Bạn T. M. Phương, một nhân viên văn phòng ở TP. HCM, kể: “Nhiều khi vừa tới công ty, tôi hoảng hồn lục túi xách ngay vì sợ mình bỏ quên điện thoại ở nhà. Điện thoại tôi cũng cài sẵn Facebook nên cứ có tin nhắn, comment, điện thoại lại báo. Đang làm việc, tôi quay ra chat 3–5 phút. Tôi cũng thường phải kiểm tra điện thoại dù chẳng nghe thấy tiếng bíp báo có tin nhắn hoặc cuộc gọi”. Rõ ràng ít ai bỏ mặc chiếc điện thoại thông minh cả ngày. Điện thoại đang trở thành thiết bị khó có thể thiếu đối với nhiều người, ngay cả khi bạn ăn tối cùng gia đình, gặp gỡ bạn bè và cả khi đến chùa, lớp học, trong toilet hay khi họp. Nhiều người cho biết sau khi cầm điện thoại, bản thân đã rất khó để tập trung khi quay trở lại công việc.
MẤT TẬP TRUNG
Từ góc độ người quản lý, chị Lan Khuê, giám đốc một công ty truyền thông, nhận định: “Tôi thấy nhân viên ngày nay làm việc kém hiệu quả hơn thế hệ nhân viên trước đây. Bộ phận nào cũng đòi tuyển thêm người, nhân sự đông mà hiệu quả chẳng tốt hơn. Các bạn rất dễ bị xao lãng, như ở một cuộc họp, trong khi tôi hướng dẫn cách làm việc, nhiều nhân viên vẫn nghe điện thoại, lướt mạng xã hội. Kết quả, sau cuộc họp, nhân viên không biết sếp đã nói gì, cứ ý mình mà làm và gây ra sai lầm. Tôi đã nhiều lần nói về vấn đề này mà vẫn không có sự thay đổi. Cuối cùng, tôi phải cấm mang điện thoại vào phòng họp”.
Để có kết quả khách quan, TTGĐ khảo sát 50 bạn đọc: “Bạn có thấy gần đây khả năng tập trung chú ý của mình giảm đi?”. Cả 50 bạn đều trả lời “có” với vô số lý do như mạng xã hội, tiếng ồn, stress và đặc biệt là do tác hại của việc sử dụng điện thoại quá nhiều.
CHIẾM THỜI GIAN
Chúng ta đang bận rộn hơn bao giờ hết. Một người thời nay đang làm việc bằng 10 người của 30 năm trước đây. Do vậy, để hoàn thành công việc, bạn phải cần những phương tiện kết nối nhanh chóng như điện thoại. Từ đó, thói quen sử dụng điện thoại hình thành và nếu không kiểm soát tốt, bạn dễ bị lệ thuộc tới mức “chia tay người yêu chứ không chia tay điện thoại”. Nicholas Carr, tác giả chuyên viết về ảnh hưởng của thiết bị công nghệ và Internet đến xã hội và cá nhân, giải thích: “Bản năng con người là muốn biết hết mọi thứ đang diễn ra và sẽ rất khó chịu nếu bỏ lỡ bất cứ thông tin nào”. Do đó, bạn khó cưỡng lại sức hấp dẫn của điện thoại, phải truy cập chúng nhiều lần để nắm thông tin.
Nhằm kiểm tra thói quen truy cập điện thoại của mọi người, Đại học Nottingham Trent, Anh, đã yêu cầu những người 18–33 tuổi đoán số lần và thời gian họ dùng điện thoại trong ngày. Sau đó, trên điện thoại của những người này cài ứng dụng kiểm tra số lần sử dụng và kết quả cho thấy trung bình, một người truy cập điện thoại 85 lần/ ngày, cao gấp đôi số lần đoán của người sử dụng. Và hơn một nửa số lần đó dùng kéo dài ít nhất 30 giây. Nghiên cứu cho thấy việc bạn truy cập điện thoại đã ngốn hết 5 giờ, 1/3 thời gian bạn thức mỗi ngày, thời gian vàng để bạn vun vén hạnh phúc, tự rèn luyện và cống hiến.
MẤT HIỆU SUẤT LAO ĐỘNG
Đã có nhiều bài nói về tác hại của việc sử dụng điện thoại quá nhiều dẫn đến mất kết nối cảm xúc giữa vợ chồng, con cái, bạn bè, khiến chúng ta trở nên xa cách, khó giao tiếp, rơi vào tâm trạng cô đơn, ghen tuông, lo lắng. Song, điện thoại còn gây ra một vấn đề khác nghiêm trọng không kém và đang là nỗi đau đầu ở các doanh nghiệp đó là làm mất tập trung, giảm hiệu suất làm việc.
Một nghiên cứu trên 2.000 người ở Canada và hoạt động não của 112 người tiết lộ, khả năng tập trung trung bình của con người đã giảm từ 12 giây vào năm 2.000 xuống còn 8 giây. Khả năng này còn kém hơn cả cá vàng (tập trung được 9 giây) vốn được xem là loài dễ xao nhãng. Làm sao bạn có thể tập trung vào công việc nếu chốc chốc bạn phải mở điện thoại, xem và ngẫm nghĩ về các thông tin vừa nhận? Tập trung chú ý là kỹ năng cần thiết trong mọi công việc. Bạn cần phải tập trung để hiểu, ghi nhớ ý của người khác, để suy nghĩ và đưa ra hướng giải quyết đúng. Kỹ năng này có thể xem là điều kiện để trí não hoạt động và tư duy.
ĐA NHIỆM CÓ HIỆU QUẢ?
Nhiều bạn vẫn chơi điện thoại trong cuộc họp, khi được nhắc nhở sẽ nói: “Tôi vẫn nghe được mà, cứ nói đi. Tôi đa nhiệm lắm”. Vậy cái gọi là “con người đa nhiệm” (người có thể làm nhiều việc cùng lúc) có tồn tại? Theo nghiên cứu của giáo sư người Anh, Glenn Wilson, nếu bạn rơi vào tình huống tập trung vào việc mà nhận thấy có e-mail chưa đọc, chỉ số thông minh của bạn giảm tới 10 điểm. Lý do vì quá trình chuyển từ việc này sang việc kia làm cạn kiệt năng lượng của não, khiến não mệt mỏi và mất định hướng. Nếu cứ lặp đi lặp lại, những chuyển đổi này sẽ dẫn đến lo lắng, làm giải phóng hormone cortisol gây hại não. Não bị “tấn công” từ nhiều hướng sẽ đưa ra quyết định không sáng suốt, năng suất làm việc ì ạch, không có bứt phá và sáng tạo.
Thêm vào đó, trong thực tế, rất nhiều người nói oang oang, để chuông tin nhắn lớn tiếng khi sử dụng điện thoại ở nơi làm việc làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của cả những người xung quanh. Nếu bạn cứ dùng điện thoại như thế, doanh nghiệp hay chính bạn là người thiệt thòi? Là cả hai, nhưng người chịu tác động trước nhất là chính bạn. Trong thời buổi quá trình đào thải nhân lực đang diễn ra cực nhanh này, nếu cứ mải chơi điện thoại, làm việc không hiệu quả, bạn sẽ bị đào thải.
THOÁT KHỎI KIỀM TỎA
Bạn có loại bỏ được thói quen “ôm” điện hay không phụ thuộc vào ý thức tự giác của bạn. Nếu bạn nhắc nhở mình “không lướt điện thoại trong cuộc họp bởi sếp sẽ đánh giá mình thiếu chuyên nghiệp, không biết lắng nghe, thiếu tinh thần học hỏi và không tôn trọng sếp”, bạn sẽ có động lực để nói tạm biệt chiếc điện thoại trong những tình huống không cần thiết.
Trong một ngày, mỗi người có 2 giờ làm việc hiệu quả, tập trung cao độ nhất. Lúc này, bạn hãy tắt điện thoại, hoặc để ở chế độ im lặng tuyệt đối để tập trung vào công việc, gia tăng hiệu quả làm việc. Nhiều bạn cho biết bản thân đã ngắt kết nối wi-fi, 3G vì chính mạng Internet mới làm điện thoại trở nên thật sinh động và thú vị. Ngoài ra, trừ khi bạn đang ở trong tình trạng khẩn cấp như nhà có người ốm, bệnh, công việc đến deadline…, bạn nên tập “cai” không check điện thoại theo thời gian tăng dần. Bắt đầu với 15 phút, rồi 30 phút, tới 60 phút. Mọi thói quen đều có thể tập từ từ nếu bạn muốn thay đổi để công việc của mình hoàn thành ở mức tốt nhất. Nói như giáo sư tâm lý Cary Cooper, Đại học Lancaster thì: “Tôi không nói bạn phải từ bỏ thiết bị công nghệ này nhưng tôi nghĩ, bạn nên biết cách quản lý nó thay vì để nó quản lý bạn”.
Trắc nghiệm bạn có nghiện điện thoại?
Hãy trả lời những câu hỏi dưới đây với đáp án “Có” hoặc “Không”
1. Bạn có không yên tâm, khi không liên tục truy cập điện thoại thông minh?
2. Bạn phải mang theo điện thoại bên mình 24/7?
3. Bạn không thể thiếu điện thoại dù chỉ một ngày?
4. Bạn vừa truy cập điện thoại, vừa ăn hoặc xem ti-vi?
5. Bạn cuống cuồng lo lắng khi điện thoại sắp hết pin?
6. Bạn mang cả điện thoại khi vào nhà vệ sinh?
7. Nếu đến một nơi không có wi-fi, bạn cực kỳ thất vọng?
8. Nếu không mang điện thoại, bạn sợ khi gặp chuyện sẽ không tìm được người giúp đỡ?
9. Chỉ cần hết bận rộn là bạn kiểm tra điện thoại ngay?
10. Nếu phát hiện điện thoại sắp hết pin, bạn đi lấy cục sạc ngay?
11. Nếu lỡ quên điện thoại ở nhà, bạn hoảng sợ, lập tức về lấy?
12. Bạn buồn khi kiểm tra điện thoại mà không thấy một tin nhắn hoặc cuộc gọi nhỡ?
13. Bạn bồn chồn nếu không lên mạng xã hội thường xuyên?
14. Bạn lo lắng vì không thể kiểm tra e-mail?
15. Lúc rảnh, bạn phải cầm điện thoại dù không đợi tin ai?
16. Bạn cần phải sạc điện thoại rất nhiều lần trong ngày?
17. Điều đầu tiên bạn làm sau khi thức dậy và điều cuối cùng bạn làm trước khi đi ngủ, là kiểm tra điện thoại?
18. Bạn thấy điện thoại có tín hiệu nhưng thực tế chỉ là tưởng tượng?
19. Tham gia một cuộc họp quan trọng nhưng bạn vẫn lướt điện thoại?
KẾT QUẢ:
Nếu bạn trả lời có dưới 5 câu, bạn hoàn toàn không có vấn đề gì với điện thoại di động.
Từ 6—10 câu trả lời có: Bạn bắt đầu thích điện thoại di động.
Từ 10—15 câu trả lời có: Bạn bắt đầu có dấu hiệu nghiện điện thoại.
Từ 16—19 câu trả lời có: Bạn đã nghiện nặng.
Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình