Ứng xử thế nào với người luôn xem mình là “số 1”?

Thật khó chịu nếu như bạn gặp phải những người kiêu ngạo, tự tôn, muốn làm tâm điểm của sự chú ý. Tiếp Thị Gia Đình sẽ gởi đến bạn cách ứng xử khi gặp tuýp người này nhé.

Với người luôn xem mình là “số 1” bạn không nên cổ vũ cho họ thêm kiêu ngạo

Một nhóm bạn làm cùng công ty rủ nhau đi chơi xa. Chỉ sau hai ngày, đã có vài người chụm lại chia sẻ với nhau sự bất bình về cô nàng nổi bật trong nhóm: “Lúc nào chị ấy cũng đòi theo ý mình, rằng chỗ đó xịn nhất, ngon nhất, như quán cà-phê này chị ấy đòi vào nè, chỉ được cái mắc nhất thôi chứ món uống dở tệ, lại ồn ào, chật chội, phục vụ kém…”.

Đối với những đối tượng luôn xem mình là “số 1” là “cái rốn vũ trụ” như thế, tốt nhất chúng ta nên tránh xa hoặc định ra ranh giới rõ rệt để không phải hao tổn năng lượng vì những phiền phức không đáng có. Song, nếu buộc phải giao tiếp với họ thì việc hiểu rõ tại sao họ hành xử như thế sẽ giúp chúng ta đối phó tốt hơn.

NHẬN DIỆN KẺ HỢM HĨNH

20150709-Suc-khoe-Tam-ly-Cai-ron-vu-tru-2515-01

♣ Người kiêu ngạo làm mọi cách để bảo vệ hình ảnh bản thân.

Họ có cái nhìn không thực tế và muốn người khác tin rằng thế giới của họ tốt hơn. Nếu bạn không hùa theo suy nghĩ ấy, họ sẽ không thích bạn.

Họ thường có nhiều bạn bè nhưng mối quan hệ rất hời hợt và chỉ là bề ngoài.

Tình bạn của họ phần lớn thiên về số lượng chứ không phải chất lượng. Họ có thể dễ thương, quyến rũ, nhưng không phải với tất cả mọi người mà có sự chọn lọc, chủ yếu nhắm vào những ai nâng cao lòng tự tôn của họ. Họ có thể nghĩ ra cách này, cách khác để lôi kéo nhiều người vào thế giới của mình, nhưng thường chỉ là những đối tượng biết vuốt ve sự kiêu ngạo của họ.

♣ Kẻ kiêu ngạo cảm thấy trống vắng.

Đó là lý do họ lôi kéo người khác để lấp đầy chỗ trống trong tâm hồn.

Họ không chấp nhận sự khác biệt và đánh giá thấp người khác.

Thật ra, trong lòng họ không thấy tự tin nên họ tìm kiếm cảm giác hơn người bằng cách hạ thấp người khác. Họ thường có những quan điểm cứng nhắc và phần lớn là không có giá trị vì họ thuộc týp người chỉ xem lướt qua bìa tạp chí để tỏ ra thông minh chứ không đọc kỹ các bài báo để lấy thông tin. Song, nếu ai có suy nghĩ không giống họ thì họ có thể chỉ trích đối tượng nặng nề.

 Họ không thể duy trì những mối quan hệ lâu dài.

Đối với họ, những người xung quanh hoặc là rất tốt hoặc là rất xấu tùy thuộc vào việc người ta có ngưỡng mộ họ hay không. Bạn có thể là người họ yêu quý lúc này, nhưng lát nữa đã trở thành kẻ thù của họ.

Những “cái rốn rũ trụ” rất khó có sự cảm thông với người khác.

Nếu điều đó xảy ra thì thường kèm theo điều kiện là họ nhận được gì từ đối tượng mà họ chia sẻ sự cảm thông.

Lòng tự trọng của họ có những lỗ hổng cần lấp đầy.

 

NÊN ỨNG XỬ THẾ NÀO?

Đừng nín nhịn chịu đựng họ.

Khi cần lên tiếng với họ, bạn hãy nói ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề.

Vì họ không phải là người biết lắng nghe, lại còn dựng lên một bức tường dày để bảo vệ hình ảnh của mình.

Đừng cổ vũ cho sự kiêu ngạo của họ

Cũng đừng vuốt ve lòng tự tôn của họ mà hãy nói đúng những gì bạn suy nghĩ một cách chân thành.

Trong tình huống phải bảo vệ mình

Bạn chỉ cần tỏ ra mình không đồng ý chứ đừng cố gắng tấn công họ.

Tránh dính líu đến họ.

♣ Cởi mở và kiên nhẫn.

♣ Học cách quan sát và đánh giá hành vi của họ một cách khách quan.

 

HỌ ĐÁNG THƯƠNG HƠN LÀ ĐÁNG GHÉT

20150709-Suc-khoe-Tam-ly-Cai-ron-vu-tru-2515-02

Bạn hãy cố gắng đừng ghét bỏ những người trót xem mình là “cái rốn vũ trụ”. Nên tội nghiệp họ vì chính quá khứ họ đã trải qua tạo nên cho họ cơ chế tự bảo vệ mình sai lầm như thế. Có một phần nào đó họ không thích về bản thân mình và cố gắng che giấu. Nhiều người trong chúng ta cũng có quá khứ không hoàn hảo, nhưng chúng ta dám đối diện với nó một cách tích cực và hiệu quả, còn người tự xem mình là trung tâm chỉ muốn che giấu nó. Tuy nhiên, thương hại không có nghĩa là nín nhịn, chúng ta vẫn phải làm cho họ biết ý thức về cách hành xử của mình.

Mục Sức khỏe – Tâm lý/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua