Chợ dầu cá họp ngay trên mạng. Còn ở hiệu thuốc, có đủ loại dầu cá trong và ngoài nước với nhiều mức giá khác nhau. Người mua ngày một nhiều, nhưng hầu như ai cũng chỉ uống theo giới thiệu của người bán hàng và những lời truyền miệng mà chưa biết cách sử dụng dầu cá an toàn. Phần lớn người tiêu dùng đều bối rối trước vấn nạn khi sử dụng dầu cá.
LẠC GIỮA “MÊ HỒN TRẬN” DẦU CÁ
Dầu cá Omega 3–6–9 hiện là một trong những mặt hàng “hot” ở bất cứ shop bán hàng online nào. Khi chúng tôi ngỏ ý tìm sản phẩm điều trị suy giảm nội tiết tố, chủ một shop online đã tư vấn bổ sung viên omega 3–6–9 kèm sữa ong chúa. “Mẹ chị cũng đang uống kết hợp hai loại này, tốt lắm. Uống Omega 3–6–9 sẽ có mái tóc khỏe mạnh, làn da mịn màng, làm cân bằng hormone nữ, chuyển hóa mỡ và giảm cân, giảm các cơn đau nhức của bệnh viêm xương khớp và các triệu chứng tiền mãn kinh. Giá 680.000 đồng/hộp 200 viên, hàng xách tay Úc chuẩn em nhé”, chị chủ shop hồ hởi chào hàng.
Dầu cá nhập ngoại giá từ 600.000 đồng trở lên, còn dầu cá trong nước giá chỉ vài chục nghìn đồng. Chúng tôi thắc mắc về điều này khi tới một hiệu thuốc khác mua dầu cá thì chính người bán hàng cũng khá lăn tăn: “Giá cả vô cùng lắm. Hàng của Mỹ, Úc được khách hàng nữ ưa chuộng nhất mặc dù giá cả đắt, còn hàng trong nước giá chỉ mấy chục nghìn thường người già dùng điều trị chứng khô mắt. Bên em chỉ biết nhập hàng về bán thôi, còn chất lượng ra sao, sử dụng dầu cá an toàn hay không còn cần tùy vào cảm nhận của người dùng”.
Đang trong thời kỳ “low carb” nên chị Hoàng Thu Hằng (Q. Ba Đình, Hà Nội) quyết định mua dầu cá Omega 3–6–9 về uống cho da khỏe đẹp hơn. “Tôi đi khảo giá, hàng nhập toàn 600.000 đồng/lọ 120 viên. Khi ra hiệu thuốc gần nhà, người ta đưa cho một lọ 100 viên, bảo là của Canada, giá 140.000 đồng, tôi đồng ý mua. Về nhà xem lại, cảm giác bao bì đơn điệu với dòng thông tin “Qingdao, P.R.C”, tôi tìm trên Google mới biết P.R.C là viết tắt của People Republic of China (Trung Quốc). Hóa ra mình mua nhầm hàng Tàu”, chị Hằng bức xúc.
CHỚ UỐNG TUỲ TIỆN!
Mang thai bảy tháng, chị Thùy Linh (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) được đồng nghiệp khuyên uống thêm dầu cá vì nghe nói sản phẩm này “bổ sung dưỡng chất cho não bé phát triển toàn diện”. Vốn lười ăn cá, chị Linh nghĩ uống dầu cá có thể thay thế việc ăn cá nên ra hiệu thuốc mua một hộp Omega 3 Alaska Fish Oil. “Uống được hai tháng, tôi ra cửa hàng thuốc khác mua, chị bán thuốc nói phụ nữ mang thai không nên dùng dầu cá. Vậy không biết có ảnh hưởng tới thai nhi không. Sao mỗi chỗ nói một kiểu vậy?”, chị Linh than thở.
Dầu cá cũng được nhiều chị em xem là “thần dược” làm đẹp với tâm lý “không bổ ngang thì bổ dọc”. Da bị sạm, nổi mụn cộng thêm chứng mất ngủ, chị Bích Ngọc (Q. Hà Đông, Hà Nội) quyết định mua dầu cá nhập khẩu về uống theo lời tư vấn của nhân viên nhà thuốc. Uống dầu cá kết hợp với nước nấm linh chi được một tháng, chị Ngọc cảm thấy ngủ ngon hơn nhưng da mặt lại nổi thêm rất nhiều mụn. Có người dùng dung dịch dầu cá thoa lên mắt vì nghe nói làm vậy giúp trị thâm quầng. Có bà mẹ còn cho con chơi với dầu cá và bé có vô tình ăn phải vài viên cũng chẳng lấy làm lo ngại.
Tiến sỹ Hồ Thu Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, giải thích: “Dầu cá là loại dầu có nguồn gốc từ các mô của những con cá có chứa dầu như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ… Dầu cá có chứa các a-xít béo omega-3, a-xít eicosapentaenoic (EPA) và a-xít docosahexaenoic (DHA) mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng tan trong chất béo nên chỉ hấp thu tốt nhất khi có dung môi phù hợp là chất béo. Dầu cá thông dụng nhất hiện nay chia làm hai loại: loại chứa vitamin A, D tan trong dầu và loại chứa a-xít béo omega-3, omega-6. Ngoài ra, nhà sản xuất còn bổ sung thêm vitamin E có tác dụng chống ô-xy hóa. Nếu dùng đúng cách, dầu cá có rất nhiều tác dụng tốt như cung cấp dưỡng chất omega-3, omega-6, vitamin A, D, E và các vi chất khác. Dầu cá giúp bình ổn và giảm mỡ máu, tốt cho mắt. Omega–3 tìm thấy ở não bộ nên dầu cá tốt cho não bộ, đặc biệt là với trẻ em.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng dầu cá sẽ gây ra rất nhiều tác dụng phụ. Nguy hiểm nhất là dễ gây ngộ độc vitamin A, D, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nhiễm độc thần kinh, dị ứng với các thành phần của thuốc khác như mẩn ngứa, tiêu chảy, nhức đầu… Với người bị đái tháo đường, dầu cá dễ gây đường huyết tăng cao. Tốt nhất chúng ta nên sử dụng theo chỉ định của bác sỹ, tránh uống theo kiểu truyền miệng. Với những người đang sử dụng thuốc chống đông máu và trẻ nhỏ, nhất thiết phải có thăm khám, chỉ định của bác sỹ. Không nên sử dụng dầu cá cho phụ nữ có thai. Ngoài ra, bạn cần mua thuốc ở những nơi đảm bảo nguồn gốc xuất xứ để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái”.
DẦU CÁ LÀM MÒN TẤM XỐP LÀ CHUYỆN BÌNH THƯỜNG!
Sau khi xuất hiện thông tin dầu cá Omega–3 ăn thủng tấm xốp gây nguy hiểm đến tính mạng con người, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã lấy ba mẫu thực phẩm chức năng dầu cá của Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam để kiểm nghiệm trên miếng xốp dày 3cm. Kết quả cho thấy, sản phẩm của Mỹ bào mòn miếng xốp nhanh và nhiều nhất khiến miếng xốp lõm sâu tạo thành lỗ, sản phẩm dầu cá của Việt Nam cũng tạo lỗ thủng trên bề mặt miếng xốp, còn sản phẩm của Trung Quốc bào mòn miếng xốp ít nhất. Đối với trường hợp hai lọ dầu cá ở Quảng Ngãi, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi đã điều tra rõ, đây không phải là sản phẩm của Công ty Ngôi sao Việt nhập khẩu mà là sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, với bản chất là chất béo ester hóa, tất cả các loại dầu cá đều có tác dụng vào từng loại dầu cá khác nhau. Trong cơ thể người không có polystyrene nên không có tương tác như vậy khi sử dụng dầu cá. Dầu cá được cơ thể hấp thu và chuyển hóa thành những chất có lợi cho sức khỏe. “Các sản phẩm dầu cá được cấp phép hiện đều an toàn, người dân không nên hoang mang, nhưng tuyệt đối cũng không nên mua, sử dụng thực phẩm nói chung và thực phẩm chức năng nói riêng không có nguồn gốc, xuất xứ”, ông Phong khuyến cáo.
PGS. Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cũng khẳng định dầu cá ăn mòn tấm xốp là chuyện bình thường. Theo thầy Côn, bản thân xốp là một dạng polime, nhưng polime chỉ chiếm một phần trăm rất ít, còn lại chủ yếu là không khí nên rất nhẹ. Thành phần hóa học của nhựa polime này hòa tan tốt trong các dung môi hữu cơ, đặc biệt là trong các dung môi không phân cực hoặc ít phân cực. Trong khi đó, dầu cá chứa các ester ít phân cực, nên thùng xốp dễ hòa tan trong dầu cá.
“Về nguyên tắc, Omega–3 chứa các ester có khả năng làm mềm thùng xốp bởi thùng xốp hòa tan trong các dung môi ít phân cực và không phân cực rất tốt. Không chỉ dầu cá mà ngay cả các loại dầu thực vật như dầu ô-liu cũng làm tan xốp. Các thành phần của dầu ô-liu có khả năng làm mềm hoặc hòa tan polime xốp nhưng việc hòa tan sẽ chậm hơn”, thầy Côn giải thích.
Sử dụng dầu cá an toàn là điều cần thiết đối với người tiêu dùng trong việc bảo vệ sức khoẻ. Không nên sử dụng nguồn dầu cá không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc quá lạm dụng dầu cá để xảy ra những rủi ro đáng tiếc.
Bài: THU HÀ
Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình