Cảnh báo: Đừng dại chơi bóng cười vì tác hại ghê người!

“Bóng cười” là một chất kích thích được giới trẻ sử dụng để tăng sức hưng phấn, vui vẻ. Tuy nhiên, nó có tác hại rất khôn lường

Năm 2017, một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên địa bàn phường Lạch Tray; quận Ngô Quyền, Tp. Hải Phòng khiến nhiều người bị thương nặng. Tại hiện trường, người dân phát hiện một nam thanh niên ngậm bóng cười khi đang lái xe. Lãnh đạo công an quận Ngô Quyền đã xác nhận; trước khi tham gia giao thông, nam thanh niên có sử dụng một quả bóng cười; dẫn đến mất hành vi điều khiển và gây tai nạn cho người đi đường.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip gần 1 phút; cảnh 3 thanh niên ngồi, nằm vật vờ trên phố đi bộ Bùi Viện (Q. 1, Tp. HCM). Trong đó có 1 thanh niên bị co giật, sủi bọt mép, la hét mất kiểm soát. Một thanh niên đứng không vững, chân run, được một số người đến dìu. Người thanh niên còn lại ngồi úp mặt xuống mặt đường, bất động. Sự việc xảy ra khiến đám đông chứng kiến lo sợ tính mạng các nạn nhân sẽ gặp nguy hiểm; nên đã liên lạc với công an khu vực.

Khi nhận tin báo sự việc, công an phường Phạm Ngũ Lão đã có mặt; kịp thời đưa 3 thanh niên đi viện cấp cứu. Cả ba đã tỉnh táo và về nhà. Trưởng công an phường cho hay; họ đã uống nhiều rượu và chơi “bóng cười”, cỏ Mỹ nên xảy ra tình trạng nói trên.

Hiện nay, trong các bữa tiệc; rất nhiều bạn trẻ đang tỏ ra hào hứng khi sử dụng “bóng cười”. Đây là chất kích thích để tăng cảm giác bay bổng, vui vẻ trong các bữa tiệc. Tuy nhiên, khi lạm dụng, nó sẽ có tác hại khôn lường.

bóng cười

Rối loạn thần kinh và tổn thương não bộ vĩnh viễn

Bóng cười (hay gọi là Funkyball) là quả bóng bay bơm “khí cười” Nitrous oxide N2O. Khi người chơi dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng, hít rồi thổi ngược ra cho quả bóng to lên; khí N2O vào cơ thể tạo cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười.

Khí N2O là hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất; nó được sử dụng để gây mê toàn thân cho bệnh nhân. Hiện nay trong y học, chất này ít được sử dụng đơn độc; mà thường phối hợp với các thuốc gây mê khác như một chất gây tê, giảm đau. Ở nồng độ thấp, N2O vào cơ thể kích hoạt trung tâm gây cười trong não; gây hiệu ứng sảng khoái, vui vẻ duy trì trong 2-3 phút.

Tuy nhiên, khi hít liên tục, loại “khí cười” sẽ tạo ra hưng phấn ảo; rất giống cảm giác phê ma túy. Nếu sử dụng nhiều trong thời gian dài có thể gây nghiện; ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh.

Tùy theo cơ địa, “bóng cười” khiến người dùng lờ đờ, ngơ ngơ, đi đứng loạng choạng; rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim, thiếu máu. Khi đó dây thần kinh ngoại biên cũng như thần kinh thực vật giảm hoạt động, bị trơ hoặc mệt mỏi.

Khi đã quen cảm giác “phê” ảo giác, người dùng rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn; như ma túy, cỏ, thuốc lắc. Ở thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển; thần kinh còn chưa ổn định, việc lạm dụng loại “khí cười” này rất nguy hiểm. Nó có thể gây rối loạn thần kinh và đặc biệt là tổn thương não bộ vĩnh viễn.

Những người có bệnh tim mạch, nhạy cảm về thần kinh nếu sử dụng “bóng cười” sẽ rất dễ bị sốc; và ảnh hưởng hoạt động của tim. Ngoài ra, khí N2O có thể bị pha lẫn với NO, NO2 rất có hại cho cơ thể. Đặc biệt là khí NO2. Đây là một loại khí rất độc, gây viêm phổi, phá hủy dây khí quản và gây tử vong.

Không thử dù chỉ 1 lần

Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, “khí cười” N2O cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức; làm giảm tầm nhìn và thính giác. Hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy. Đặc biệt, người mắc bệnh hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp; hít N2O nhiều và lâu có thể dẫn tới ngừng thở.

Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khí N2O do hít bóng cười trong thời gian dài. Bệnh nhân nhập viện không chỉ có các biểu hiện rối loạn cảm giác, giảm vận động, tê bì chân tay; đi lại không vững, mà còn bị tổn thương tủy sống, mất tủy, tổn thương hệ thần kinh do lạm dụng “bóng cười”.

Các bác sĩ trên thế giới cũng cảnh báo hít “bóng cười” hay “khí cười”; không những ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà còn dẫn tới trầm cảm hoặc tử vong nếu lạm dụng.

Năm 2010, nữ diễn viên Mỹ Demi Moore sau khi hít bóng cười trong buổi tiệc; đã nhập viện với triệu chứng co giật, run rẩy. Cuối năm 2012, một sinh viên trường Đại học Illinois là Benjamin Collen 19 tuổi; đã tử vong vì bị ngạt “khí cười”.

Tại Việt Nam, N2O là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương. Theo đó, N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất; kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục 2 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Hóa chất).

Do vậy, Bộ Công an cho biết, việc nhập khẩu, mua bán chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội… vẫn được thực hiện, nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật.

Sử dụng “bóng cười” tuy chưa có điều luật hay quy định cấm, song việc mua bán, sử dụng bóng cười cho người là sai phạm, vì trước tiên gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng và N2O không được cấp phép để mua bán, sử dụng cho người.

Bài: VCT
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua