Các nhà khoa học Đại học McGill (Canada) đã tiến hành thí nghiệm kiểm tra tác động của cảm xúc trong lời nói đến phản ứng của mỗi người, bao gồm sự tác động của biểu cảm khi nói so với ngữ nghĩa của lời nói.
Nhóm nghiên cứu chọn ra ba nhóm cảm xúc tiêu biểu nhất là giận dữ, buồn bã và hạnh phúc. 24 người tham gia thí nghiệm sẽ được nghe những đoạn thu âm bao gồm những cảm xúc khác nhau bên trong (như tiếng gầm gừ, tiếng khóc, tiếng cười) song song với việc nghe những đoạn thu âm không cảm xúc. Đồng thời, một điện não đồ (EEG) được sử dụng để ghi nhận những cảm xúc mà họ có tương ứng với những đoạn thu âm.
Các nhà khoa học ghi nhận kết quả rằng, tốc độ phản ứng với cảm xúc trong lời nói của những người tham gia thí nghiệm nhanh hơn hẳn so với tốc độ hiểu ngôn từ. Những đoạn thu âm mang âm điệu vui vẻ được cảm nhận nhanh hơn so với những đoạn thu âm giận dữ và buồn bã. Trong khi các tín hiệu não có xu hướng duy trì lâu hơn với cảm xúc giận dữ và buồn bã, cho thấy não lưu tâm nhiều hơn đến những cảm xúc này. Sự tập trung này được cho là xuất phát từ sự cần thiết để đánh giá mức độ nguy hiểm mà người nghe sắp phải đối mặt. Bên cạnh đó, những người thường xuyên cảm thấy lo lắng cũng cho phản ứng mạnh mẽ và nhanh hơn với những cảm xúc nói chung.
Giáo sư Marc Pell, tác giả nghiên cứu cho rằng, phản ứng của não bộ với những cảm xúc trong lời nói này là kết quả của quá trình tiến hóa. Hiểu ý nghĩa của những âm thanh có thể là một công cụ quan trọng để đánh giá mức độ nguy hiểm và phòng tránh chúng.
Một số nghiên cứu trước đây cũng cho thấy cảm xúc của con người mang tính cá nhân và chủ quan, được quyết định bởi cách thức hoạt động trong não bộ của mỗi người. Đây cũng là một cách thể hiện mức độ tiến hóa trong hệ thống hoạt động của não bộ.
Bài: Vy Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình