, phải tháo khớp tay. Việc điều trị rắn lục cắn tại bệnh viện hiện có hiệu quả rất cao do đã có huyết thanh kháng nọc đặc trị. Do đó các trường hợp bị rắn cắn nên đến bệnh viện cấp cứu, điều trị sớm để tránh bị ngộ độc nặng dẫn đến biến chứng hoại tử, thậm chí tử vong.
Tiếp Thị Gia Đình