Cảnh giác với những “chiếc bẫy” cho vay tiêu dùng

“Tiêu dùng, mua sắm, sửa nhà, mua xe? Bạn đang cần vay tiền để giải quyết nhu cầu? Đó là những lời chào ngọt ngào trước "chiếc bẫy" mang tên vay tiêu dùng

Dạo quanh một số tuyến phố, thậm chí đi vào vài ngõ ngách ở Hà Nội và TP. HCM, ta dễ dàng bắt gặp các mẩu quảng cáo dịch vụ cho vay tiền dán chằng chịt trên tường. Còn ở các ngã tư lớn, có cả băng-rôn màu đỏ với dòng chữ nổi bật: “Ngân hàng 100% vốn nước ngoài, mức cho vay, số điện thoại liên hệ…”.

Không dừng lại ở đó, quảng cáo dịch vụ cho vay tiền còn oanh tạc trên nhiều diễn đàn mạng. Chỉ cần gõ từ khóa “vay tiêu dùng” và nhấp chuột sẽ cho ra hàng tá các địa chỉ cho vay tiền. Nơi nào cũng tuyên bố “lãi suất thấp” kèm theo những ưu đãi như thủ tục đơn giản, không cần thế chấp tài sản, không cần bảo lãnh, hồ sơ photocopy không cần công chứng, giải ngân nhanh chóng trong vòng 24 giờ.

TRẢI THẢM CHO NGƯỜI CÓ NHU CẦU

Gọi theo số điện thoại 016752..xx.. trên một tờ rơi với lời quảng cáo “Vay ngân hàng quốc tế”, chúng tôi được tư vấn mức lãi suất 1,6%/tháng với kỳ hạn trả nợ 2–4 năm. “Chị chuẩn bị cho em hồ sơ gồm chứng minh nhân dân, hộ khẩu photocopy, bảng lương hợp đồng lao động. Nếu công ty chị nằm trong danh sách ưu tiên bên em thì không cần hợp đồng lao động. Nếu chị muốn tất toán trước kỳ hạn sẽ chỉ bị phạt 1% của tổng số nợ còn lại thôi. Cái này khi làm hợp đồng, bên em sẽ cam kết”, anh này tư vấn. Khi chúng tôi gặng hỏi thêm mức lãi suất liệu có biến động theo thị trường thì nhận được câu trả lời “Nếu có thay đổi bên em sẽ… gọi điện thông báo”.

Trong vai sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi tiếp tục tới một địa chỉ nằm trên đường Láng (Q. Đống Đa, Hà Nội) để vay tiền. Người chủ nói chỉ cần để lại thẻ sinh viên, lịch học, bảng điểm là được vay khoảng 4 triệu đồng, lãi suất 5.000 đồng/ triệu/ ngày. “Cần nhiều tiền hơn thì mang… laptop tới đây”, anh ta mời mọc. Lấy lý do cần giữ laptop cho việc học, chúng tôi rút êm.

ÁC MỘNG TRẢ LÃI

Nhận được một tờ rơi cho vay tiêu dùng tại cửa phòng trọ đúng lúc cần tiền, cậu sinh viên Nguyễn Đăng Mạnh đã gọi đến số điện thoại in trên tờ rơi ngỏ ý vay 10 triệu đồng. Rất nhanh chóng, Mạnh được vay tiền ngay. Cậu nghĩ đơn giản: “Mỗi tháng đi làm thêm được hơn 1 triệu đồng cộng với ăn tiêu tiết kiệm tiền bố mẹ ở quê gửi ra là đủ tiền trả cả gốc lẫn lãi trong vòng 10 tháng”. Thế nhưng, tính toán của Mạnh đã lạc đường.

Công việc làm thêm không được như mong muốn, khoản tiền bố mẹ gửi ra bị cắt giảm do khó khăn kinh tế, cậu gần như không đủ khả năng trả nợ mỗi tháng. Lúc này, đánh vào tâm lý hoảng sợ của Mạnh, chủ nợ đã ép cậu phải viết giấy vay nợ mới với mức lãi suất mới, nếu không sẽ báo lên trường hoặc tìm về tận quê đòi nợ. Theo thời gian, lãi mẹ đẻ lãi con, tổng số nợ cậu phải gánh lên tới 60 triệu đồng, Mạnh buộc phải trốn chui lủi trong sợ hãi.

Cho vay tiêu dùng lãi cao còn núp dưới dạng mua hàng trả góp. Được tư vấn lãi suất 2%/tháng, tức 24%/năm, anh Trần Bảo Ngọc (ngụ tại Giảng Võ, Hà Nội) đã quyết định mua trả góp chiếc laptop tặng vợ. Nào ngờ từ ngày rinh chiếc laptop về nhà cũng là lúc anh bị tra tấn bởi những cuộc điện thoại đòi tiền.

“Lãi suất 24% đó hóa ra chỉ được áp dụng cho tháng đầu tiên, còn về sau bị đội lên thành 66%, tôi hỏi thì họ giải thích: “Thay đổi lãi suất theo sự biến động của thị trường”. Bực nhất là trước hạn trả tiền mấy ngày, từ 7 giờ 30 sáng đến 9 giờ tối, nhân viên bên công ty tài chính liên tục gọi điện cho tôi giục trả tiền, thậm chí họ có những lời lẽ hăm dọa rồi cúp máy hoặc nhá máy, nhắn tin bất kể giờ giấc. Khách hàng có muốn phản hồi lại cũng không được vì họ không bao giờ nghe máy. Họ còn gọi cho cả bố mẹ, người thân, bạn bè của tôi, khiến mọi người tưởng tôi làm ăn có vấn đề”, anh Ngọc bức xúc.

Tháng cuối cùng, anh Ngọc ra ngân hàng chuyển tiền vào thứ Bảy, hôm đó vẫn đúng thời hạn nhưng bên cho vay khăng khăng anh đóng muộn và bắt nộp phạt 1 triệu đồng. “Khoản phạt quá vô lý nên tôi nhất quyết không nộp. Họ kỳ kèo đòi tiền phạt tận năm tháng sau đó mới thôi”, anh Ngọc kể.

Đang trong lúc khó khăn, chị Nguyễn Ngọc Thắm (ngụ tại Q. Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được điện thoại của cô nhân viên tài chính tư vấn cho vay tới 30 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng, kỳ hạn trả nợ 24 tháng. Nhẩm tính mỗi tháng chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng trả nợ mà có thể giải quyết được khó khăn trước mắt, chị Thắm đã đặt bút ký hợp đồng.

Đến tháng trả nợ, chị Thắm mới ngớ ra vì lãi suất vọt lên 6%/tháng. Hóa ra trong lúc nóng vội, chị đã không để ý dòng chú thích lãi suất tăng lên theo biến động của thị trường được bên cho vay ghi rất nhỏ. Cố gắng thanh toán được 5 tháng, chị Thắm xin trả cả gốc lẫn lãi để thanh lý hợp đồng cho đỡ nhức đầu. Lúc này, nhân viên công ty tài chính lập tức đổi giọng thông báo tổng số tiền còn lại chị phải trả vẫn cao hơn cả tiền gốc đã vay vì tính cả tiền phạt thanh lý sớm hợp đồng.

Trên diễn đàn Hội những người cảnh giác với tài chính PPF, hàng trăm thành viên thi nhau kể về nỗi bức xúc mang tên “trả góp”, “vay tiêu dùng” mà họ lỡ vướng phải. Lãi suất thường tăng gấp đôi, gấp ba so với lời tư vấn ban đầu. Nếu muốn thanh lý hợp đồng trước thời hạn, họ sẽ bị phạt, càng sớm thì số tiền phạt càng cao.

ĐỂ KHÔNG RƠI VÀO VÒNG XOÁY NỢ NẦN

Theo luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon, có tới 60% đơn thư gửi tới công ty ông là các vụ việc vay nợ cá nhân hoặc cá nhân vay tiền của các tổ chức tài chính. Rất nhiều người trong số đó là sinh viên, dân văn phòng.

“Thủ tục vay tiền đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng, dễ dàng giải quyết món nợ, nhu cầu mua sắm trước mắt là lý do chính khiến nhiều người sa chân vào cái bẫy vay tiêu dùng. Người vay thường không tìm hiểu các điều kiện ràng buộc, lãi, phạt ra sao mà chỉ quan tâm đến nhu cầu vay, đến khi xảy ra tranh chấp, phát sinh lãi không như tư vấn ban đầu thì mới tá hỏa đọc lại các điều khoản trong hợp đồng. Chúng tôi nhận thấy nhiều nạn nhân tuy đã trả được nợ gốc nhưng bên cho vay xiết tiền lãi bằng cách ép nạn nhân phải viết thêm giấy vay nợ. Tiền gốc vay ban đầu có thể nhỏ nhưng tiền lãi và những điều khoản ràng buộc khiến nhiều con nợ không thể thoát được vòng xoáy nợ nần. Con nợ do mặc cảm với gia đình, bạn bè, sợ bị trả thù nên ít người nghĩ đến chuyện tố cáo với cơ quan chức năng. Mặt khác, việc đòi nợ rất dễ xảy ra chuyện ẩu đả, gây thương tích. Nguy cơ từ vay nợ dân sự dẫn đến vụ án hình sự là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, luật sư Minh Long nhận định.

“Vay tiền là giao dịch dân sự, pháp luật chỉ can thiệp được khi vụ việc vỡ lở hoặc có chứng cứ hình sự. Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến ngân hàng, quỹ tín dụng để được tư vấn cụ thể về lãi suất, trả nợ. Mất thời gian hơn một chút nhưng an toàn hơn rất nhiều so với việc đi vay tín chấp, tiêu dùng ở ngoài. Theo sự cạnh tranh và phát triển của các ngân hàng thương mại, hiện đã có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng có điều kiện thuận lợi hơn với lãi suất dễ chịu hơn so với vay ngoài. Tốt nhất, cần có sự tư vấn của những người hiểu biết về kinh tế, luật pháp trước khi vay, để tránh tình trạng đặt bút ký rồi vướng vào vòng xoáy nợ nần”, ông Long khuyến cáo.

VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VAY TÍN CHẤP

Hiện ACB có ba gói vay tín chấp: vay tín chấp lẻ, vay tín chấp đối với cán bộ công nhân viên tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, vay tín chấp đối với cán bộ công nhân viên của đơn vị có hợp tác với ACB. Ưu điểm của những gói vay tín chấp là không cần tài sản đảm bảo, số tiền vay đến 500 triệu đồng và 15 lần thu nhập, thời hạn vay đến 60 tháng với lãi suất thấp (hiện trong khoảng 0,75–0,83%/tháng), hồ sơ vay bao gồm chứng minh nhân dân và hộ khẩu/ KT3, hợp đồng lao động, bảng lương hoặc sao kê lương.Ngân hàng Vietbank cũng có gói vay tiêu dùng lên đến 12 lần thu nhập, không cần tài sản đảm bảo, thời gian cho vay tối đa 36 tháng. Số tiền vay tín chấp của ngân hàng VIB lên tới 300 triệu đồng, thời gian vay tối đa 36 tháng.

20150403_VayTieuDung_01

Những lời mời chào hấp dẫn như thế này xuất hiện khắp mọi nẻo đường

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua