Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh trên cả nước phải nghỉ học dài ngày. Tuy nhiên, nghỉ học quá nhiều ngày cũng là nguy cơ khiến trẻ gặp các tai nạn thương tích cao hơn. Như một số tai nạn trẻ em như hóc dị vật; hay chấn thương do chơi đùa quá đà được báo chí đăng tải thời gian qua.
Cảnh giác với tai nạn trẻ em
Trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng trên THVL1 với chủ đề “Nghỉ học phòng dịch: Cảnh giác với tai nạn trẻ em”; bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viên Nhi Đồng 1 Tp.HCM; cho biết: “Các trường hợp tai nạn trong mùa dịch ở trẻ em khá giống với các thời điểm nghỉ hè. Ví dụ các bé thường đi chọc phá tổ ong, nghịch xe, giỡn nhau… Vì trẻ nhỏ không đi học sẽ trở nên hiếu động và khó kiểm soát hơn.”
Để tránh các tai nạn gây thương tích trong kỳ nghỉ kéo dài do dịch Covid-19; bác sĩ khuyến cáo phụ huynh hãy đảm bảo luôn có người trông giúp trẻ. Nhất là những trẻ nhỏ hiếu động, chưa nhận thức được rủi ro.
Nếu để trẻ tự trông nhau, phải đảm bảo trẻ lớn nhất có đủ khả năng và sự quan tâm để trông em. Phụ huynh cần dặn dò kỹ những điều nên và không nên; dạy trẻ cách liên lạc trong những trường hợp khẩn cấp. Không để những vật sắc nhọn, dễ gây cháy trong tầm với của trẻ. Không để trẻ ở gần nơi có điện hay hồ bơi, thùng chứa nước mà không có người quan sát… Sau cùng là chú ý đến tâm lý của trẻ khi phải ở nhà quá lâu; để không ảnh hưởng đến suy nghĩ và thái độ của trẻ một cách tiêu cực.
Đề phòng thân nhiệt bất thường
Ngoài việc coi sóc trẻ để tránh xảy ra tai nạn trẻ em như trên thì cần chú ý sức khỏe của trẻ trong mùa này. Những dấu hiệu sốt, hạ nhiệt… là điều phụ huynh cần lưu tâm. Trong chương trình Lời Cảnh Báo với chủ đề “Thân nhiệt ở trẻ nhỏ – không thể coi thường”; phát sóng vào thứ Hai vừa qua tiếp tục đưa ra những cảnh báo về tình trạng bệnh này.
Trên nhiều diễn đàn của các bà mẹ bỉm sữa, chúng ta có thể bắt gặp đâu đó các câu hỏi như: “Con trai mới 2 tuổi bị sốt li bì vì sốt xuất huyết. Nhưng hai hôm nay người không sốt mà còn có vẻ mát hơn bình thường. Vậy có sao không?”. Nhiều người cứ chủ quan về vấn đề này vì cho rằng, con của mình hạ nhiệt là vấn đề mừng. Tuy nhiên, đây lại là một dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm cho việc hạ thân nhiệt sau sốt của trẻ.
Theo các chuyên gia y tế cho biết, hạ thân nhiệt là một dạng thay đổi nhiệt độ khá ít gặp. Nhưng thường là biểu hiện của những vấn đề khá nghiêm trọng. Đối tượng có nguy cơ hạ thân nhiệt nhiều nhất là trẻ nhỏ, nhũ nhi; đặc biệt là các bé sinh non. Ở trẻ em, hạ thân nhiệt thường là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng. Hoặc “báo động” giai đoạn vào sốc của một số bệnh nhiễm như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp.
Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Huy Luận, Trưởng khoa Khám Nhi – bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM cho biết: “Trường hợp hạ thân nhiệt nhẹ, trẻ em không nói được. Bé tỏ ra khá bức rức, quấy khóc… Trường hợp hạ thân nhiệt nặng sẽ ảnh hưởng rất nhiều; làm ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể. Ví dụ như làm rối loạn hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, ảnh hưởng tới hệ thần kinh…” .
Bác sĩ cũng đưa ra những lời khuyên để xử lý khi gặp tình hướng này. Đó là làm thông đường thở cho trẻ nhỏ, chẳng hạn như hút mũi đàm nhớt. Kế đến là đưa trẻ vào nơi có nhiệt độ ấm hơn. Và sau cùng là liên hệ hoặc đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay.
Chương trình Câu chuyện cuộc sống và Lời cảnh báo phát sóng vào 19h50 thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh THVL1. Trong đó Lời Cảnh Báo phát sóng thứ hai và thứ tư, Câu Chuyện Cuộc Sống” phát sóng thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu.
Tiếp Thị Gia Đình