Cai nghiện game cho con, phải làm thế nào mới đúng?

Việt Nam có hơn 12 triệu người chơi game online, đa phần là trẻ em từ 10–15 tuổi. Không ít trẻ trong số đó đã rơi vào tình trạng nghiện game

Vụ Đỗ Mãnh Chiểu Minh xông vào trường học đâm chết 1 học sinh và làm bị thương 5 người khác ở Thanh Hóa; nghi ngờ có liên quan đến việc nghi phạm nghiện game. Theo đánh giá của xóm làng, Chiểu Minh sống khép kín; rất ít giao lưu với mọi người. Chủ tịch xã nơi Minh sinh sống cho hay; Minh là đối tượng nghiện game nhiều năm nay. Mỗi ngày Minh chỉ ra khỏi phòng chừng 2–3 tiếng, thời gian chủ yếu ở trong phòng kín chơi game, không đi làm ăn gì.

Hệ lụy của nghiện game

Không thù, không oán, bỗng một ngày Chiểu Minh xách dao vào trường gây ra vụ án kinh hoàng. Nguyên nhân nghi hung thủ bị ảo giác do nghiện game.

Trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại, iPad và các thiết bị điện tử ngày càng được thiết kế thông minh để thu hút trẻ em. Các gia đình vốn xem đây là phương tiện giáo dục; giải trí hấp dẫn hay giữ chân trẻ. Tuy nhiên, nếu chơi không kiểm soát, trẻ mê game sẽ trở thành nghiện game và để lại vô vàn những hệ lụy khủng khiếp

Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại các rối loạn liên quan đến trò chơi điện tử và nghiện game là một rối loạn tâm thần. Cơ chế ảnh hưởng đến não bộ của người người nghiện game tương tự như nghiện ma túy và các chất kích thích khác.

Nghiện game khiến trẻ bỏ ăn, bỏ ngủ, cuộc sống đời thường và game lẫn lộn. Với trẻ nghiện game, trẻ ám ảnh với các trò chơi đến nỗi game đi vào cả trong giấc ngủ. Nghiện game không chỉ gây các tật khúc xạ cho mắt; khiến trẻ gầy gò hoặc béo phì do ít vận động, tinh thần mệt mỏi; chậm phát triển cảm xúc, trí tuệ mà còn gây ra nhiều rối loạn tâm thần như trầm cảm, tự kỷ, tự tử…

Đây cũng là nguồn gốc của thất học, thất nghiệp, của bạo lực và các tội phạm khác như trộm cắp; giết người, nghiện các chất kích thích khác…

Cai nghiện game cho trẻ thế nào mới phải?

Nếu con bạn dành quá 3 tiếng mỗi ngày vào việc chơi game; bỏ qua việc ăn, vệ sinh cá nhân và bỏ học vì game; phản ứng dữ dội khi bị cấm chơi, con bạn đang bước vào thế giới của những người nghiện game. Khi ấy, bạn làm sao có thể kéo con từ thế giời của game thủ về cuộc sống đời thường?

Dành nhiều thời gian cho con:

Lý do quan trọng dẫn đến việc trẻ nghiện game và cũng là giải pháp tốt nhất giúp bạn tách con khỏi game chính là thời gian bạn dành cho con. Rất nhiều trẻ tìm đến game đơn giản vì cảm thấy quá cô đơn, buồn bã trong chính ngôi nhà của mình. Để tách con khỏi game, bạn cần dành nhiều thời gian bên con, cùng ăn, cùng học; cùng chơi, cùng ngủ với con.

Có những bậc cha mẹ chấp nhận bỏ việc để kéo con về cuộc sống đời thường; để sửa chữa sai lầm do một phần lỗi của mình gây ra. Việc ở bên cạnh con không chỉ giúp bạn kiểm soát thời gian chơi game của con mà còn là cách bạn tạo ra sự gắn kết tình thân; giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương. Một đứa trẻ được yêu thương sẽ phát triển những thói quen và cảm xúc lành mạnh.

Tạo ra các hoạt động giải trí thú vị, lành mạnh:

Trẻ nghiện game cũng vì thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh khác. Thời gian bên con là cơ hội để bạn làm điều này. Đó có thể là các hoạt động ngay tại nhà như cùng con đọc sách, trồng cây; làm các món đồ thủ công… Đó cũng có thể là các hoạt động ngoại khóa như học kỳ quân đội; các lớp học năng khiếu như võ thuật; bóng đá, âm nhạc, khiêu vũ, hội họa… và các hoạt động thiện nguyện; hoạt động vì cộng đồng khác. Mục tiêu của các hoạt động này là để giúp trẻ không còn thời gian rảnh; không còn thời gian buồn chán để nghĩ đến game; đồng thời giúp trẻ mở rộng giao tiếp, có nhiều kỹ năng sống bổ ích và trở nên năng động, khỏe mạnh hơn.

Đừng tiếc lời khen:

Với các hoạt động con thành công, bạn đừng tiếc lời khen ngợi dành cho con. Đó là cách bạn thừa nhận những nỗ lực và tiến bộ của con đồng thời tạo động lực để con phấn đấu hơn nữa. Ai cũng thích được ngợi khen nhưng với đứa trẻ; điều đó quan trọng hơn rất nhiều.

Từ từ thu hẹp thời gian chơi game:

Có một thực tế, khi mới bắt đầu, bạn sẽ rất khó để tách con ngay lập tức khỏi game. Vì thế, bạn cần làm việc này từ từ. Bạn nên để con chơi nhưng thu hẹp dần thời gian chơi. Bạn có thể lên thời gian cụ thể trong ngày hoặc quy định chỉ chơi vào ngày cuối tuần; chỉ được chơi 1 giờ khi có điểm tốt…

Khi con đã giảm được thời gian chơi game; bạn không nhất thiết phải cấm tuyệt đối con chơi game bởi game vốn dĩ không xấu. Điều quan trọng là bạn xây dựng được giới hạn thời gian và hãy luôn bên cạnh con khi con chơi game để giúp con chọn chơi các loại game lành mạnh; có tính giáo dục và giải trí hấp dẫn, không có tính bạo lực, kích động.

Giải thích cho con hiểu về tác hại của game:

Giải thích cho con hiểu về tác hại của game bằng những tấm gương trong thực tế đời sống rất có ích đối với trẻ nghiện game. Từ khoảng 6 tuổi, trẻ đã có thể hiểu về nguyên nhân – kết quả.

Khi đó, những câu chuyện như chuyện của Đỗ Mãnh Chiểu Minh hoàn toàn có thể trở thành các vấn đề để bạn và con cùng thảo luận.

Bằng sự mềm dẻo và ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi trẻ; bạn kể cho con nghe câu chuyện và đặt ra những câu hỏi như: Vì sao Chiểu Minh gây ra thảm kịch này? (Vì suốt ngày chơi game, vì nghiện game gây ảo giác); Chiểu Minh có thể gặp phải vấn đề gì khi làm hại đến người khác? (có thể phải đi tù, sẽ không được ở bên cạnh bố mẹ, mọi người xa lánh, không ai dám trở thành bạn bè…);

Theo con, gia đình của người bị hại có oán giận Chiểu Minh? Họ giận là đúng hay sai và tại sao? Con có muốn có công việc tốt, có bạn bè; có bố mẹ bên cạnh hay muốn giống Chiểu Minh?… Trẻ sẽ đặt ra cho bạn rất nhiều câu hỏi khi thảo luận, hãy kiên nhẫn giải thích để trẻ hiểu nghiện game rất tai hại và con không nên dành quá nhiều thời gian vào hoạt động ấy.

Tìm đến bác sĩ tâm lý: Với trường hợp nghiện game quá nặng mà bạn bất lực, không thể can thiệp, đến bác sĩ tâm lý là điều cần thiết. Bằng trị liệu tâm lý và cả thuốc, bác sĩ có thể giúp bạn tích cực trong hành trình kéo con về với cuộc sống thực tế bên cạnh những người thân yêu.

Bài: XOA NGUYỄN 

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua