Cẩn trọng để con bạn không đi theo tổ chức khủng bố

Thật không may nếu như con bạn đi theo tổ chức khủng bố đang bị cả thế giới lên án. Bạn cần làm gì để phòng tránh điều này xảy ra?

“Con trai yêu dấu, mẹ yêu con biết bao. Mẹ nhớ con và muốn được ôm con, ngửi thấy mùi cơ thể con, nắm đôi tay mềm của con trong tay mẹ và mỉm cười với con”, đó là đoạn tin nhắn mà chị Karolina Dam, ở Copenhagen, Đan Mạch, gửi cho con trai qua Viber trong lúc vô vọng trông tin con. Đã bảy tháng kể từ khi Lukas, con trai chị, đi theo tổ chức khủng bố, gia nhập quân IS ở Syria và chị gần như phát điên vì sợ hãi.

Khoảng một tháng sau, có người trả lời tin nhắn của chị, nhưng đó không phải là Lukas: “Tay của tôi được không, hehe”. Vì muốn biết tin của Lukas nên chị trả lời: “Cả tay cậu nữa, con trai, nhưng chủ yếu là Lukas”. Người kia hỏi: “Bà có muốn nhận tin con không?” rồi lạnh lùng thông báo một tin khiến chị sụp đổ: “Con trai bà đã tan xác”.

20151127-can-trong-de-con-ban-khong-di-theo-to-chuc-khung-bo-hinh-anh-01

Chị Karolina Dam

NỖI NIỀM CHUNG CỦA NHỮNG BÀ MẸ BỊ IS “CƯỚP MẤT” CON

Chị Dam không phải là bà mẹ duy nhất có con đi theo tổ chức khủng bố IS. Tại Calgary, Canada, chị Christianne Boudreau dành từng giây phút rảnh rỗi để xem các đoạn clip của quân IS, những trận chiến và các vụ hành quyết. Chị nhìn chăm chú vào những gương mặt trùm khăn để mong tìm thấy đôi mắt của con trai, Damian. Tại Na Uy, chị Torill nhận được tin con trai thiệt mạng từ kẻ đã đưa con chị sang Syria tham chiến. Tại Brussels, Bỉ, gia đình chị Saliha Ben Ali cũng nhận được tin con trai mất từ một số điện thoại ở Syria.

20151127-can-trong-de-con-ban-khong-di-theo-to-chuc-khung-bo-hinh-anh-04

Lukas, cậu thanh niên đi theo tổ chức khủng bố IS

Trên đây chỉ là bốn trường hợp trong số hàng nghìn bà mẹ bị IS “cướp mất” con. Phần lớn những đứa con ấy đều bí mật ra đi, để lại cho cha mẹ nỗi đau nhiều tầng lớp. Đó là sự thống khổ vì mất một đứa con. Đó là cảm giác tội lỗi vì cho rằng mình đã thiếu sót trong việc dạy dỗ con. Đó là sự xấu hổ khi đối mặt với vẻ thù ghét của bạn bè, hàng xóm. Và đó là nỗi hoang mang vì nhận ra có rất nhiều điều mình không hề biết về đứa con mình đã sinh ra cho cuộc đời này.

QUÁ TRÌNH CỰC ĐOAN HÓA

Người chồng đầu tiên của chị Boudreau bỏ đi khi Damian 10 tuổi. Từ đó cậu bé rút vào thế giới của riêng mình với chiếc máy tính. Năm 17 tuổi, Damian từng tự tử. Chỉ ít lâu sau khi xuất viện, cậu nói với mẹ rằng đã khám phá được kinh Quran và muốn theo đạo Hồi. Dù là gia đình theo đạo Thiên Chúa, chị Boudreau vẫn chấp nhận cho con cải đạo và chị đã vui mừng biết bao khi thấy Damian tìm được một việc làm đồng thời trở nên cởi mở hơn.

Năm 2011, chị Boudreau lại nhận thấy có sự thay đổi khác ở con trai. Nếu có người gọi điện, Damian thường đi ra khỏi nhà để trả lời. Cậu sẽ không ngồi ăn với gia đình nếu trên bàn có rượu. Cậu nói với mẹ rằng phụ nữ cần có đàn ông chăm sóc nên đàn ông có thể có nhiều vợ. Cậu nói đến việc giết người vì công lý. Mùa hè năm 2012, Damian dọn ra ở trọ với vài người bạn đạo Hồi mới quen ngay phía trên thánh đường Hồi giáo ở khu trung tâm Calgary. Cậu chăm chỉ đến phòng tập gym và đi bộ với các bạn cùng phòng trong khu rừng nhỏ quanh thành phố. Vào thời điểm đó, cuộc nội chiến ở Syria đang nhen nhóm và tất cả những gì chị Boudreau nhận ra ở Damian là cậu con trai rắc rối của mình đang trải qua một giai đoạn mới mà chị hy vọng sẽ giúp con trưởng thành.

Tháng 11–2012, Damian rời Canada. Cậu nói với mẹ rằng mình sang Ai Cập học tiếng Ả Rập để trở thành một giáo sỹ đạo Hồi. Chẳng bao lâu sau, cậu hoàn toàn mất liên lạc với mẹ. Đến tháng 1–2013, có hai nhân viên tình báo Canada đến tìm gặp chị Boudreau. Họ báo cho chị một tin khiến chị bủn rủn tay chân: Damian không sang Ai Cập mà đã đến Syria và gia nhập một nhánh quân al-Qaeda. Kể từ đó, việc duy nhất chị nghĩ đến là lùng sục khắp các trang mạng liên quan đến các lực lượng Hồi giáo để tìm kiếm con trai. Phần lớn những thanh niên tham gia vào các nhóm cực đoan ở Syria đều thực hiện chiến lược takfir, nghĩa là cắt đứt mọi liên lạc với những ai không có cùng niềm tin như mình, kể cả cha mẹ. Thế nhưng, đến khoảng tháng 2–2013, Damian bắt đầu gọi điện thoại cho mẹ, cách khoảng 2–3 ngày một lần, thường là khi cậu đang trong phiên gác. Có lần, cậu bảo với mẹ rằng máy bay sắp ném bom và cậu vội vã chạy đi tìm nơi trú ẩn. “Thường là bạn phải cố gắng thuyết phục chúng trở về, rồi năn nỉ, cầu xin, sau đó cố gắng trò chuyện bình thường rồi lại tiếp tục năn nỉ, cầu xin. Có lần tôi hỏi Damian nó sẽ cảm thấy thế nào nếu em nó cũng đi đến Syria? Nó đáp rằng sẽ rất tự hào. Chính lúc đó tôi nhận ra con trai mình đã biến mất và một con người khác đang sống trong cơ thể nó”, chị Boudreau nhớ lại.

Một thời gian sau, chị được biết lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã tách khỏi al-Qaeda và Damian đã đi theo tổ chức khủng bố IS. Lần cuối cùng hai mẹ con trò chuyện là vào tháng 8–2013, Damian cho biết mình đang chờ đến lượt để được nhận một người vợ và một căn nhà. Một buổi chiều tháng 1–2014, chị Boudreau hay tin Damian đã bị hành quyết.

CẦN DẠY CON VỀ SỰ CỰC ĐOAN

20151127-can-trong-de-con-ban-khong-di-theo-to-chuc-khung-bo-hinh-anh-02

Ảnh minh họa

Vì chuyện con đi theo tổ chức khủng bố IS, chị Boudreau từng liên hệ với Daniel Koehler, một chuyên gia hóa giải cực đoan người Đức. Trước đây, ông thường giúp những người bị cuốn theo phong trào phát xít cực đoan tỉnh ngộ, còn trong những năm gần đây, ông chuyển sang làm việc với các phần tử Hồi giáo cực đoan và gia đình của họ. Sau khi Damian chết, ông Koehler thường xuyên liên hệ với chị Boudreau hơn vì ông muốn giúp chị hiểu ra chuyện gì đã xảy ra với con trai mình.

Sáu tháng sau cái chết của Damian, chị Boudreau đã đến thăm ông Koehler ở Berlin, Đức. Tại đây, chị gặp gỡ ba người mẹ khác cũng có con bị thiệt mạng sau khi gia nhập các nhóm cực đoan ở Syria. Tất cả đều mang theo những tập ảnh và chia sẻ nhiều ký ức về con trai mình. Họ phát hiện ra câu chuyện cực đoan hóa của các con họ có những điểm chung. Trò chuyện với các bà mẹ kia khiến chị Boudreau cảm thấy như “đám mây đen bắt đầu tan biến”.

Sau khi trở về nhà, chị Boudreau đã lao vào hành động vì chị nhận ra câu chuyện của gia đình chị cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai khác. Với sự giúp đỡ của Koehler, chị thành lập hai tổ chức, Hayat Canada và Mothers for Life để giúp đỡ những bậc phụ huynh của các đối tượng thanh niên cực đoan. Chị đi khắp Canada để nói chuyện với các giáo viên, học sinh và các sở cảnh sát về cách nhận biết những dấu hiệu cực đoan ở bạn bè, người thân và cách ứng phó với chuyện đó.

“Chúng ta giáo dục con cái chúng ta về ma túy, tình dục, rượu và nạn bắt nạt cùng nhiều chuyện khác, nhưng chúng ta không hề giáo dục bọn trẻ về cái gọi là sự cực đoan”, chị nhấn mạnh.

MẸ LÀ NHÂN TỐ QUAN TRỌNG ĐỂ CỨU CON

Ông Koehler nhận định, những thay đổi mà chị Boudreau nhận thấy ở con trai chính là một quá trình cực đoan hóa điển hình. Với nhóm tôn giáo cực đoan hay nhóm phát xít cực đoan, các giai đoạn của nó đều giống nhau.

Đầu tiên, kẻ được tuyển chọn vô cùng hạnh phúc vì tìm ra con đường để nhìn nhận cuộc đời. Cho rằng mình đã được khai sáng, người ấy sẽ cố gắng thay đổi những người xung quanh, đơn cử như những phần tử Hồi giáo cực đoan trong vài năm gần đây muốn làm cho người thân quan tâm đến nỗi thống khổ của người dân Syria.

Bước thứ hai là giai đoạn đáng sợ hơn, kẻ giác ngộ nhận ra những người thân yêu không tiếp nhận thông điệp của mình. Đây là lúc nảy sinh mâu thuẫn gia đình với các cuộc tranh cãi về quần áo, bia rượu, âm nhạc. Người ấy bắt đầu cân nhắc lời khuyên của những kẻ cùng chí hướng rằng cách duy nhất để được sống với niềm tin của mình là đi đến một đất nước Hồi giáo. Cuối cùng, người ấy bán hết những gì mình có và theo đuổi một chương trình rèn luyện thể lực hoặc võ thuật. Do cảm giác bị dồn nén chất chồng, nỗi khao khát được hành động của người ấy cũng ngày càng lớn cho đến lúc anh ta bắt đầu xem bạo lực là giải pháp duy nhất.

Theo ông Koehler, có hai nhóm người có khả năng tiếp cận những thanh niên cực đoan và đưa họ quay lại đường chính, đó là những người từng trải qua thời kỳ cực đoan và các bà mẹ.

“Người mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc thánh chiến của đạo Hồi. Mohammed dạy rằng: “Thiên đàng nằm dưới chân các bà mẹ”. Bạn phải xin phép mẹ để tham gia thánh chiến hoặc nói lời tạm biệt”, Koehler giải thích. Ông cho biết đã từng tiếp xúc với những chiến binh cố gắng gọi cho mẹ qua Skype nhằm nói lời vĩnh biệt hoặc “cảm hóa” mẹ để hai mẹ con có thể gặp nhau trên thiên đường.

Women Without Borders, một tổ chức phi chính phủ của Áo, hiện đang phát động chiến dịch “trường học dành cho các bà mẹ” ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Hồi giáo cực đoan như Pakistan và Indonesia để hướng dẫn các bà mẹ cách giữ con mình không bị cực đoan hóa. Tổ chức này hiện đang xây dựng thêm 5 trường học dành cho các bà mẹ ở châu Âu.

Từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra cách đây 4 năm, đã có khoảng 20.000 người nước ngoài đến Syria và Iraq để tham gia các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Trong số đó, có hơn 3.000 từ các nước phương Tây.

Bài: BẢO LONG

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua