Thuộc da được xem là hoạt động có lịch sử lâu đời nhất của loài người. Ngay từ thuở sơ khai, con người đã tận dụng phần da thú săn bắt được để làm áo khoác ủ ấm cơ thể. Hay làm tấm che cho lều trại trú ngụ. Sau đó, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao. Người ta cần loại da thú mềm mỏng hơn và vẫn đảm bảo độ bền, chắc chắn. Đó là lý do công nghệ thuộc da ra đời.
3 phương pháp thuộc da phổ biến
Da thuộc ngày nay được sản xuất bằng nhiều phương pháp khác nhau. Từ quy mô cá thể cho đến quy mô công nghiệp. Trên thế giới có nhiều phương pháp thuộc da. Nhưng phổ biến là ba phương pháp: chrome tanning, aldehyde tanning và vegetable tanned.
Trong đó, chrome tanning là kỹ thuật thuộc da phổ biến nhất. Nhưng phương pháp này gây ra nhiều tranh cãi nhất. Do hiệu quả và nhanh chóng trong khâu sản xuất nên chrome tanning được sử dụng rất rộng rãi trong ngành công nghiệp thời trang. Da sau khi qua xử lý sẽ trở nên mềm, dẻo hơn. Đồng thời sẽ không bị mất màu và giữ nguyên dạng bề mặt da.
Tuy là phương pháp xử lý da nhanh chóng nhưng nó được xem là phương pháp gây hại nhiều đến sức khỏe của con người cũng như môi trường. Việc sử dụng hóa chất chromium (crôm) hàm lượng cao trong quá trình thuộc da tiềm ẩn nhiều tác hại khôn lường.
Nguy cơ ung thư khi tiếp xúc lâu ngày
Năm 2016, Liên minh châu Âu EU đã phát hiện hóa chất Chromium VI gọi tắt là Cr (VI) có hàm lượng vượt mức cho phép hiện diện trong các loại giày da, giày bảo hộ Trung Quốc. Khi còn tồn dư sau qua trình thuộc da, Cr (VI) sẽ bốc hơi và tương tác với màng dịch tạo nên chất “carcinogen”. Đây là chất gây ra nguy cơ ung thư phổi.
Không chỉ ung thư phổi, những người nhiễm độc Cr (VI) có thể bị ung thư gan, loét da, viêm da tiếp xúc, xuất hiện mụn cơm, viêm gan, thủng vách ngăn giữa hai lá mía, viêm thận, đau răng, tiêu hóa kém, hệ thần kinh và tim bị nhiễm độc… Phơi nhiễm kinh niên trước hợp chất Cr (VI) có thể gây ra tổn thương mắt vĩnh viễn nếu không được điều trị đúng và kịp thời.
Cr (VI) dễ dàng hấp thụ vào cơ thể. Nó có thể được thông qua tiêu hóa, hô hấp, da và niêm mạc vào trong cơ thể con người. Khi ở dạng hơi, hóa chất này gây bỏng nghiêm trọng cho hệ thống hô hấp của người bị thấm nhiễm.
Bên cạnh hóa chất Cr (VI), chất cấm dimethyl fumarate (DMF) cũng bị phát hiện có trong các sản phẩm giày Trung Quốc và có thể gây hại cho người tiêu dùng. Đây là chất hóa học được dùng để chống mốc trong nội thất, da giày và dệt may.
Theo tiêu chuẩn luật hóa chất REACH – quy định sử dụng hóa chất khi xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU), DMF là một trong những chất hóa học nguy hiểm đã bị cấm sử dụng vì nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Những người mẫn cảm tiếp xúc với chất này có thể bị kích ứng da, bỏng rát da. Sau đó da bị lột hoặc lở loét. Người hít phải khí này có thể khó thở hoặc cay mắt.
Cẩn thận khi chọn mua sản phẩm da
Nhiều chuyên gia trong ngành sản xuất da giày khẳng định phần lớn sản phẩm được quảng cáo “hàng hiệu, chính hãng, giá bèo” đều có xuất xứ từ… Trung Quốc, kể cả hàng giả lẫn hàng nhái thương hiệu. Chất lượng không ai dám đảm bảo. Do đó, với đồ da, đừng tham rẻ mà rước họa vào thân.
Vì được làm từ chất liệu tổng hợp, cộng với hàm lượng hóa chất xử lý vượt mức, nên các sản phẩm giả da, hoặc da kém chất lượng sẽ có mùi hóa chất rất đặc trưng và khó có thể loại bỏ. Ở một đẳng cấp cao hơn hẳn, da thật sẽ sở hữu mùi nhẹ nhàng, thoang thoảng và không gây khó chịu.
Điểm dễ phân biệt nhất giữa đồ da xịn với đồ giả, nhái thương hiệu, hàng lỗi… chính là đường keo dán. Hàng thật thường gọn gàng, đường keo không lem, không bị dư thừa. Các đường chỉ may lỗi, nguyên liệu thừa không được phép xuất hiện trên hàng thật.
Bài: Mi Mi
Tiếp Thị Gia Đình