Nhiều người không đủ dũng cảm nói lời từ chối vì cả nể, sợ người khác phiền lòng để rồi sau đó cảm thấy nặng gánh. Trong cuộc sống, nhiều lúc bạn phải biết cách từ chối. Sự từ chối ở đây không phải vì bạn không tốt mà nhằm tạo điều kiện cho người khác tự lập, tự đứng trên đôi chân của mình. Nói không với người khác cũng giúp bạn tránh rơi vào tình huống mệt mỏi và khó chịu. Cùng tham khảo một số tình huống dưới đây nhé!
♦ Đề nghị: Một đồng nghiệp kêu gọi đóng góp để mua quà sinh nhật nhưng bạn thấy không thân thiết với người được tặng quà.
Cách từ chối: Bạn có thể nói rằng mình không thân thiết, thậm chí mới nói chuyện một lần với người ấy.
Tại sao hiệu quả? Người đi kêu gọi có thể không biết rõ mối quan hệ của bạn với người cần được tặng. Bạn nên nói rõ cho họ hiểu.
Tại sao bạn không nên áy náy? “Một món quà sẽ không có ý nghĩa nếu đó là sự ép buộc”, bạn đừng bao giờ quên điều ấy.
♦ Đề nghị: Một người bạn hỏi vay một số tiền lớn.
Cách từ chối: Bạn có thể lựa lời để nói bản thân có luật là không cho mượn tiền.
Tại sao hiệu quả? Lý do này cho thấy việc không cho mượn là quy luật của riêng bạn chứ không phải bạn không yêu mến người ấy.
Tại sao bạn không nên áy náy? Việc cho mượn tiền dù ít hay nhiều cũng dễ gây ra những vấn đề không mong muốn, ảnh hưởng đến mối quan hệ.
♦ Đề nghị: Bạn được đề nghị thăng chức nhưng bạn không đủ tự tin để vào vị trí ấy.
Cách từ chối: Hãy cảm ơn sự tin tưởng của cấp trên và nói rõ lý do rằng bạn không thể đảm đương tốt trách nhiệm đó ngay lúc này. Bạn có thể xin cấp trên cho thêm thời gian để trau dồi chuyên môn, khi đã sẵn sàng bạn sẽ nhận nhiệm vụ.
Tại sao hiệu quả? Đây không phải là bạn làm trái ý cấp trên mà đang đặt lợi ích công việc lên hàng đầu.
♦ Đề nghị: Một người bạn hay đồng nghiệp hỏi mượn xe vì cần đi đâu đó.
Cách từ chối: Nếu là người thẳng thắn, bạn có thể nói rõ nguyên tắc của mình là không cho mượn tiền hoặc món đồ nào quá 5.000.000 đồng. Nếu không đủ thắng thắn và có thời gian, bạn có thể đề nghị chở cô ấy.
Tại sao hiệu quả? Lý do đưa ra xuất phát từ bản thân bạn chứ không đề cập đến việc bạn không tin tưởng người ấy.
Tại sao bạn không nên áy náy? Xe là tài sản giá trị. Bạn không cho mượn vì đang bảo vệ tài sản của mình. Hơn nữa, nếu trong lúc mượn, người bạn ấy gặp phải tai nạn ngoài ý muốn, tình bạn cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
♦ Đề nghị: Cấp trên yêu cầu bạn thực hiện một công việc hay kế hoạch mới nào đó.
Cách từ chối: Bạn cần nêu ra sự bận rộn của mình ở công việc hiện tại. Bạn không nên nói không nhưng hãy hỏi cấp trên rằng bạn nên ưu tiên cho công việc nào trước.
Tại sao hiệu quả? Đây không phải là bạn từ chối. Nếu cấp trên yêu cầu bạn chỉ chú trọng vào nhiệm vụ vừa giao, hãy thực hiện ngay.
Tại sao bạn không nên áy náy? Bạn đã quá bận rộn, vì vậy từ chối không phải là bạn không có trách nhiệm mà phần nào cho cấp trên biết khối lượng công việc hiện tại của bạn.
Mục Kỹ năng / Tiếp Thị Gia Đình