Tiêm vaccine là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp bảo vệ bản thân và gia đình giữa đại dịch COVID-19. Theo Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ban hành ngày 26/7, Bộ Y tế lưu ý đến thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng. Đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
8 dấu hiệu bất thường sau tiêm ngừa COVID-19
Nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường sau khi tiêm ngừa COVID-19, người dân cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để có sự can thiệp kịp thời. Cụ thể, các biểu hiện đáng lo ngại bao gồm:
- Ở miệng có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.
- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da, chảy máu, xuất huyết dưới da.
- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, phát âm khó.
- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì. Ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, thậm chí ngất xỉu.
- Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
- Về phản ứng toàn thân: Cảm thấy chóng mặt, choáng, xây xẩm như muốn ngã, mệt mỏi bất thường. Ngoài ra cần lưu ý đến biểu hiện đau dữ dội bất thường tại một hoặc nhiều nơi mà không do va chạm. Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
>>Xem thêm: Làm thế nào để cập nhật chứng nhận tiêm ngừa vaccine Covid-19?
Xử trí thế nào nếu bị sốt sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau tiêm chúng ta nên thường xuyên đo thân nhiệt. Nếu bị sốt dưới 38,5 độ C thì cần cởi bớt, nới lỏng quần áo. Kết hợp chườm và lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn. Nhớ uống đủ nước. Không để cơ thể bị nhiễm lạnh khiến tình trạng sốt trở nặng. Sau 30 phút kiểm tra lại nhiệt độ lần nữa.
Nếu bị sốt trên 38,5 độ C thì cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp cơn sốt không thuyên giảm hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, người dân cần thông báo ngay cho nhân viên y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, biến chứng nghiêm trọng do vaccine gây ra là cực kỳ hiếm gặp. Trong khi đó lợi ích do vaccine và tiêm chủng mang lại lớn hơn rất nhiều. Khi gặp các phản ứng phản vệ bất thường, người tiêm vaccine hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán nguyên nhân nhằm xử trí và điều trị kịp thời.
Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến trưa 14/9, Việt Nam đã thực hiện được trên 30,4 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19.
Tiếp Thị Gia Đình