Cách sơ cứu căn bản khi bé bị gãy xương

Gãy xương có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Tiếp Thị Gia Đình chỉ bạn các bước sơ cứu khi bé bị gãy xương, cũng như cách phòng ngừa gãy xương ở trẻ.

Nhiều trường hợp bé bị gãy xương khi chơi thể thao hay nô đùa

Không khó để nhận ra gãy xương. Sau cú ngã hay va chạm mạnh, phần chân, tay có xương gãy sẽ đau nhói, có khi không thể cử động được. Người bệnh chỉ có thể lê lết (nếu gãy ở chân), đỡ tay (nếu gãy ở tay). Một lúc sau vùng xương gãy sưng nề, căng bóng và tụ máu bầm tím (nếu xương nằm ở chỗ nông). Có trường hợp nghiêm trọng, đầu xương gãy nhô ra, xuyên qua da và chảy máu.

BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM KHI BỊ GÃY XƯƠNG

Mọi người thường nghĩ đơn giản: “Gãy xương thì vào bệnh viện bó bột là xong”. Ít ai nghĩ gãy xương có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Ví dụ:

• Gãy xương hở (đầu xương trồi ra ngoài) sẽ gây mất máu và nhiễm trùng (vi khuẩn chui trực tiếp vào xương).

• Gãy xương sườn sẽ gây thủng phổi, chảy máu màng phổi và suy hô hấp.

• Gãy vỡ xương sọ sẽ gây giập nát não.

• Gãy xương cột sống sẽ gây liệt chân tay cả đời hay gây tắc mạch do mỡ (vì trong xương cột sống có nhiều tủy mỡ), đau quá dẫn đến sốc, có thể tử vong.

Trẻ dưới sáu tuổi bị gãy xương khá phổ biến vì bé đang ở trong lứa tuổi thích khám phá và hoạt động. Với trẻ, gãy xương phổ biến ở chi trên như cổ tay, cẳng tay và khuỷu tay.

Brother and Sister Running

Cho bé chạy nhảy, vui chơi có chừng mực để tập cho cơ thể vận động dẻo dai

5 BƯỚC SƠ CỨU KHI BÉ BỊ GÃY XƯƠNG

Với trường hợp gãy xương ít nghiêm trọng ở trẻ, bạn hãy làm theo các bước sau:

1. Cắt quần áo quanh vùng tổn thương, không cố luồn chân, tay ra khỏi quần áo.

2. Quấn băng quanh thanh nẹp thành một lớp dày 3–5mm rồi đặt tay hoặc chân bé lên chiếc nẹp này. Sau đó, quấn tay hay chân bé vào chiếc nẹp.

3. Đưa bé đến bệnh viện đa khoa bằng xe ô-tô, taxi. Bác sỹ sẽ kiểm tra xương, chụp X-quang để xác định loại gãy xương và điều trị.

4. Với gãy xương hở, bạn không nên rửa, ấn đầu xương vào vì có thể làm tình trạng gãy nặng thêm. Bạn chỉ lấy miếng gạc sạch, trải rộng, phủ 2–3 lớp để che bụi.

5. Sau đó, gọi cấp cứu 115.

BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG GÃY XƯƠNG Ở TRẺ

− Tăng cường cho bé ăn thực phẩm giàu can-xi (thủy hải sản, trứng và sữa).

− Một ngày bạn cần cho bé vui chơi, chạy nhảy ít nhất 2 giờ để cơ thể dẻo dai.

− Bạn nên dọn dẹp nhà cửa để bé tự do chạy nhảy trong nhà. Đặc biệt, khi sàn nhà ướt, bạn phải lau ngay để tránh trơn trượt.

– Không cho bé leo trèo cao.

− Khi tham gia giao thông, bạn thắt đai an toàn và đội mũ bảo hiểm cho bé để đề phòng tai nạn xảy ra.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua