Cảnh báo: Kẻ lạ đâm vật nhọn khiến người đi đường bị phơi nhiễm HIV tại cầu Nguyễn Văn Cừ

Những ngày gần đây, nhiều người phơi nhiễm HIV do bị một đối tượng chạy xe máy, dùng vật sắc nhọn đâm vào người khi di chuyển qua cầu Nguyễn Văn Cừ và Quận 5, TP. HCM

Trước đó, BV Bệnh Nhiệt đới TP. HCM đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng thông báo: từ ngày 23/3 đến đầu tháng 4, bệnh viện này đã tiếp nhận 10 người dân đến tư vấn, điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV; do bị một người đàn ông lạ mặt dùng vật sắc nhọn gây thương tích nhiều nơi trên người như tay, lưng ở nhiều nơi ở quận 5.

Khu vực xảy ra nhiều nhất là ở cầu Nguyễn Văn Cừ, Quận 5. Đặc biệt, trong ngày 30/3, có đến 5 người dân đến bệnh viện; do cùng bị người này tấn công để tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.

Bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM, cho biết:  “Từ ngày 23.3 đến ngày 1.4 chúng tôi báo cáo cho Sở Y tế TP 9 trường hợp và sau đó 2 ngày lại xảy ra một trưởng hợp nữa. Có ngày cao điểm đến 5 người”, bác sĩ Hùng nói. Sáng nay (8/4), Công an quận 5, TP.HCM xác nhận đã triệu tập thanh niên nghi dùng vật nhọn đâm vào người đi đường, khiến họ bị phơi nhiễm HIV.

Theo anh L.H, một người bị phơi nhiễm HIV,  anh hoàn toàn không quen biết đối tượng này. Anh chỉ biết đó là một người đàn ông trung niên, trạc 40 tuổi, thường đi lại những đoạn đường khu trước trường ĐH Khoa học tự nhiên TP. HCM, trường ĐH Sài Gòn; nhất là khúc đường Nguyễn Văn Cừ, từ cầu Nguyễn Văn Cừ đến vòng xoay Nguyễn Văn Cừ – Nguyễn Thị Minh Khai – Lý Thái Tổ – Trần Phú (Q. 5, TP. HCM).

Làm gì khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV?

Đối với tổn thương da dẫn đến chảy máu: Xối ngay vết thương dưới vòi nước chảy. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn mà không nặn bóp.

Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javel 1/10, hoặc cồn 700) trong thời gian ít nhất 5 phút.

Trường hợp phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút.

Phơi nhiễm qua miệng, mũi: Rửa, nhỏ mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9 %. Xúc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9 % nhiều lần.

Sau đó đến bệnh viện kiểm tra. Nêu rõ ngày giờ, hoàn cảnh xảy ra.

Khi xảy ra sự cố phơi nhiễm, cần xử lý kịp thời tại vết thương và dùng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt. Nếu dùng thuốc trễ (sau 72 giờ đầu) thì không có hiệu quả. Người bị phơi nhiễm cần làm các xét nghiệm HIV sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua