Đừng để nỗi sợ hãi nhấn chìm bạn!

Áp dụng lời khuyên từ những chuyên gia sẽ giúp bạn vượt qua bất kỳ nỗi sợ trong cuộc sống!

cách vượt qua nỗi sợ hãi

Đừng để nỗi sợ hãi nhấn chìm bạn. Cách vượt qua nỗi sợ hãi là gì? Ảnh: Shutterstock

Cuộc sống những ngày qua chẳng hề dễ chịu chút nào. Dịch bệnh lây lan mạnh, hàng loạt khu phố bị phong tỏa, nhiều tỉnh thành phải giãn cách xã hội. Nỗi hoang mang ập xuống tất cả.

Cũng vì lo sợ mà mọi người ùa vào siêu thị vét nhu yếu phẩm khi hay tin hôm nay chợ đóng cửa, ngày mai thành phố ra lệnh “giới nghiêm”. Nhiều người hồi hộp vì hay tin cây xăng mới đổ hôm qua, cửa hàng vừa ghé hôm kia, phát hiện có F0 từng đến… Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta có hàng trăm ngàn thứ để sợ. Thật khó để tổng hợp và phân nhóm cụ thể, nhưng nhìn chung, ta có thể xếp chúng theo hai dạng: nỗi sợ bản năng và nỗi sợ tâm lý.

Hàng ngày, báo chí và truyền thông đăng tải rất nhiều tin tức tiêu cực về dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn… Chúng dễ khiến ta lo âu, hoang mang. Sự sợ hãi này thuộc về bản năng. Còn với những mối lo khác như sợ thất bại, sợ nói trước đám đông, sợ mất danh dự… đó lại là nỗi sợ xuất phát từ tâm lý.

Sự sợ hãi trước dịch Covid-19 hoặc bất kỳ nỗi lo khác trong đời, chúng chẳng khác gì nhau. Sợ hãi là thứ có sẵn khi con người sinh ra. Chúng nằm im trong tiềm thức, đợi một tiếng gọi là kích hoạt ngay lập tức. Tùy theo cơ chế trấn tĩnh của mỗi cá nhân mà nỗi sợ có thể tác động nhiều hay ít. Đôi lúc, nó nhấn chìm bạn vào khủng hoảng trước khi điều tồi tệ thực sự kéo đến.

Cách vượt qua nỗi sợ hãi như thế nào?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm: “Tập sống cân bằng về thể chất lẫn tâm lý”

Mọi sự cân bằng trong cuộc sống đều xuất phát từ sự cân bằng về thể chất lẫn tâm lý ở mỗi người. Con người có hai phần rạch ròi là thân và tâm. Thân cần khỏe mạnh, không bệnh tật. Tâm cần thanh thản, không ưu tư phiền não. Khi bên trong chúng ta không cân bằng thì tất cả mặt khác của cuộc sống cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta dễ đau buồn, sợ hãi, mất phương hướng. Hãy biến nỗi lo sợ dịch bệnh thành lời nhắc nhở bản thân phải rèn luyện thể lực mỗi ngày; nuôi dưỡng tinh thần lạc quan. Suy cho cùng mọi vấn đề trong cuộc sống cũng như cách vượt qua nỗi sợ hãi, cốt lõi vẫn nằm ở chính bạn.

Chuyên gia tư vấn phát triển bản thân Vanilla Huỳnh Huyền Trân: “Khi nỗi sợ xuất hiện, bạn phải tự mình vượt qua”

Những bạn thuộc “team thỏ đế” nên biết rằng suy nghĩ sợ hãi sẽ cho ra năng lượng thấp. Và chính bạn sẽ nhận hậu quả lớn hơn thực tế. Hít thở sâu bằng bụng luôn là giải pháp tuyệt vời với bản thân Vanilla. Khi mình tập trung vào hơi thở, hít vào bụng phình lên; thở ra chầm chậm bụng xẹp xuống. Việc cảm nhận hơi thở vận chuyển trong người sẽ giúp mình quên đi những chuyện khác, là cách vượt qua nỗi sợ hãi. Đây cũng là một hình thức thiền để tâm trí tĩnh lặng, nỗi sợ dịu lắng.

GS. TS. BS. Cao Tiến Đức – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103: “Tâm lý tốt giúp tăng sức đề kháng với bệnh tật”

Sau một thời gian theo dõi các đối tượng cách ly, người dân trong cộng đồng bị phong tỏa… tôi cùng cộng sự nhận thấy phản ứng tâm lý của họ rất mạnh. Người già, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp là những đối tượng dễ bị tác động tâm lý; dễ mắc các rối loạn về tâm thần. Chúng ta cần tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch. Đồng thời tăng hoạt động tinh thần để có tâm lý tốt, hỗ trợ sức đề kháng với bệnh tật.

Chuyên gia tâm lý Pepper: “Mỗi ngày, hãy thử viết ra một điều bạn sợ”

Cách vượt qua nỗi sợ hãi là nếu có thể, hãy thực hiện điều đó. Đó có thể là trao đổi thẳng thắn với cấp trên về công việc quá tải; nói lời xin lỗi với người đã tổn thương vì bạn… Còn với nỗi sợ không thể để xảy ra, như mắc virus chẳng hạn; hãy làm tất cả những việc có thể ức chế hoặc thanh trừ nó. Cách phòng chống Covid-19, chắc hẳn ai cũng biết. Thế thì hãy tuân thủ ngay. Triệt tiêu từng nỗi sợ giống như gỡ bỏ từng hòn đá trói chân. Chọn cách sống không sợ hãi và vượt qua nó là cách gia tăng lòng dũng cảm; cũng như biến bạn thành chiến binh hạnh phúc.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua