Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ có cơ hội hòa nhập với xã hội

Trong quá trình nuôi dạy trẻ tự kỷ, quan trọng nhất là phụ huynh phải hiểu và chấp nhận tất cả những gì thuộc về con

Trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ cần được tiếp cận giáo dục đặc biệt càng sớm càng tốt. Ảnh: Shutterstock

Tự kỷ là một rối loạn não bộ xuất hiện sớm trong những năm đầu đời. Trẻ bị tự kỷ có những biểu hiện kém tương tác xã hội; bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi. Nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức rõ về các dấu hiệu báo động của tự kỷ; dẫn đến việc không phát hiện kịp thời để đưa trẻ đi chẩn đoán, sàng lọc và lên kế hoạch can thiệp.

Nhân ngày “Thế giới nhận thức về tự kỷ” 2/4; TTGĐ có cuộc trao đổi với thạc sĩ Trần Thanh Toàn – giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt của trường Cao đẳng Trung ương TP. HCM về chủ đề can thiệp giáo dục sớm cho trẻ tự kỷ đúng phương pháp và hiệu quả.

Thạc sĩ Trần Thanh Toàn – giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt của trường Cao đẳng Trung ương TP. HCM. Ảnh: NVCC

Tổng quan về chứng tự kỷ ở trẻ em

Thạc sĩ Trần Thanh Toàn chia sẻ, tự kỷ được xem là một khuyết tật bẩm sinh. Các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tự kỷ ở trẻ em. Có một số giả thuyết cho rằng đây là bệnh lý của não vì có rối loạn phát triển thần kinh. Cụ thể là thay đổi cấu trúc tiểu não, thùy trán, thùy thái dương; thiếu hụt hoạt hóa cấu tạo lưới, bất thường về sinh hóa thần kinh… do có những gen đột biến gây ra. Tuy nhiên, bệnh không phải là hậu quả của việc cha mẹ thiếu chăm sóc trẻ; hay do phản ứng phụ của vắc-xin như nhiều người vẫn nghĩ.

Tự kỷ được phân loại lâm sàng theo 5 thể.

Tự kỷ điển hình (tự kỷ Kanner) bao gồm các dấu hiệu bất thường ở cả 3 lĩnh vực: kém tương tác xã hội, kém giao tiếp; và hành vi bất thường, khởi phát trước 3 tuổi.

Hội chứng Asperger (tự kỷ chức năng cao) bao gồm kém tương tác xã hội, nói được; nhưng giao tiếp bất thường, không/chậm nhận thức, xuất hiện sau 3 tuổi.

Hội chứng Rett thường gặp ở bé gái, xảy ra khi trẻ 6 – 18 tháng, vẹo cột sống, đầu nhỏ, chậm trí tuệ nặng.

Rối loạn phân rã tuổi ấu thơ là sự thoái lùi phát triển xảy ra trước 10 tuổi.

Tự kỷ không điển hình dành cho những trẻ chỉ có bất thường một trong 3 lĩnh vực, là tự kỷ mức độ nhẹ.

Can thiệp giáo dục sớm bằng những phương pháp nào?

Trong rất nhiều phương pháp, để biết phương pháp nào là thích hợp cho trẻ; cần phải phát hiện sớm, có sự sàng lọc, chẩn đoán từ chuyên gia y tế. Phụ huynh cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế lớn như bệnh viện Nhi đồng Thành phố; hay bệnh viện Nhi Trung ương. Khi đã có kết luận là tự kỷ thể loại nào, lúc này mới quyết định phương pháp phù hợp.

Phương pháp được áp dụng phổ biến nhất là Câu chuyện xã hội (Social Story). Mỗi bài học là một câu chuyện ngắn mô tả khách quan về một người; một kỹ năng, sự kiện, khái niệm hoặc một tình huống xã hội.

Ngoài ra còn có phương pháp giáo dục giảng dạy theo cấu trúc TEACCH (Treatment and Education of Autistic and Related Communication-Handicapped Children). Những bài học cụ thể của phương pháp này là bắt chước, nhận thức, vận động thô, vận động tinh; phối hợp mắt và tay, kỹ năng hiểu biết, kỹ năng ngôn ngữ… Từ đó giúp cải thiện kỹ năng khiếm khuyết, hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài những khiếm khuyết về hoạt động, hành vi, trẻ tự kỷ còn nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh. Lúc này sẽ áp dụng song song phương pháp Điều hòa đa giác quan. Những trung tâm can thiệp sớm trẻ tự kỷ hoặc trường hội nhập chức năng đặc biệt sẽ có những phòng học riêng. Tiếp cận 1 thầy 1 trò. Khi đã tiến bộ hơn về nhận thức, bé sẽ được đưa sang nhóm 2-3 bé. Sau đó sẽ đến nhóm lớn hơn.

Thời điểm vàng để can thiệp giáo dục cho trẻ là dưới 3 tuổi

Theo thạc sĩ Toàn, khâu chẩn đoán, sàng lọc ở Việt Nam đang làm rất tốt. Hàng năm đều có các chuyên gia nước ngoài sang tập huấn kỹ năng, kiến thức; cũng như đưa những công cụ mới như thang đo Cars, ADOS, ADIR… để chẩn đoán chính xác mức độ nặng nhẹ. Tuy nhiên, khâu can thiệp giáo dục còn nhiều tồn đọng.

Thạc sĩ cho biết: “Hiện nay có rất nhiều trung tâm giáo dục đặc biệt ra đời. Tuy nhiên, việc can thiệp có hiệu quả hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn. Người ta hay nói vui là “phước chủ, may thầy”. Nhiều gia đình có con tự kỷ đã đưa đến các trung tâm để học. Sau một thời gian và tốn khá nhiều tiền bạc, con họ vẫn… trắng trơn. Nếu được phát hiện, can thiệp sớm từ khi trẻ 2-3 tuổi; và thậm chí là ngay từ 6 tháng khi trẻ có các dấu hiệu sớm, đi theo hướng tích cực, đúng phương pháp; hầu hết trẻ tự kỷ đều tiến bộ và tham gia được nhiều hoạt động hơn, cơ hội hòa nhập cũng tăng lên rất nhiều.”

Can thiệp giáo dục có thể ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên nếu bắt đầu được càng sớm thì kết quả sẽ càng tốt. Thời điểm vàng là lúc trẻ dưới 3 tuổi. Khi đó những chương trình can thiệp thực sự phát huy được tác dụng tốt nhất; giúp con phát triển tốt về nhận thức, tương tác tốt với các thành viên trong gia đình và bạn bè.

Mặt khác, giáo viên cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam cũng chưa là ngành được đào tạo chuyên biệt; mà chỉ những học phần, chuyên đề trong vài học kỳ. Thành ra giáo viên ngành giáo dục đặc biệt chỉ dừng lại ở mức hiểu tương đối. Đa phần các giáo viên đứng lớp dạy cho trẻ tự kỷ phải tự trang bị thêm kiến thức, thực hành và tích lũy thêm từ các đợt tập huấn với chuyên gia. Thạc sĩ Toàn tin rằng trong vài năm nữa, vấn đề này sẽ sớm được cải thiện.

Nhận thức của phụ huynh về chứng tự kỷ

Những năm gần đây, phụ huynh đã có nhận thức tốt về bệnh tự kỷ nhờ vào nhiều kết nối thông tin đa chiều. Nhiều dịch vụ ra đời giúp phụ huynh chủ động tiếp cận; chẩn đoán và sàng lọc trẻ. Trong quá trình nuôi dạy trẻ tự kỷ; quan trọng nhất là phụ huynh phải hiểu và chấp nhận tất cả những gì thuộc về con.

Ngoài ra, cha mẹ không nên giấu bệnh mà cần chia sẻ với những người xung quanh như ông bà, họ hàng… để mọi người biết để cùng quan tâm và giúp đỡ trẻ. Như vậy, trẻ sẽ có cơ hội hòa nhập, có cuộc sống vui tươi, khỏe mạnh hơn.

Bài: Alex Vo
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua