Cái chợ nhỏ, mẹt trầu cau khiêm tốn và dáng ngồi nhỏ thó của bà cụ tóc đã ngả hai màu mưa nắng. Hình ảnh đó hiện lên trong tôi vào một buổi chớm xuân đẹp. Nhưng ở góc chợ quê nay không còn bóng bà nữa, thay vào đó là một cô trung niên, dáng người xồ xề nhưng miệng cười phúc hậu. Cô vẫn ngồi với mẹt trầu xanh mướt lá, vẫn buồng cau trái căng mọng, bóng mẩy chờ trẩy lên mâm cúng tổ tiên. Tôi vẫn nhớ như in màu tóc trắng pha sương của bà cụ, những nếp nhăn thi nhau xô đẩy trên quầng trán đã chùng xuống sau bao vất vả của cuộc đời. Nụ cười móm mém của bà, thi thoảng mới thấy lấp ló vài chiếc răng nhuộm đỏ màu trầu. Tôi quen với hình ảnh bà bưng mẹt trầu, thúng cau đi ngang nhà tôi để ra chợ mỗi sáng.
Lâu lắm rồi, người ta đã không còn mặn mà gì với những cánh trầu cay nồng của bà. Người già được con cái, dâu rể rước về thành phố, nhà cao cửa rộng nhưng lại không có mảnh sân đất để có thể phẹt nhổ cổ trầu sướng như hồi còn quê kiểng. Vậy nên họ cũng ngại dần với việc ngoáy trầu cau ăn cho thơm miệng, chắc răng. Vì vậy mà trầu bà hàng ngày vẫn ế là chuyện bình thường, nhưng bà không buồn. Nụ cười hiền lành thoảng mùi trầu ngai ngái vẫn nở khi tôi bắt chuyện với bà. Từ lâu rồi, người ta chỉ nhớ bà vào những ngày trăng tròn để mua trầu về cúng rằm hoặc khi nhà có đám hỏi, đám cưới.
Có lẽ bà vui nhất là khi bán được buồng cau đẹp và mấy xấp cánh trầu xanh cho đám cưới. Bà tỉ mẩn têm trầu cánh phượng, dán những hình trái tim đỏ thắm lên những trái cau sau khi đã cẩn thận lau sạch bụi bẩn quanh lớp vỏ. Nhà bà rộng nên trồng hẳn vài gốc trầu với mấy chục cây cau. Em trai tôi vẫn hay sang nhà hái cau giúp và được bà trả công hậu hĩnh bằng bánh trái, nước mía…
Sau này, có người tới tận nhà bà mua trầu cau số lượng lớn mang xuống Sài Gòn bán. Ở đây trầu cau buồn hiu hắt vì không ai mặn mà, nhưng khi lên thành phố lại trở thành hàng quý hiếm, được các dịch vụ cho thuê mâm quả cưới săn lùng.
Nghe nói bà bán được cũng kha khá tiền, nhưng bà vẫn ngày ba bữa ăn mắm kho quẹt cùng đĩa rau tập tàng hái quanh vườn kèm vài con cá lòng tong kho tiêu. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi cô con gái, giờ nối nghiệp bà, bật mí: Toàn bộ số tiền tích góp từ mẹt trầu cau, bà ủng hộ hết cho quỹ từ thiện của nhà chùa. Bà giúp những đứa trẻ mồ côi có cơm ăn, có sữa uống hàng ngày. Và cô, sau buổi chợ cuối cùng của năm, cũng sẽ gom hết tiền bán trầu mua quần áo mới cho các em ấy, theo di nguyện của mẹ.
Đặt đĩa trầu cau lên mâm cúng tổ tiên, tôi bần thần nghe hương Tết về quanh nhà. Những cánh trầu ngát xanh kia chưa chắc tự thân chúng đã làm nên mùa xuân. Mùa xuân đã hiện thân trong từng nghĩa cử chan chứa tình nhân ái, của những người tưởng như nhỏ bé nhưng có thể che chở cho rất nhiều mảnh đời bất hạnh khác, như bà cụ bán trầu mà tôi từng là hàng xóm. Việc làm của bà khiến tôi nghĩ, có thể cuộc sống của mình trở nên khó khăn hơn khi chúng ta san sẻ với người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Bài: Trần Huyền Trang
Tiếp Thị Gia Đình