Mắt cũng như hầu hết các bộ phận khác của cơ thể, có thể bị nhiễm trùng, viêm và chấn thương. TTGĐ xin giới thiệu đến bạn các cách xử lý bệnh về mắt bạn cần biết để có cách ứng phó phù hợp.
Cách xử lý bệnh về mắt bạn cần biết
U MẮT
Có hai loại khối u tại mắt: nguyên bào võng mạc ở trẻ em và khối u ác tính ở người lớn. Nguyên bào võng mạc là ung thư võng mạc, nơi chứa tế bào nhạy sáng của mắt. Ung thư mắt thường xuất hiện ở trẻ dưới năm tuổi. Triệu chứng ban đầu không rõ ràng, đau đớn tăng và cuối cùng là thị lực giảm. U ác tính thường xảy ra ở người 60–65 tuổi, phát sinh từ sự phát triển không kiểm soát của tế bào melanocyte. Người bị bệnh có triệu chứng như nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn méo hình, đau nhức trong mắt, nhức sâu trong óc, cảm thấy căng tức sau mắt, mắt lồi, mệt mỏi, chán ăn, sút cân vô cớ.
Cách xử lý:
Cách xử lý bệnh về mắt này như sau: Khối u nhỏ có thể đáp ứng với điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật lạnh. Một số trường hợp có thể cắt bỏ khối u mà vẫn duy trì thị lực. Nếu ung thư biến chứng nặng phải múc bỏ mắt và phẫu thuật tái tạo mắt.
ZONA Ở MẮT
Zona là bệnh đặc biệt ở mắt do vi-rút varicella zoster gây ra. Zona mắt có biểu hiện ban đầu là đau rát vùng mi mắt, đau phát sốt (có thể sốt nhẹ hoặc nặng). Sau vài ngày, mí mắt có nốt ban, mụn bọng và phù nề mi. Các nốt này xuất hiện ở bờ mi rồi lan vào trong mắt gây đau rát. Tiếp theo, nốt mụn sẽ tự vỡ hoặc do vô tình làm vỡ, loét ra và đóng vảy. Trường hợp nhẹ, bệnh sẽ khỏi trong 7–10 ngày. Trường hợp nặng, bệnh sẽ lan rộng và gây viêm loét kết giác mạc, làm co kéo, mất độ đồng đều kết mạc, giác mạc, ảnh hưởng tới thị lực hậu zona.
Cách xử lý:
Để điều trị zona, bác sỹ có thể dùng thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, chống viêm, ức chế hoạt hóa quá mức của bạch cầu, chống nhiễm trùng, làm dịu da, chống đau thần kinh. Hơn nữa, việc giữ vệ sinh mắt rất quan trọng, do người ta ngại nhiễm trùng thứ phát sau zona hoặc tổn thương quá sâu do zona. Trường hợp lan rộng và tiến triển nặng thêm sau ba ngày nhiễm, cần tới bệnh viện khám ngay.
XƯỚC GIÁC MẠC
Chấn thương do bụi, cát, dăm gỗ, hạt kim loại… có thể gây trầy xước giác mạc. Trầy xước giác mạc có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến loét giác mạc hay nhìn mờ, giảm thị lực và dẫn tới mất thị lực hoàn toàn vùng nhìn có vết xước.
Cách xử lý:
Cách xử lý bệnh về mắt này như sau: Bạn lấy một bát sạch, đổ đầy nước. Úp mặt vào bát nước sao cho mắt có dị vật ngâm toàn bộ trong nước. Nếu thấy hơi xót, bạn cố chịu đựng. Tiếp theo, chớp mắt năm lần, liếc sang trái rồi phải ba lần. Cần chớp mắt dứt khoát để nước đi vào trong ngõ ngách. Sau đó, bạn ngẩng mặt lên, dùng khăn mềm, nhắm mắt lại, thấm khô nước vùng mắt. Tuyệt đối không dùng tay giụi mắt vì có thể khiến dị vật đi vào sâu, khó lấy hơn. Nếu tình hình sau khi tự xử trí không hiệu quả, bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện.
VIÊM MÍ MẮT
Viêm mí mắt thường do vi trùng gây ra hay do viêm da tiết bã, dị ứng, bệnh vảy nến, rối loạn chức năng các tuyến dầu trong mí mắt, mụn trứng cá. Viêm mí mắt không lây truyền. Thông thường, mí mắt bị đỏ, sưng, hơi ấm, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác có dị vật trong mắt, mắt chảy nước, đau, nhìn không rõ do nước mắt chảy ra hoặc do làm cộm mi, đỏ mắt ít khi xảy ra, nếu có chỉ đỏ cục bộ, ít khi toàn bộ mắt.
Cách xử lý:
Đắp gạc nóng lên mắt: Lấy gạc sạch nhúng nước ấm 35–40°C, đắp vào mắt, 2–3 lần/ngày. Dùng tăm bông, khăn mềm hay miếng vải nhỏ nhúng nước muối ấm rồi lau nhẹ quanh bờ mí. Sau đó, rửa lại bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc dùng miếng gạc sạch hay tăm bông thấm nước nóng chà nhẹ trên hàng lông mi khoảng 15 giây/mí.
Tra thuốc mỡ kháng sinh hoặc nhỏ thuốc kháng sinh vào bờ mí trước khi đi ngủ. Khi dùng thuốc, cần có sự chỉ định của bác sỹ.
Giữ vệ sinh tốt: Bạn rửa mặt 2 lần/ngày, nhớ rửa vùng mắt, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vào mắt ngay khi ngứa hoặc cộm.
Tiếp Thị Gia Đình