Cẩn trọng khi trẻ bị chảy máu cam vào mùa nóng

Thời tiết thay đổi, bụi bẩn là tác nhân khiến trẻ bị chảy máu cam. Tuy nhiên, những bệnh lý tiềm ẩn cũng gây ra hiện tượng trên. Do đó, bố mẹ chớ nên ỷ y khi thấy con có triệu chứng trên

Mỗi khi thời tiết nóng là cháu Ngọc Trang, 6 tuổi, con chị Minh Hiền, nhà ở Q. Thủ Đức, TP. HCM, bị chảy máu cam. Nghe nhiều người mách, chị Hiền nghĩ trẻ bị chảy máu cam do bị nhiệt nên đi mua đậu đỏ về nấu nước cho bé Trang uống. Sau khi uống nước đậu đỏ khoảng một, hai ngày, Trang không còn chảy máu cam nữa. Hiện tượng này lặp lại nhiều lần khoảng hai năm. Một tháng gần đây, chị Hiền lo lắng khi bé Trang liên tục bị chảy máu cam. Có tuần cháu bị chảy máu đến ba lần và biếng ăn.

NGUY CƠ TỪ VIỆC MẸ Ỷ Y

Lo lắng cho con, chị Hiền lập tức đưa con đến bệnh viện. Tại đây, chị nghe tin sét đánh, các bác sĩ chẩn đoán bé Trang bị u xơ vòm mũi họng. Hiện bé đang được điều trị tại khoa Tai – Mũi – Họng của bệnh viện Đa khoa Thủ Đức. Nhìn con gầy còm nằm trên giường bệnh, chị Hiền ôm nỗi ân hận vì đã không đưa con đi chữa sớm khi phát hiện chảy máu cam.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam như viêm mũi, bụi bẩn, không khí quá lạnh, ngoáy mũi mạnh, chấn thương mũi do bị ngã. Những tác động trên làm những mạch máu nằm bên dưới niêm mạc bị rách, gây chảy máu.

Mẹ dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ thường xuyên cũng không tốt. Niêm mạc mũi sẽ mất lớp nhầy bảo vệ. Do đó các mạch máu ở mũi của trẻ dễ bị tổn thương, chảy máu.

CHẢY MÁU CAM DO BỆNH LÝ 

Ngoài các tác động trên, một số bệnh lý như u xơ vòm mũi họng, sốt xuất huyết, thương hàn, cúm, bệnh cầu thận cấp… cũng gây chảy máu cam. Người lớn thường không phân biệt được trẻ bị chảy máu cam do bệnh lý, viêm mũi hay dị vật… Nếu bé không được chữa kịp thời sẽ bị mất nhiều máu. Đối với trẻ chảy máu cam do bệnh lý, triệu chứng chảy máu sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần, lượng máu ngày càng nhiều.

Với những trẻ mắc bệnh u xơ vòm mũi họng, nếu để lâu ngày không phát hiện sớm, khối u sẽ phát triển lớn trong vòm mũi họng khiến trẻ khó thở, nói giọng nghẹt. Ngoài ra, trẻ bị chảy máu cam do bệnh lý thường gầy ốm, chán ăn, kiệt sức, kèm theo những triệu chứng sốt, đau nhức.

Nếu trẻ bị chảy máu cam tái phát nhiều lần, mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để thăm khám càng sớm càng tốt.

Bố mẹ hoặc người chăm sóc bé cũng cần biết cách sơ cứu khi trẻ bị cháy máu cam theo các bước sau đây:

– Trước tiên, để trẻ ngồi xuống ghế hoặc nằm. Hướng dẫn trẻ dùng hai ngón tay bịt chặt lỗ mũi và thở bằng miệng trong 10 phút để cầm máu.

– Nhắc trẻ phun máu ra khi máu chảy xuống miệng, không được nuốt máu vì có mùi khó chịu, gây nôn.

– Trong sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ cần dạy con dùng khăn bông mềm vệ sinh mũi. Không ngoáy mũi quá mạnh vì có thể khiến niêm mạc mũi bị tổn thương, gây chảy máu, nhiễm khuẩn.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua